DN Việt và mô hình TPS của TOYOTA
Lần đầu tiên, VCCI phối hợp với Cty Hirayama (Nhật Bản) triển khai khóa đào tạo chuyên sâu về lập kế hoạch sản xuất trong DN thông qua phương thức sản xuất Toyota (Toyota Production System - TPS) nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho DN VN, đặc biệt là vấn đề giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Thái Phong Nhã - Tổng Giám đốc tập đoàn Prime xung quanh nội dung này.
Ông Nhã cho biết, đây là mô hình đào tạo mới dành cho DN của VCCI, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành và tham quan các DN sản xuất đã áp dụng thành công TPS của Nhật Bản.
Cũng theo ông Nhã, TPS là công nghệ quản lý sản xuất toàn diện của người Nhật. TPS không đơn giản là việc cải tiến khoa học kỹ thuật để đạt tốc độ nhanh hơn mà chính là khả năng phát triển dựa trên sự tiết kiệm tối đa trong sản xuất, giảm thiểu hàng tồn kho, cắt giảm chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả sản xuất của thiết bị máy móc. Ở đó, nhân công luôn được khuyến khích hơn và mỗi công nhân có thể tự hào về vai trò và trách nhiệm của họ.
- Các kiến thức và kinh nghiệm thu được qua khoá học sẽ có tác động như thế nào tới phương thức quản trị DN của tập đoàn Prime, thưa ông ?
Như tôi đã nói ở trên, các Cty Nhật thường bắt đầu từ việc quan tâm đến môi trường, quan tâm đến cải tiến, quan tâm đến giảm giá thành sản xuất mà giữ ổn định chất lượng thông qua sự tham gia của toàn thể người lao động. Từ đó nâng cao chất lượng môi trường lao động, năng cao năng suất, giảm chi phí và cuối cùng sẽ tạo ra lợi nhuận bền vững.
Việc áp dụng theo mô hình quản lý của các Cty Nhật cũng thay đổi cách điều hành sản xuất từ lãnh đạo. Chúng tôi sẽ nâng cao công tác kế hoạch từ đầu ra, thảo luận lại với các nhà cung ứng và thay đổi quy trình cung ứng để sản xuất hiệu quả hơn. Công tác kế hoạch cũng cụ thể và sát thực tế hơn.
Chúng tôi đã chỉ đạo các Cty thành viên thuộc hệ thống Prime Group mời chuyên gia Nhật sang hỗ trợ và nhanh chóng triển khai nghiêm túc chương trình này.
- Theo ông, mô hình TPS có phù hợp với bối cảnh hiện nay của nền kinh tế, DN VN không ?
Nhật là đất nước bị tàn phá sau chiến tranh, nay đã trở thành một cường quốc kinh tế. Có thể nói, Nhật đã đi lên và phát triển nhờ sản xuất. Sức mạnh của Nhật nằm ở nền sản xuất tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng trên toàn thế giới ưa thích nhờ chất lượng, tính tiện dụng hướng đến người sử dụng một cách sâu sắc. Vậy đâu là bí quyết của các DN sản xuất Nhật. Có thể nói, một trong những bí quyết chính là TPS mà Toyota - DN lớn nhất Nhật đã và đang áp dụng.
Kế thừa thành tựu mà các DN Nhật Bản, đặc biệt là Toyota, vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tế của DN VN, theo ý kiến cá nhân tôi, là cần thiết và phù hợp. Một trong những nội dung cơ bản của TPS là áp dụng 5S và Kaizen vào toàn bộ hệ thống sản xuất. Điểm đặc biệt là áp dụng 5S và Kaizen không cần sử dụng nhiều tiền đầu tư. Điểm này rất phù hợp với điều kiện của DN VN, đặc biệt là DNNVV. Tinh thần của 5S và Kaizen là dựa trên sức sáng tạo và sáng kiến của từng công nhân, là người hiểu rõ công việc của mình nhất. Và sự quyết tâm đồng lòng của toàn DN, từ người công nhân đến lãnh đạo cao nhất là điều kiện tiên quyết để thực hiện TPS. Mặc dù DN sản xuất các mặt hàng khác nhau, nhưng tư tưởng quản lý vẫn thống nhất: làm sao tối ưu đầu tư, quản lý hiệu quả, năng suất cao, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng mức hài lòng của cán bộ công nhân viên, khách hàng và toàn xã hội. Vận dụng triệt để TPS có thể làm được điều này.
- Vậy ở điều kiện hiện nay các DN VN nên học những điểm gì ở mô hình này ? Và đâu là điều mà các DN VN có thể đúc rút kinh nghiệm sau khoá học này, thưa ông ?
Điều đầu tiên là vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, an toàn tại nơi làm việc. Sau đó là cải tiến liên tục để nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất, giảm lãng phí, tăng hiệu quả hoạt động và tạo được hệ thống quản lý sản xuất chuyên nghiệp. Hầu hết các DN hướng trực tiếp đến lợi nhuận mà chưa thông qua các công cụ định hướng lợi nhuận bền vững. Khi DN có sản phẩm, hoặc các giá trị mang lại có ích cho cộng đồng càng lớn thì DN đó càng phát triển bền vững.
Ngoài những nội dung nêu trên, tôi nghĩ tính triệt để và chi tiết trong quản lý các DN Nhật làm rất tốt. Thực ra có thể nhiều DN đã biết về phương thức quản lý này, nhưng cái chính là cần làm triệt để: mọi cán bộ công nhân cảm nhận được sự thay đổi hữu ích.
- Ông đánh giá thế nào về mô hình học tập kinh nghiệm quản lý và sản xuất ngay tại “đại bản doanh” các tập đoàn lớn trên thế giới như chuyến học tập vừa qua tại Nhật do VCCI tổ chức ? Đây có thể là một phương thức học tập mới, nên tổ chức thường xuyên ?
Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức đào tạo kết hợp với thực hành, tham quan thực tiễn các DN cùng ngành tại các nước phát triển như khóa đào tạo Hệ thống sản xuất Toyota TPS tại Nagoya, Nhật Bản của VCCI lần này. Mô hình đào tạo và thực tập, tham quan học tập thực tiễn DN này là hết sức quan trọng, tăng tính thực tế và tính ứng dụng sau khoá học. Trong việc quản lý điều hành, học trên lý thuyết sẽ ít giá trị. Tôi được biết, cùng với Prime, sau khoá học, một số học viên như Cty ôtô Sao Mai, ôtô Chiến Thắng, dệt Phong Phú, giấy Hải Tiến, máy nông nghiệp miền Nam, cơ khí Á Long,... dự kiến phối hợp với VCCI mời các chuyên gia Nhật sang VN trực tiếp tư vấn và trao đổi kinh nghiệm áp dụng TPS vào thực tế sản xuất tại DN.
- Xin cảm ơn ông !
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Các tin khác