Chọn Tòa án hay Trọng tài khi đàm phán hợp đồng thương mại?
 Khi cả Tòa án và Trọng tài đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng thương mại, việc lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp sẽ giúp các bên đảm bảo được lợi ích, tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc.
 Nguyên tắc giải quyết

Tòa án thông thường xét xử theo nguyên tắc công khai, khác với nguyên tắc giải quyết tranh chấp không công khai của Trọng tài thương mại. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cũng bởi vì tính chất khép kín của phán quyết nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh và danh tiếng trên thị trường.

Hình thức giải quyết

Tòa án xét xử tranh chấp thông qua các Thẩm phán. Số lượng Thẩm phán tùy thuộc vào cấp xét xử và đương sự không được lựa chọn Thẩm phán để giải quyết tranh chấp của mình.

Ngược lại, khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, các bên được quyền lựa chọn một Trọng tài viên hoặc Hội đồng Trọng tài gồm nhiều Trọng tài viên để giải quyết. Các Trọng tài viên thường là những chuyên gia uy tín và có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nhất định: hợp đồng, thanh toán quốc tế, vận tải giao nhận, tài chính...

Ngoài ra, khi lựa chọn Trọng tài, các bên còn được quyền linh động lựa chọn thêm cả ngôn ngữ, thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp trong khi nếu chọn hình thức xét xử bởi Tòa án, mọi quy tắc về thủ tục tố tụng đều phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Hiệu lực của phán quyết

Do Tòa án áp dụng hình thức xét xử 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm, các đương sự vẫn có thể kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án trong trường hợp không đồng ý với phán quyết mà Tòa sơ thẩm đưa ra. Trong khi đó phán quyết của Hội đồng Trọng tài có giá trị chung thẩm và có thể thi hành ngay.

Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại 2010 cho phép Tòa án có quyền hủy phán quyết của Trọng tài trong một số trường hợp đặc biệt có đơn yêu cầu của đương sự.

Như vậy, một khi phán quyết bị tuyên hủy, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Thời gian tố tụng

Đặc thù của việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là một Trọng tài viên hoặc một Hội đồng Trọng tài sẽ theo đuổi một tranh chấp từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện cho đến khi tranh chấp được giải quyết hoàn toàn và phán quyết được đưa ra.

Thông thường, một tranh chấp được Trọng tài giải quyết chỉ kéo dài khoảng 6 - 9 tháng.

Ngược lại, việc xét xử tại Tòa án lại tốn thời gian hơn rất nhiều. Tòa án hàng ngày phải thụ lý rất nhiều vụ việc ở nhiều lĩnh vực như: thương mại, dân sự, hôn nhân gia đình... Sự thiếu hụt về đội ngũ Thẩm phán cộng thêm việc Thẩm phán không chuyên trách về một lĩnh vực, Thẩm phán phải xử lý quá nhiều việc dẫn đến tình trạng tồn đọng án, thêm vào đó là hình thức xét xử theo 2 cấp khiến 1 tranh chấp đưa đến Tòa có thể kéo dài đến vài năm vẫn chưa giải quyết được.

Chi phí giải quyết

Án phí xét xử tại Tòa án được ấn định sẵn theo quy định của pháp luật và thấp hơn rất nhiều so với chi phí phải trả để giải quyết tranh chấp bằng con đường Trọng tài. Phí Trọng tài khác nhau tùy thuộc vào giá trị của tranh chấp và do Trung tâm Trọng tài ấn định.

Với biểu phí Trọng tài của VIAC từ 16,5 triệu đồng đến hơn 3,6 tỷ đồng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không đáp ứng được sẽ chọn con đường giải quyết tranh chấp bằng Tòa án để tiết kiệm chi phí.

Khả năng thi hành

Do bản chất Toà án là cơ quan nhân danh Nhà nước để giải quyết tranh chấp, phán quyết của Toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, có đầy đủ bộ máy, phương tiện để thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong khi đó, việc thực hiện các quyết định của Trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên, nếu bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết Trọng tài thì bên được thi hành phải làm đơn yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết Trọng tài để đảm bảo lợi ích cho mình.

Khi tư vấn soạn thảo hợp đồng có yếu tố nước ngoài cho khách hàng, PLF thường ưu tiên lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài thương mại. Bởi lẽ, trong trường hợp tranh chấp có liên quan đến tài sản ở nước ngoài, phán quyết của Trọng tài thương mại dễ dàng được thi hành hơn nhờ vào Công ước New York 1958 mà Việt Nam đã là thành viên.

Việc thi hành bản án của Tòa án tại nước ngoài khá khó khăn vì chúng ta chỉ mới ký Hiệp định tương trợ tư pháp với một số quốc gia trên thế giới.
                                                                                                        Theo: Công ty luật PLF


Các tin khác