Tuyển dụng lỏng lẻo ở các công ty vệ sĩ

Trao bộ hồ sơ cho cậu thanh niên, nhân viên công ty vệ sĩ trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP HCM) trấn an: "Tướng tá em vậy là ổn rồi, hồ sơ cho có lệ thôi. Khi nộp đầy đủ, 2-3 ngày là đi làm ngay”.

Những ngày cuối tháng 6, hàng loạt các công ty vệ sĩ tại TP HCM trưng bảng cần tuyển hàng trăm nhân viên làm công tác bảo vệ. Phần lớn nơi đây đều đưa ra những mức lương cao cho vị trí tuyển dụng, kèm theo quảng cáo được đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo khảo sát của VnExpress.net, việc “đào tạo” chỉ có lệ.

Theo anh Lê (32 tuổi, ngụ Củ Chi), người từng làm 2 năm cho một công ty vệ sĩ tại quận Bình Thạnh), chỉ một số công ty vệ sĩ uy tín đòi hỏi bằng cấp, còn phần lớn xuề xòa, chỉ cần hình thức, các giấy tờ khác cũng không quan trọng. "Sau khi nhận hồ sơ đi làm, nhân viên sẽ mua đồng phục sau đó được đào tạo trong 2 ngày. Đến ngày thứ ba là có thể nhận bảo vệ mục tiêu”, anh Lê cho biết.

Những thông báo tuyển dụng như thế này thường trực tại các Công ty vệ sĩ. Ảnh: Nhật Vy.
Những thông báo tuyển dụng như thế này thường trực tại các công ty vệ sĩ. Ảnh: Nhật Vy.

Trong vai người đi tìm việc, VnExpress.net tìm đến một công ty vệ sĩ có trụ sở khá đồ sộ trên đường D2 (quận Bình Thạnh). Trước cửa văn phòng, một tấm băng rôn to: “Cần tuyển 300 nhân viên bảo vệ, làm việc tại TP HCM, lương 1,8 - 3 triệu” được căng trên cao thu hút tầm mắt mọi người.

Vừa dựng chiếc xe bên lề, một bảo vệ to cao mặc bộ đồng phục ra tiếp khách. Khi biết ý định khách muốn xin việc, người này hướng dẫn làm thủ tục. “Hồ sơ gồm sơ yếu lý lịch, hộ khẩu, giấy khám sức khỏe cùng với giấy chứng nhận chưa có tiền án, tiền sự. Bằng cấp có cũng tốt, không cũng chẳng sao. Nộp hồ sơ xong, chỉ một vài hôm đi làm ngay mà”, anh bảo vệ nói.

Công ty vệ sĩ khác nằm trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) là một căn nhà cấp 4 khá khiêm tốn nằm cạnh khu dân cư. Văn phòng tiếp khách chỉ là khoảng trống phía trước được ngăn bằng vài chiếc tủ hồ sơ đã cũ.

Thấy người đến xin việc, anh thanh niên bộ dạng luộm thuộm, đang ngồi trước máy tính ra tiếp chuyện. Sau vài câu hỏi, anh này tiến về phía tủ kính phía trong lấy ra bộ hồ sơ của công ty để xuống mặt bàn. “ 20 ngàn một bộ, cậu cứ về làm nhanh đi, khi nào xong mang đến nộp cho tôi, chỉ vài ngày là đi làm thôi”, anh ta khoát tay.

Đưa tay nhận tiền, anh này không quên trấn an: “Hồ sơ là thủ tục thôi mà, tướng tá vậy là ổn rồi”.

Nhân viên Công ty vệ sĩ trên đường Lê Trọng Tấn bán hồ sơ cho người tìm việc. Ảnh: Nhật Vy.
Văn phòng một công ty vệ sĩ tại TP HCM. Ảnh: Nhật Vy.

Cũng vì các công ty vệ sĩ nhận người dễ dàng nên khi xảy ra sự cố, nơi đây thường viện vào lý do cá nhân của bảo vệ đó. Chị Trinh (chủ quán nhậu tại quận Tân Phú) đã từng là nạn nhân của một “hợp đồng” với công ty vệ sĩ.

Thấy quán đông khách, xe cộ xếp bừa bãi, chị liên hệ với một công ty vệ sĩ tại quận Tân Phú để thuê một nhân viên giữ xe. Trong hợp đồng ghi rõ, khi mất mát xảy ra, công ty cung cấp bảo vệ sẽ chịu trách nhiệm.

Sau gần 4 tháng làm việc, nhân viên bảo vệ sơ ý đã làm mất xe của khách. Khi được yêu cầu bồi thường, công ty vệ sĩ này cũng chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều lần đến nơi mà chị Trinh vẫn không được giải quyết. “Họ bảo nhân viên chịu trách nhiệm chính đã nghỉ việc nên phương án bồi thường đang được ban giám đốc bàn bạc. Trong khi khách cứ đến quán quậy mãi, tôi dành bỏ tiền ra đền", bà chủ quán ngán ngẩm.

Nghiêm trọng hơn, vụ bắt cóc con tin đòi 100.000 USD tiền chuộc tại Diamond Plaza (quận 1, TP HCM) do 2 bảo vệ của một công ty vệ sĩ tiếng tăm lúc bấy giờ thực hiện cũng khiến lãnh đạo của chính công ty này phải "giật mình".

Theo đó, khi đang làm nhiệm vụ tại tòa nhà Diamond Plaza, Phạm Ngọc Dinh (25 tuổi, quê Đồng Nai) biết bà chủ siêu thị đang kinh doanh trong khu thương mại có nhiều tiền. Người này đã lên kế hoạch bắt cóc bé trai 6 tuổi con của "đại gia" này để đòi tiền chuộc. Để có người trợ giúp, Dinh đã lôi kéo một nữ đồng nghiệp Danh Thị Ngọc Diệu (22 tuổi) cùng tham gia. Sau khi bắt cóc được bé trai này ngay tại cổng trường, Dinh đã gọi điện thoại yêu cầu bố mẹ bé đưa 100.000 USD. Vừa nhận số tiền lớn từ tay người mẹ, Dinh đã bị cành sát ập vào bắt giữ.

Quá trình phá án, cơ quan công an nhận định, 2 nghi phạm này xuất phát từ lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, hành động rất tinh vi gây không ít khó khăn cho công an. Còn phía lãnh đạo công ty vệ sĩ thì thừa nhận họ "chưa nghĩ đến rủi ro có thể xảy ra như trường hợp trên và cũng chưa kịp định hướng phòng ngừa những trường hợp tương tự".

Theo một giáo viên Trường đào tạo nghề khu vực phía Nam tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), để tốt nghiệp khóa đào tạo “bảo vệ chuyên nghiệp”, học viên của trường phải vượt qua 11 môn học trong thời gian ít nhất 3 tháng. Trong đó, những môn như võ thuật, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, nghiệp vụ bảo vệ... là bắt buộc.

Tuy nhiên, trong số trên 200 công ty bảo vệ với khoảng 20.000 nhân viên tại TP HCM chỉ một số ít đạt chuẩn "ISO" về tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên. “Đa số các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự lập ra các chương trình huấn luyện nhân viên của mình. Việc lỏng lẻo trong công tác đầu vào, không quan tâm đến trình độ học vấn nên khiến nhiều bảo vệ trong khi làm việc đã có cư xử thiếu văn hóa với khách hàng, thậm chí là phạm tội", một cán bộ Phòng cảnh sát quản lý hành chính vê trật tự xã hội công an TP HCM nói.
                                                                                                                                             Theo vnexpress.net


Các tin khác