Bà Trần Thị Lệ Nga:Đối với người kinh doanh chứng khoán, việc có MST cá nhân hay không liên quan đến cách tính thuế và thuế suất. Thông tư 84 của Bộ Tài chính ngày 30.9.2008 hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNCN quy định cá nhân chuyển nhượng chứng khoán theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20% trên lợi nhuận (đã trừ ra các chi phí liên quan đến chứng khoán) phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có điều kiện thực hiện đăng ký thuế và có MST. Trường hợp cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không đăng ký nộp thuế theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20% trên lợi nhuận thì áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
* Đối với trường hợp cho thuê nhà?
- Bà Trần Thị Lệ Nga:Người cho thuê nhà cũng cần phải đăng ký kinh doanh và cấp MST cá nhân. Quyền lợi của người cho thuê nhà có MST cá nhân là có thể nhận hóa đơn từ cơ quan thuế cung cấp cho người thuê nhà. Đồng thời người cho thuê nhà có thể quyết toán nguồn thu nhập này vào cuối năm.
* Trường hợp một cá nhân làm việc ở một đơn vị nhưng đồng thời có một công ty riêng, vậy cá nhân đó sử dụng MST cá nhân và quyết toán thuế TNCN cuối năm như thế nào?
- Bà Trần Thị Lệ Nga:Trong trường hợp người có thu nhập từ hai nơi trở lên thì việc có MST cá nhân giúp tổng hợp được các nguồn thu. Cá nhân này yêu cầu đơn vị chi trả thu nhập cung cấp các chứng từ để tự quyết toán thuế TNCN tại cơ quan thuế.
* Những người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng, ghi MST cá nhân có được đưa vào chi phí trước khi xác nhận thu nhập chịu thuế TNCN hay không?
- Bà Trần Thị Lệ Nga: Người tiêu dùng lấy hóa đơn (có ghi MST cá nhân hay không ghi) là để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa có hư hỏng. Đồng thời, việc người tiêu dùng lấy hóa đơn cũng là biện pháp tránh trốn thuế của đơn vị bán hàng. Riêng đối với các cá nhân kinh doanh chịu thuế TNCN (như hộ kinh doanh), việc lấy hóa đơn được xác nhận là chi phí trước khi xác nhận thu nhập chịu thuế TNCN.
Theo Thanh Niên