Mua hoá đơn ký sự
Hoá đơn là giấy ghi hàng đã bán cùng với giá tiền để làm bằng chứng (Từ điển tiếng Việt năm 1997). Như vậy hoá đơn chính là chứng từ để tính thuế và thu thuế. Các doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện tự in hoá đơn phải mua hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành.
Doanh nghiệp xin mua hoá đơn coi đó là công cụ để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước là việc làm lẽ ra phải được cơ quan thuế hoan nghênh và hỗ trợ, nhưng sự thể lại không như vậy.

Thông tư số 120/2002/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 30/12/2002 đã có những quy định về thủ tục mua hoá đơn khiến nhiều doanh nghiệp mới thành lập mua hoá đơn lần đầu gặp rất nhiều trở ngại và có cảm giác là doanh nghiệp luôn bị nghi ngờ ngay từ khi mới thành lập. Điều đó làm nản lòng những nhà đầu tư chân chính và họ cảm thấy như bị xúc phạm khi thực hiện việc mua hoá đơn lần đầu, nhất là những nhà đầu tư Việt Kiều.

Hãy thử liệt kê quy định tại điểm 1.1. mục V của Thông tư 120/2002 hồ sơ mua hoá đơn phải có:

  • Giấy giới thiệu kèm theo công văn đề nghị.
  • Người mua hoáđơn xuất trình Giấy Chứng minh thư hợp lệ.
  • Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh kèm theo bản photo.
  • Giấy chứng nhận đăng ký thuê nhà kèm theo bản photo.
  • Sơ đồ các địa điểm sản xuất kinh doanh tự vẽ có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.
  • Nếu địa điểm kinh doanh đi thuê phải xuất trình hợp đồng thuê nhà, có xác nhận của UBND phường, xã để đối chiếu.
  • Cán bộ thuế xuống kiểm tra sự tồn tại thực tế của tổ chức, cá nhân, sau đó mới bán hoá đơn, chỉ bán 1 đến 2 quyển.

Doanh nghiệp phải đi ít nhất 4 lần: mua hồ sơ, nộp hồ sơ, mời cán bộ thuế đi kiểm tra và đi mua hoá đơn. Nếu hồ sơ có điều gì trục trặc phải đính chính, phải đi lại nhiều lần. Nếu người đứng đầu doanh nghiệp có hộ khẩu ở ngoài tỉnh về kinh doanh phải chứng minh nơi đăng ký tạm thú hoặc hợp đồng thuê nhà ở. Nếu mọi việc thuận lợi thì khoảng 7 ngày có thể mua được hoá đơn lần đầu, nếu không thì ba bốn tuần hoặc lâu hơn nữa, chi phí giao dịch tỷ lệ nghịch với thời gian mua hoá đơn. Trong những quy định trên có quá nhiều điểm không cần thiết, và khó thực hiện đó là: việc tự vẽ sơ đồ đường đi từ cơ quan thuế đến các địa điểm kinh doanh và việc xác nhận của UBND phường xã đối với hợp đồng thuê nhà.

Địa điểm kinh doanh đang là vấn đề nổi cộm của các doanh nghiệp dân doanh. Những toà cao ốc dùng làm trụ sở giao dịch cho thuê với giá 10 USD – 15 USD/1m2/1 tháng quả là giá quá cao, nhiều doanh nghiệp dân doanh không thể thuê được.

Nhà ở của dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mới khoảng 20%, đa số là nhà ở chưa đủ giấy tờ, do vậy khi các doanh nghiệp dân doanh thuê nhà làm trụ sở để xin được xác nhận của UBND phường xã quả thật là vô cùng khó vì nhà cho thuê không đủ giấy tờ nên muốn được xác nhận phải tốn kém. Hơn nữa UBND phường xã không có thẩm quyền xác nhận hợp đồng thuê nhà, nên họ có thể từ chối xác nhận, muốn xác nhận lại phải “có chi” mới “ký cho”.

Theo Điều 489 Bộ luật Dân sự thì nhà thuê trên 6 tháng mới phải có xác nhận của Công chứng nhà nước, nhưng Thông tư của Bộ Tài chính lại buộc mọi hợp đồng thuê nhà đều phải có xác nhận của UBND phường xã. Điều này đã tạo điều kiện cho UBND Phường xã gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc xác nhận sự tồn tại của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cán bộ thuế, không có tiêu chí cụ thể về các dấu hiệu tồn tại của các doanh nghiệp.

Những yêu cầu ngoài quy định: Khi doanh nghiệp đến cơ quan thuế mua hoá đơn đáp ứng đủ các hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 120/2002/TT-BTC nhiều cơ quan thuế còn yêu cầu những thủ tục ngoài quy định.

  • Yêu cầu giám đốc trực tiếp gặp cán bộ thuế.
  • Yêu cầu nộp thêm Điều lệ công ty.
  • Yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng từ đã nộp thuế môn bài.
  • Yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hoá đơn đầu vào các mặt hàng đăng ký kinh doanh .
  • Yêu cầu doanh nghiệp kê khai dự kiến thu nhập (phải có lãi).
  • Nếu doanh nghiệp có hợp đồng nhập khẩu phải xuất trình chứng từ đã nộp thuế nhập khẩu.
  • Nếu thuê nhà thì phải chứng minh người chủ nhà đã nộp thuế.

