Nợ công xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ; khi chi tiêu của Chính phủ lớn hơn số thuế, phí, lệ phí thu được, Nhà nước phải đi vay (trong hoặc ngoài nước) hoặc phát hành tiền để trang trải thâm hụt ngân sách. Mỗi giải pháp vay trong nước, vay nước ngoài hoặc phát hành tiền đều có những tác động và hệ quả khác nhau tùy theo quy mô, mức độ, thời gian của từng giải pháp.
Nhìn vào các số liệu về nợ công, chi tiêu công và lạm phát từ năm 2001 đến 2012, có thể vẽ ra bức tranh sơ lược về tình hình nợ công liên quan đến chi tiêu công của Việt Nam. Từ năm 2001 đến 2007, tăng trưởng diễn ra thuận chiều với chi tiêu công. Trong giai đoạn này, chi tiêu công có tác động tích cực đến tăng trưởng. Tuy nhiên từ năm 2007 đến 2012, mối quan hệ này đã đảo chiều và chuyển sang ảnh hưởng tiêu cực.
Một điều cần lưu ý, từ năm 2007, trong khi tăng trưởng giảm sút thì chi tiêu công của Việt Nam vẫn tăng lên và hầu như ngay lập tức lạm phát cũng tăng nhanh đáng kể. Nợ công chỉ suy giảm chút ít vào năm 2008 rồi lại tiếp tục tăng vọt từ năm 2009.
Trong bối cảnh này, cách giải thích lô gic là nguồn chi tiêu công được tài trợ chủ yếu bằng phát hành tiền và lạm phát phản ứng của xã hội về kỳ vọng mất giá đồng nội tệ. Mối quan hệ đó có thể được làm rõ qua số lượng phát hành tiền trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn 1986 -1990, thì 59,7% mức thâm hụt ngân sách được hệ thống ngân hàng thanh toán bằng cách phát hành tiền. Con số phát hành tiền từ năm 1984 – 1990 lần lượt là 0,4 tỷ; 9,3 tỷ; 22,9 tỷ; 89,1 tỷ; 450 tỷ; 1.655 tỷ và 1.200 tỷ đồng.
Số còn lại được bù đắp bằng các khoản vay nợ và viện trợ của nước ngoài (so với bội chi, khoản vay và viện trợ nước ngoài năm 1984 là 71,3%; năm 1985 là 40,8%; năm 1986 là 38,4%; năm 1987 là 32,1%; năm 1988 là 32,6%, năm 1989 là 24,9%; năm 1990 là 46,7%) và một số nhỏ do các khoản thu từ bán công trái trong nước.
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tác động tiêu cực từ chi tiêu công đến tăng trưởng sẽ có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, lạm phát và nợ công ở Việt Nam lại có tác động trực tiếp và cấp thời đến tăng trưởng, đây là tình trạng khá đặc biệt, cần nghiên cứu thêm.
Một điều cần lưu ý, Việt Nam có chỉ số nợ công, lạm phát khá cao và là quốc gia thuộc nhóm IV. Hơn nữa, chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay cũng chỉ ra một số khiếm khuyết không nhỏ về cấu trúc và chất lượng của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tình trạng góp vốn chồng chéo giữa các ngân hàng và cho vay tín dụng theo quan hệ.
Điểm nổi bật của thực trạng kinh tế Việt Nam trong thập kỷ gần đây là chính sách tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng trưởng theo chiều rộng với một số đặc điểm: Chi tiêu công lớn vượt quá quy mô tối ưu với hệ quả lấn át hoạt động đầu tư, kinh doanh của khu vực tư; Lạm phát cao và chính sách tiền tệ bất cập làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều rủi ro, trở ngại; Nợ công cao đi đôi với lạm phát cao và hệ thống ngân hàng yếu kém là tiền đề dự báo cho một nguy cơ nhiều khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ.
Nguyên lý mức an toàn của nợ công phụ thuộc vào mức độ lành mạnh của nền kinh tế nghĩa là sự phát triển nhanh và ổn định của nền kinh tế, sẽ đảm bảo trang trải được khối lượng nợ công trong thời kỳ tiếp theo.
Trong trường hợp thâm hụt ngân sách lớn với biểu hiện tiêu cực đến khả năng kinh doanh ổn định của khu vực tư thì hệ quả tất yếu là thất thu thuế, nợ công tiếp diễn bằng nợ công mới với khả năng khủng hoảng nợ công có thể xảy ra.
Để xử lý vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công có thể dẫn đến việc phải cắt giảm một số dự án, chương trình chi tiêu công. Tuy nhiên, việc cắt giảm không hợp lý có thể dẫn đến những hệ lụy nặng nề và lâu dài nếu không có sự cân nhắc khoa học và công tâm.
Việc cắt giảm chi tiêu công cần gắn với yêu cầu bảo đảm duy trì các chức năng đích thực của chính phủ đồng thời thu hẹp dần và trả lại những chức năng của thị trường cho thị trường.
Theo: Doanhnhansaigon.