Tại Việt Nam, các hành vi được coi là thao túng giá được quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định Số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, việc thao túng giá cổ phiếu có thể mô tả như là việc can thiệp vào nguồn cung, cầu của cổ phiếu trên thị trường. Cùng với đó là việc khuyến khích nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán hoặc gây tác động đối với giá chứng khoán ở một mức độ phù hợp.
Đây là những kỹ thuật để thao túng giá
Thao túng giá tồn tại dưới nhiều hình thức rất tinh vi và phức tạp nhưng có thể tóm lại trên cơ sở một số kỹ thuật phổ biến.
Kỹ thuật Ramping là kỹ thuật làm giá theo đó đối tượng làm giá đặt lệnh mua hoặc bán tại mức giá bán thấp nhất hoặc giá mua cao nhấtkhiến giá giao dịch bị tăng lên hoặc giảm xuống.
Đây là một trong những kỹ thuật thao túng giá thông dụng nhất xuất phát từ tầm quan trọng của giá đóng cửa bởi lẽ giá đóng cửa tại một số nước sẽ là mức giá tham chiếu cho ngày hôm sau và thường là mức giá được sử dụng trong các ấn phẩm tài chính hay công bố tin tức về cổ phiếu. Do đó có thể đánh lạc hướng các nhà đầu tư khác.
Đối tượng có thể sử dụng kỹ thuật Ramping có thể là cổ đông nội bộ vì họ có thể biết các thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và kiếm lợi từ xu hướng đi lên hay đi xuống của giá cổ phiếu công ty. Do đó, đối tượng này có thể mua/bán tại mức giá cao hoặc thấp hơn các nhà đầu tư khác để tạo ra xu hướng giá giả tạo trên thị trường.
Các đối tượng này sẽ không đặt các lệnh mua bán bất kỳ lúc nào mà sẽ đặt lệnh ổn định tại thời điểm nhất định của phiên giao dịch để từ đó tạo ra sự tăng lên hoặc giảm xuống của mức giá đóng cửa.
Kỹ thuật giao dịch Wash trade là việc đối tượng thao túng giá thực hiện bán và mua lại cùng một cổ phiếu để tạo giao dịch và làm tăng/giảm giá cổ phiếu nhưng không làm thay đổi quyền sở hữu cổ phiếu đó.
Wash trade tập trung vào mục tiêu tác động lên khối lượng, từ đó khiến giá giao dịch của cổ phiếu tăng lên. Cũng có thể lệnh sẽ được đặt tại mức giá cao hoặc thấp để tạo xu hướng giá giả tạo. Wash trade nếu bị phát hiện sẽ không khó khăn để tìm chứng cứ, và hầu như tại nhiều nước các giao dịch này khi bị phát hiện sẽ bị hủy bỏ.
Với kỹ thuật nhào nặn cổ phiếu (Churning), đối tượng làm giá sử dụng nhiều tài khoản khác nhau thực hiện đặt lệnh mua và bán tại cùng một mức giá. Bản thân kỹ thuật này không tác động trực tiếp lên mức giá giao dịch mà tác động lên khối lượng giao dịch, sự gia tăng bất thường trong hoạt động giao dịch sẽ khiến các nhà đầu tư khác chú ý và tham gia vào xu hướng giao dịch của cổ phiếu đó.
Thao túng giá cổ phiếu theo nhóm (Pool) là kỹ thuật theo đó nhiều đối tượng bắt tay với nhau thực hiện các giao dịch thao túng trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro. Nhóm thực hiện các kỹ thuật này tại Thị trường Việt Nam thường được gọi dưới cái tên “Đội lái”, tuy nhiên, không phải lúc nào đội lái cũng có thể thu được lợi nhuận từ việc làm giá cổ phiếu.
Hoạt động thao túng giá gây ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên thị trường, làm tổn hại nhà đầu tư, bóp méo chỉ số và giá chứng khoán. Tuy nhiên, một mặt nào đó các hành vi này có thể tạo thanh khoản cho thị trường.
Cơ quan quản lý đã ngăn chặn như thế nào?
Sự phát triển công nghệ giao dịch ngày càng hiện đại, các hoạt động thao túng trở nên phức tạp, nhiều đối tượng còn sử dụng cả giao dịch thuật toán, giao dịch tần suất cao để thực hiện hành vi, việc phát hiện hành vi và xử lý rất khó khăn đối với cơ quan quản lý.
Hiện tại, Sở giao dịch HSX và HNX đều quy định cấm sửa hủy trong phiên định kỳ, tuy nhiên, quy định này vẫn chưa thể ngăn chặn được hết các hoạt động tác động vào giá đóng cửa diễn ra vào phiên này.
Một số Sở trên thế giới thường áp dụng thêm kỹ thuật kết thúc phiên ngẫu ngẫu nhiên (random-end) trong phiên định kỳ, với kỹ thuật này thị trường sẽ kết thúc một cách ngẫu nhiên trong một khoảng thời gian được thiết lập trước, đối tượng thao túng giá sẽ không xác định được thời điểm chính xác thị trường đóng cửa để tác động vào cung cầu gây ảnh hưởng đến giá đóng cửa.
Theo: Cafef.vn