Quả thật những yêu cầu này càng làm cho doanh nghiệp và người dân luôn rơi vào tình trạng bị cơ quan thuế nghi ngờ và bắt họ chứng minh những nghi ngờ của cán bộ thuế.

Từ những thực tế trên có doanh nghiệp 4 tháng không thể mua được hoá đơn, có doanh nghiệp mua được hoá đơn nhưng bị phạt 500.000 đ vì chậm mua hoá đơn mà lỗi không phải của họ.

Để nhanh chóng mua được hoá đơn một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận chi phí phi chính thức từ 800.000 đ đến 1.000.000 đ.

Rõ ràng quy định tại Thông tư 120 đã làm cho môi trường đầu tư xấu đi, làm nản lòng các nhà đầu tư, tái tạo cơ chế xin cho, tạo điều kiện cho cán bộ thuế và cán bộ xã phường sách nhiễu doanh nghiệp, làm cho chi phí đầu vào tăng lên, làm chậm thời gian gia nhập thị trường, mất cơ hội kinh doanh, không phù hợp với lộ trình cải cách thủ tục hành chính và tinh thần của Luật doanh nghiệp.

Những giải pháp:

Mục đích của việc ban hành Thông tư 120 của Bộ Tài chính nhằm tăng cường các biện phápquản lý lưu hành hoá đơn, ngăn chặn hành vi gian lận trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Thực tế các vụ án gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng đều có sự tiếp tay của cán bộ Hải quan và cán bộ thuế, doanh nghiệp không thể tự mình hoàn thuế, cái gốc của vấn đề là việc luật thuế giá trị gia tăng trước đây đã cho phép khấu trừ khống, nay việc khấu trừ khống đã bị bãi bỏ nên không nhất thiết phải ban hành các quy định hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, giống như bệnh dịch SARS được khống chế, thì người dân không phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Mặt khác theo thông tin từ Tổng cục Thuế thì tình trạng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng đã chấm dứt. Cả năm 2002 chỉ có 1 vụ vi phạm với số tiền gian lận là 864 triệu đồng, trong 7 tháng đầu năm 2003 không có thêm trường hợp nào vi phạm (Báo Đầu tư số 93 ngày 4/8/2003).

Rõ ràng là người ta chỉ buôn cái gì sinh lời, khi việc bán hoá đơn không tạo ra lợi nhuận thì sẽ không còn việc buôn hoá đơn nữa.

Do vậy việc quản lý hoá đơn nên đơn giản về thủ tục theo hướng:

  1. Khuyến khích doanh nghiệp tự in hoá đơn.
  2. Những doanh nghiệp không có điều kiện in hoá đơn được mua hoá đơn ngay sau khi làm thủ tục kê khai mã số thuế theo Thông tư số 68/2003/TT-BTC ngày 17/7/2003 của Bộ Tài chính, vì các nội dung trong tờ khai đăng ký thuế ban hành kèm theo Thông tư 68 đã quá đầy đủ.
  3. Nếu vẫn duy trì hiệu lực của Thông tư 120/2002/TT-BTC thì phải thay thế điểm 1 mục V thủ tục mua hoá đơn như sau:

Hồ sơ mua hoá đơn chỉ gồm đơn đề nghị mua hoá đơn do người đứng đầu doanh nghiệp ký và đóng dấu, thiết lập theo mẫu in sẵn với các nội dung sau:

-Tên doanh nghiệp:

-Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

-Tên giao dịch:

-Tên viết tắt:

-GCN ĐKKD số .. do .. cấp ngày

-GCN mã số thuế số:

-Họ tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp: .

Số CMND số . do cấp ngày ..

Nơi đăng ký hộ khẩu:

Nơi thường trú: .

-Trụ sở doanh nghiệp: ..

-Tình trạng trụ sở (thuê của tư nhân, thuê của DNNN, thuê của các cơ quan khác, mượn của gia đình, bạn bè, các thành viên cong ty..)

-Địa chỉ cơ sở sản xuất, chi nhánh, văn phòng ĐD:

-Họ tên người đi mua hoá đơn: .

-CMND số: . do cấp ngày ..

-Nơi đăng ký hộ khẩu:

-Nơi thường trú: ..

Kèm theo đơn là:

-Bản photo GCN ĐKKD, không cần công chứng.

-Bản photo GCN đăng ký thuế, không cần công chứng.

-Cam kết của người đại diện theo pháp luật về nội dung kê khai trong đơn.

Chữ ký người đại diện theo pháp luật

và con dấu của doanh nghiệp.

 

Ghi chú:

Ngoài đơn đề nghị mua hoá đơn theo mẫu này, cơ quan thuế không được yêu cầu doanh nghiệp nộp hoặc xuất trình thêm bất kỳ giấy tờ nào khác. Khi mua hoá đơn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc ghi hoặc đóng dấu vào liên 2 của hoá đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002.

Luật gia Cao Bá Khoát


Các tin khác