Vốn ngân hàng 'đọng ở ông lớn và công ty sân sau'
 

Tốc độ huy động tăng nhanh, tiền từ Ngân hàng Nhà nước bơm ra lớn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận. Chuyên gia lo lắng nguồn vốn này có thể chỉ tập trung vào doanh nghiệp nhà nước và công ty sân sau.

 Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ở Vũng Tàu trong 2 ngày 28 và 29/9, nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam gồm ông Trần Đình Thiên, Bùi Trinh, Phạm Sỹ An và Nguyễn Việt Phong cho biết, tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng hiện tại vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nghĩa là nền kinh tế đang mắc nợ hệ thống ngân hàng 2,7 triệu tỷ đồng. Chỉ tính với lãi suất cho vay “lý tưởng” hiện nay là 15% một năm thì mỗi tháng nền kinh tế trả cho hệ thống ngân hàng món lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 42% doanh nghiệp Việt Nam không cần vay vốn ngân hàng. Vậy chỉ còn 58% đơn vị cần vay, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ đều cho rằng khó tiếp cận vốn.

Vốn ngân hàng chủ yếu chảy vào công ty sân sau hoặc các ông lớn. Ảnh: Lệ Chi
Vốn ngân hàng chủ yếu chảy vào công ty sân sau hoặc các ông lớn. Ảnh: Lệ Chi

"Vậy nguồn tiền này chảy vào đâu, phải chăng là chủ yếu chảy vào các doanh nghiệp nhà nước và công ty sân sau. Đây cũng là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phải vay với lãi suất cao" một chuyên gia kinh tế là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định.

Báo cáo của Bộ Tài chính vào thời điểm tháng 9/2011 cho thấy, dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước là hơn 415.000 tỷ đồng. Ông cho rằng, hệ thống tiền tệ như một mạch máu của nền kinh tế, nếu nó thông suốt và chảy vào đúng nơi cần đến thì mới mạnh còn không sẽ suy yếu.

Tham luận của Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh cũng cho thấy, giảm lãi suất được coi là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp tiết giảm phần nào chi phí. Công bố của Ngân hàng Nhà nước đến 20/8 cho thấy, số tín dụng lãi suất trên 15% đã giảm mạnh. Tuy vậy, trên thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết chi phí thanh toán để vay vốn vẫn cao hơn và khả năng tiếp cận vốn chưa cải thiện.

Bà Dương Thu Hương, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng. Trong khi tốc độ tăng dư nợ hiện nay gần như đứng tại chỗ, bà Hương đề nghị cần làm rõ tại sao GDP quý sau vẫn cao hơn quý trước, bà Hương đặt vấn đề và cho rằng nên làm rõ yếu tố này. Bà cũng đặt nghi vấn, phải chăng con số tăng trưởng này chủ yếu dựa vào nguồn cung tiền từ ngân sách nhà nước.

Theo bà Hương, thị trường tiền tệ hiện nay nhìn có vẻ yên ổn nhưng bên trong kém minh bạch. Trong đó riêng nợ xấu cũng là một ẩn số. "Nếu chưa xác định chính xác con số nợ xấu ấy là bao nhiêu thì làm sao giải quyết được, và càng không nên vồ vập đề ra giải pháp lập công ty mua bán nợ", bà nhấn mạnh.

Bà Hương cho rằng, vấn đề cốt lõi là phải cải thiện sức mua, giảm hàng tồn kho, và bản thân ngân hàng cũng phải tự xử lý nợ xấu thông qua nguồn tiền dự phòng. Sau đó mới bàn đến vấn đề lập công ty mua bán nợ xấu.

Về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây được xem là lực lượng quan trọng trong nền kinh tế nhưng không vay được vốn. Vấn đề hiện nay là nên tập trung vào quỹ bảo lãnh của Chính Phủ để bảo lãnh cho đối tượng này tiếp cận vốn từ ngân hàng.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, có thể Nhà nước nên đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, hoặc nên bơm vốn vào Ngân hàng phát triển để họ cho doanh nghiệp này vay. "Đây là biện pháp cấp bách cần làm ngay chứ không nên trông chờ vào các ngân hàng thương mại như hiện nay. Vì một số nhà băng thì dành tiền cho công ty sân sau, hoặc cho các doanh nghiệp lớn vay. Số còn lại sợ nợ xấu nên khó có thể mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Theo:Vnexprexx.net.


Các tin khác