Dự báo từ nay đến cuối năm, có khoảng 20% doanh nghiệp thép có thể sẽ bị phá sản do sức mua trên thị trường giảm sút mạnh trong 2 tháng gần đây, nhiều nhà máy thép buộc phải cắt giảm công suất đáng kể.
Dự báo trên được ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa mới đưa ra qua trao đổi với báo chí.
Theo ông Nghi, các doanh nghiệp thép đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, đầu tư manh mún, tiêu tốn điện nhiều, chất lượng sản phẩm thấp … là nhóm có khả năng bị phá sản trong vài tháng tới trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành thép.
Thống kê cho thấy hiện ngành thép có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất thép quy mô lớn và trên dưới 100 doanh nghiệp sản xuất thép quy mô nhỏ hơn (công suất khoảng 5-7 ngàn tấn/năm).
“Việc phá sản của các doanh nghiệp thép sử dụng công nghệ lạc hậu, sản xuất manh mún đã được hiệp hội cảnh báo vài năm trước, bây giờ các doanh nghiệp này mới bắt đầu thấm thía khi thép làm ra bán không được, công suất cắt giảm đến 50%, áp lực lãi suất ngân hàng …”, ông Nghi cho hay.
Theo VSA, tổng công suất thép xây dựng cả nước hiện đã lên đến khoảng 9 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tháng 6 và tháng 7 năm nay, mức tiêu thụ thép xây dựng mỗi tháng tối đa cũng chỉ đạt khoảng 300 ngàn tấn, thấp dưới 50% công suất hiện tại của toàn ngành thép.
Mới đây, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt cho biết do lượng thép tiêu thụ trên thị trường liên tục giảm sút trong vài tháng qua nên Thép Việt phải cắt giảm 50% công suất, kéo theo sự bấp bênh của đời sống gần 4 ngàn công nhân công ty.
Theo ông Thái, từ công suất 1,1 triệu tấn/năm, hiện Thép Việt đã cắt giảm công suất xuống còn dưới 500 ngàn tấn/năm bởi lượng thép tiêu thụ càng ngày càng sụt giảm.
Ngoài việc tiêu thụ thép giảm ảnh đến sản xuất các doanh nghiệp, ngành thép còn đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là quặng và than cốc dành cho sản xuất phôi thép.
Ông Đỗ Văn Thanh, nguyên tổng giám đốc Công ty Thép Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, cách đây 2 năm, công ty đầu tư gần 900 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất phôi công nghệ lò cao công suất 250 ngàn tấn/năm.
Tuy nhiên, hơn một năm qua, lò cao sản xuất phôi của Đình Vũ không thể hoạt động được do thiếu nguyên liệu quặng.
Theo ông Thanh, điều nghịch lý là mặc dù doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước phải nhập khẩu quặng đã tuyển chọn với giá 170 USD/tấn, nhưng các đơn vị khai thác quặng trong nước lại đang xuất quặng thô sang Trung Quốc với giá chỉ khoảng 60 USD/tấn.
Ông Thanh cho rằng, nếu bỏ thêm 20 USD nữa cho chi phí tuyển quặng lại để có thể sản xuất phôi được, thì giá quặng khai thác trong nước cao lắm cũng chỉ đến khoảng 80 USD/tấn.