Bất động sản "nặng nợ" hơn cả
Ở tham luận "Sức khỏe của doanh nghiệp: Làm gì để vực dậy?", vị diễn giả này đã cung cấp các con số thống kê được nhấn mạnh là có ý nghĩa hơn số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố chính thức về số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hàng tháng trong năm 2012, trong đó số tuyệt đối đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2011.
Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 8/2012, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lần lượt là: 11. 943; 17.735; 21.800; 26.324; 30.300; 35.500. So sánh với cùng kỳ 2011 thì tỷ lệ tăng cao nhất rơi vào tháng 4 với 9,5%.
Đi vào phân tích sức khỏe doanh nghiệp nhìn từ cơ cấu vốn, bản tham luận đưa ra con số từ tổng hợp báo cáo tài chính quý 2/2012 của tất cả 647 công ty phi tài chính niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (bình quân trọng số theo giá trị sổ sách) bằng 1,53 lần.
Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nền kinh tế khác, cả phát triển và mới nổi. Con số bình quân đối với các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ là 1,20 lần và tại Trung Quốc là 1,06 lần vào cuối năm 2011, ông Thành so sánh.
Ảnh minh họa |
Cũng liên quan đến tỷ lệ này, ông Thành cho hay cao hơn cả các công ty niêm yết là con số bình quân của 79 tập đoàn và tổng công ty nhà nước lên tới 1,71 lần.
Thông tin đáng chú ý tiếp theo là gánh nặng nợ của doanh nghiệp cũng rất khác nhau giữa các lĩnh vực kinh doanh. Trong đó, xây dựng và bất động sản là nhóm ngành có tỷ lệ vay nợ cao nhất với tổng nợ phải trả gấp 2,07 lần vốn chủ sở hữu.
Các doanh nghiệp nhà nước về xây dựng và bất động sản cũng có đòn bảy nợ vô cùng cao: Tập đoàn Sông Đà là 8,85 lần và HUD là 6,36 lần.
Cũng liên quan đến nợ nần của doanh nghiệp bất động sản, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên ngay từ đề dẫn hội thảo đã nhận định tồn kho bất động sản chính là "nghĩa địa" chôn vốn.
Theo tính toán của bộ phận nghiên cứu thuộc Dragon Capital, cả Tp.HCM và Hà Nội đều có khoảng hơn 35.000 căn hộ sẵn sàng để bán. Nếu mức giá là 2 tỷ đồng/căn thì lượng vốn bị chôn ở số hàng tồn kho này đã lên tới 140.000 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ và có lẽ không quá xa con số thực, ông Thiên nhận định. Và, điều khiến ông quan ngại chính là hệ lụy của "cục máu đông" này gây ra cho nền kinh tế cũng như mức độ rủi ro mà nó đe dọa hệ thống ngân hàng chắc chắn còn vượt xa sự khổng lồ của chính nó.
Bắt đầu thoái nợ
Số liệu thống kê tài chính trong năm 2012 cho thấy khu vực doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình thoái nợ, ông Thành nhìn nhận.
Theo phân tích của vị chuyên gia này thì xét từ góc độ vi mô, thoái nợ giúp củng cố bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số tài chính. Đặt trong chiến lược tái cơ cấu, đây là con đường đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh nòng cốt mà mình có lợi thế cạnh tranh. Nhưng xét ở góc độ vĩ mô, thoái nợ buộc doanh nghiệp phải cắt giảm đầu tư, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, thoái nợ có thể làm tăng tình trạng khốn khó tài chính của doanh nghiệp và dẫn tới đỗ vỡ, phá sản.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, đối với Việt Nam thì đẩy nhanh tiến trình thoái nợ và chấp nhận tổn thất là con đường nhanh nhất để vực dậy khu vực doanh nghiệp, thay vì chấp nhận thoái nợ nhưng đi từ từ. Hoặc cố gắng tìm cách đảo chiều xu thế khi nền kinh tế bước vào chu kỳ thoái nợ một cách tự nhiên.
Nhưng nếu chấp nhận phương án đẩy nhanh tiến trình thoái nợ thì chính bản thân khu vực doanh nghiệp cũng phải chịu tổn nhất và không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro đổ vỡ, ông Thành lưu ý.
Nỗ lực thoái nợ ở Việt Nam, theo phân tích tại bản tham luận phải bắt đầu từ doanh nghiệp nhà nước - nơi có tỷ lệ vay nợ cao nhất - thông qua thanh lý tài sản, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và lấy nguồn thu bù đắp cho mất mát vốn vay.
Đối với nhóm các công ty bất động sản, tác giả tham luận cho rằng phương thức thúc đẩy thoái nợ là Nhà nước xem xét với bước đầu là tiến hành khảo sát việc mua lại đất đã giao hay đã bán cho nhà đầu tư. Giá mua lại được căn cứ vào tiền sử dụng đất hay giá bán đấu giá ban đầu với quy định cứng nhắc là không cao hơn. Cách làm này vừa có tính trừng phạt doanh nghiệp bất động sản đầu cơ và/hay không có năng lực, vừa tạo dòng tiền cho doanh nghiệp trả nợ và cũng tạo lại quỹ đất công.
Còn ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Thành "hiến kế" nên thực hiện thoái nợ theo cách làm từ từ để đảm bảo duy trì việc làm và tăng trưởng.
Theo: Vietnamnet.