Cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng
Không chỉ ăn theo kích cầu
SGTT - Nhà đầu tư phản ứng rất nhạy trước diễn biến thị trường. Trong đợt điều chỉnh từ 9 – 19.6, nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng cũng cùng chung số phận giảm giá, dù các phân tích cơ bản cho thấy, nhiều mã cổ phiếu nhóm ngành này còn rất rẻ và là lựa chọn của những nhà đầu tư thận trọng khi thị trường chưa rõ xu hướng như hiện nay

 

Đầu tháng 2, Chính phủ triển khai gói cho vay kích cầu, thì từ cuối tháng 3, tiêu thụ thép trong nước tăng đột biến. Thống kê của hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép tiêu thụ trong tháng 4 gấp gần 1,5 lần so với mức trung bình năm. Đến đầu tháng 5, giá cổ phiếu thép tăng tốc.

“Nóng” hơn thị trường

Trong đợt thị trường tăng nóng từ đầu tháng năm đến 9.6, VN-Index từ 336,6 điểm lên đỉnh 512,5 điểm (tăng 52,25%), khá nhiều mã cổ phiếu ngành vất liệu xây dựng, đặc biệt là ngành thép có mức tăng trưởng cao hơn

VN-Index. Tập đoàn Hoa Sen (HSG) từ 16.900đ/cp lên 34.800đ/cp (tăng vọt 100,06%), Thép Việt Ý (VIS) từ 26.300đ/cp lên 40.500đ/cp (tăng 53,99%). Ống thép Việt Đức (VGS) từ 11.000đ lên 19.900đ/cp (tăng 80,91%).

Ở nhóm ximăng, cùng thời điểm từ 9.6, công ty cổ phần ximăng Sài Sơn (SCJ) đơn vị có thị giá cao nhất trong 11 đơn vị ngành ximăng niêm yết cũng bắt đầu tăng tốc với hai phiên trần liên tiếp từ 39.300 lên 60.500đ/cp (tăng 53,94%).

Hoa Sen có mức tăng ấn tượng hơn cả đàn anh Hoà Phát Group (HPG) có phần do nhà đầu tư “sực tỉnh” khi thấy thị giá HSG vẫn lẹt đẹt ở 1x trong khi “đàn anh” HPG đã bứt phá trước ở mức 4x. Thực tế này là dễ hiểu, khi từ đầu năm 2009, Hoà Phát trở thành hiện tượng khi công bố lợi nhuận 2008 lên tới 850 tỉ đồng, có phần nhờ khai thác cơ hội biến động giá thị trường thép, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành gặp khó khăn. Hoà Phát còn là blue–chip với vốn hoá thị trường xếp thứ bảy trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thanh khoản cao, nhiều khả năng tăng trưởng đột biến, nên thu hút cả các nhà đầu tư dài hạn lẫn lướt sóng. Cũng chính vì có sự thu hút lớn như vậy, và thị giá đã “chạy trước”, nên trong đợt điều chỉnh giảm, giá HPG đã giảm nhanh hơn HSG, dù HPG liên tục công bố các thông tin ấn tượng ngay trong đợt thị trường điều chỉnh giảm: đạt 87% kế hoạch lợi nhuận sau năm tháng đầu năm, điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận 2009 từ 585 tỉ lên 920 tỉ đồng.

Cổ phiếu VIS cũng có mức tăng trưởng nhanh hơn thị trường, ngoài hỗ trợ của chính sách kích cầu, còn do nhiều nhà đầu tư cho rằng, công ty này có các cổ đông lớn là nhóm công ty Sông Đà (cũng trong ngành xây dựng – bất động sản), nên nhóm công ty Sông Đà có thể sẽ là hậu thuẫn lớn cho tiêu thụ sản phẩm của thép Việt Đức. Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh giảm từ ngày 9 – 19.6, VIS đã giảm tới 11,25% trong khi VN-Index chỉ giảm 7,28% có phần do liên tiếp có thông tin về giao dịch bán ra của cổ đông nội bộ. Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng lo ngại này là thái quá khi mà VIS là cổ phiếu giàu tiềm năng cho đầu tư dài hạn khi các chỉ số cơ bản vẫn còn rất tốt: EPS bốn quý gần nhất lên tới 8.650 đồng, P/E là 4,21 và giá trị sổ sách/cp là 17.250đ.

Cổ phiếu VGS là trường hợp đặc biệt khi từ 4.5 – 9.6 đã tăng tới trên 80%, và ngay trong đợt điều chỉnh giảm, VGS vẫn tiếp tục tăng thêm 21,11%. Nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào cổ phiếu này khi có thông tin cổ đông nội bộ mua vào, phát hành cổ phiếu tăng vốn, và mới nhất là công ty phải sản xuất 100% công suất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2009.

Còn rẻ?

Trong nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, còn nhiều mã penny (cổ phiếu nhỏ) ít người chú ý do thanh khoản thấp, nhưng đang có các chỉ số cơ bản còn rất tốt, thích hợp cho đầu tư dài hạn, đang “rẻ” hơn các cổ phiếu khác. Chẳng hạn, Viglacera Đông Triều (DTC), Viglacera Hạ Long I (HLY), Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS). Năm 2008, HLY chia cổ tức “khủng” gấp bốn lần kế hoạch đề ra…

Tuần qua, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều nhắc đến ngành xây dựng. Theo phân tích, ngành xây dựng vốn ít chịu ảnh hưởng của biến động bên ngoài, lại có tiềm năng tăng trưởng ở một nước đang phát triển, tốc độ phát triển đô thị nhanh. Trong mối tương quan mật thiết đó, nhóm ngành vật liệu xây dựng cũng “dựa hơi”. Chưa kể, khi thị trường suy giảm, nhóm ngành cơ bản trở thành cổ phiếu phòng thủ.

Kin ngan


Các tin khác