Chi phí nhân công cao thách thức dòng vốn FDI

Một báo cáo của WB mới đây đã chỉ ra rằng, chi phí nhân công tại Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực ASEAN. Điều này có thể sẽ là rào cản thu hút FDI.


Theo WB, chi phí nhân công của Việt Nam cao gấp đôi Lào, Myanmar, Malaysia và cao hơn từ 30-45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines.

p/Chi phí nhân công cao đang phá vỡ lợi thế lao động giá rẻ trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản

Chi phí nhân công cao đang phá vỡ lợi thế lao động giá rẻ trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản

 Rủi ro hàng đầu

Theo WB, năng suất lao động Việt Nam khá cao, doanh nghiệp tạo ra bình quân khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Á, cao hơn Ấn Độ (khoảng 7.000 USD), nhưng lại thấp hơn so với các nền kinh tế BRIC...

Tuy nhiên, một khảo sát gần đây của JETRO với các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, chi phí nhân công cao đang chiếm 60% trong số 5 rủi ro hàng đầu về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Chi phí nhân công tăng cao đang phá vỡ lợi thế lao động giá rẻ trong mắt các nhà đầu tư Nhật.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO TP Hồ Chí Minh, cho rằng, nếu như năm 2016 rủi ro chi phí nhân công cao đứng thứ ba thì sang tới năm 2018, rủi ro này đứng vị trí hàng đầu. “Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm của Việt Nam nếu vẫn đặt trọng tâm thu hút vốn đầu tư từ Nhật”, ông Takimoto Koji nói.

Tăng nguồn cung lao động có tay nghề

Đến nay nhân công giá rẻ vẫn là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Bởi nguồn vốn FDI của Việt Nam hiện vẫn đang phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng.

Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, Việt Nam đã hết thời coi chi phí nhân công giá rẻ như một lợi thế để thu hút FDI, bởi giờ đây chi phí nhân công ở Việt Nam đã ngang bằng, thậm chí cao hơn các nước trong khu vực, thì việc cạnh tranh sòng phẳng bằng nguồn lực chất lượng cao sẽ là một lợi thế.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, mục tiêu chiến lược và định hướng FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030 là từng bước chuyển dần từ thu hút FDI bằng lợi thế nhân công giá rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

Rõ ràng, những vấn đề trên đang đặt ra thách thức lớn trước mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới mà Bộ KH & ĐT đã đưa ra. Nhưng, đây cũng được xem là cơ hội mới, buộc Việt Nam phải thay đổi, đặc biệt khi chính bản thân nền kinh tế nước ta đang muốn định hướng lại dòng vốn FDI.
                                                                                                                    Theo: Enternews.vn


Các tin khác