Thưa ông, trong năm 2010, đâu là bối cảnh mà chúng ta cần quan tâm khi nhìn vào thi trường tài chính Việt Nam? Những yếu tố nào đóng vai trò quan trọng tác động đến thị trường này? Ts. Đinh Thế Hiển: Trong năm 2010, kinh tế thế giới sẽ có bước chuyển động tích cực, điều đó tạo cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ rất lớn, nhưng bởi Việt Nam đã có mức tăng trưởng tín dụng quá mạnh trong năm 2009, nên nền kinh tế sẽ đối đầu với hai vấn đề có thể gọi là hơi mâu thuẫn: Một là phải tiếp tục cung ứng vốn ra thị trường để thúc đẩy tăng trưởng. Hai là phải kiểm soát nguồn vốn đúng với đối tượng sản xuất hàng hóa, thay vì chảy vào lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán, tạo ra lượng cung tiền mạnh hơn giá trị hàng hoá sản xuất khiến nguy cơ lạm phát dễ xảy ra. Tôi cho rằng những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá được đưa ra sắp tới sẽ chú trọng điều tiết những vấn đề này. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, vào thời gian tới, có khả năng nguồn tiền từ nước ngoài sẽ quay lại nhằm tìm kiếm cơ hội trong những thị trường mới nổi. Do đó, nếu nhà đầu tư phân tích đúng thì sẽ có chiến lược hiệu quả, ngược lại, nếu bắt nhịp sai cũng rất sẽ bị thua lỗ - đó là bối cảnh năm 2010. Trước khi nói đến các kênh đầu tư trong năm 2010, ông có thể nói qua về các kênh này trong năm 2009? Năm 2009, tôi cho là một năm thú vị, mặc dù cũng có thể nhiều nhà đầu tư thất vọng vì thua lỗ. Có thể nói khi bước qua đầu năm 2009, cùng với suy thoái kinh tế thế giới và nguy cơ giảm phát của kinh tế Việt Nam, nhiều người nói năm 2009 không phải là năm của những nhà đầu tư. Tuy nhiên, năm 2009 đã có rất nhiều cơ hội đến với các nhà đầu tư. Ai nắm được cơ hội đầu tư hợp lý thì đã thu hoạch lợi nhuận cao. Trên thị trường bất động sản, năm 2009 đã có hai đợt sóng vào quý I và II. Đó là cơ hội sinh lời khá tốt cho nhà đầu tư. Còn trên thị trường chứng khoán thì rõ ràng nếu nhà đầu tư nào mua đầu năm 2009, thì đến cuối năm dù chứng khoán hiện đang suy giảm, họ vẫn có lợi nhuận rất cao so với các kênh khác, chẳng hạn như gửi tiết kiệm. Nếu xét giai đoạn từ quý II, quý III, thậm chí quý IV/2009 thì có những đợt sóng lên mạnh và xuống nhanh, đó là những cơ hội có thể sinh lời từ 500% đến 700%. Kênh đầu tư vàng trong năm 2009 có nhiều rủi ro. Khi giá vàng vượt qua mốc 1.000 USD/oz, mọi người đã cho là nóng và ngưỡng người ta kỳ vọng là 1.050 USD/oz. Tuy nhiên rất nhiều nhà đầu tư đã đánh xuống trong khi vàng vẫn tiếp tục tăng. Tôi cho rằng năm 2009 là năm thất vọng đối với các nhà đầu tư vàng Việt Nam vì một số người đã đoán đúng nhưng cuối cùng cũng không bắt đúng sóng giá vàng thế giới, khiến thua lỗ rất lớn, thậm chí có những tiệm vàng do đánh xuống đã phải phá sản. Một kênh đầu tư khác, là gửi tiết kiệm ngân hàng, thì trong năm 2009, mặc dù chúng ta nói rằng lãi suất không hấp dẫn nhưng tôi vẫn cho với mức lãi suất huy động từ 8%, hiện giờ tăng lên khoảng 10%, là mức chấp nhận được. Vậy ông có thể có một vài phác thảo cụ thể về hai kênh đầu tư chứng khoán và vàng trong năm tới? Nếu vàng vẫn tiếp diễn ở mức khoảng 1.100 USD/oz, thì đối với nhà đầu tư lướt song, đây không phải là vấn đề; họ chỉ cần vài phần trăm chênh lệch để mua bán kiếm lời. Còn xét trong bối cảnh chọn lựa kênh mua vàng dự trữ hay gửi tiền ngân hàng thì rõ ràng ở thời điểm này và khả năng đầu năm tới, khi vàng vẫn giữ giá trên mốc 1.000 USD/oz, việc đầu cơ vàng khó có khả năng sinh lời hơn năm 2009. Cá nhân tôi cho rằng giá vàng thế giới vẫn chỉ dao động ở mức quanh 1.000 USD/oz và khó tăng thêm. Trong khi đó, nếu gửi tiết kiệm ngân hàng, chúng ta đã có mức lời khoảng 10%. Về kênh đầu tư chứng khoán: Nếu cuối tháng 12 năm nay, VN-Index ở mức khoảng 450 điểm thì rõ ràng nhà đầu tư sẽ có cơ hội rất lớn trong năm 2010. Bởi vì có thể sẽ có đợt sóng vào cuối quý I, lúc mà các doanh nghiệp thực hiện chia cổ tức và có thể giúp các chỉ số chứng khoán tăng. Tiếp sau đó sẽ là đợt giảm. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô tiếp tục tốt hơn, tôi cho rằng sẽ có đợt sóng thứ hai vào khoảng cuối năm. Như vậy, xét về tổng thể, nếu VN-Index ở 450 điểm trong giai đoạn cuối năm nay thì cơ hội sinh lời gấp đôi gửi tiết kiệm ngân hàng trong mức bù trừ rủi ro là khá chắc chắn; và có thể nói kênh chứng khoán đối với nhà đầu tư giá trị vẫn khá hấp dẫn. Về bất động sản, nếu chúng ta kỳ vọng vào sự đột biến với những nhà đầu tư lướt sóng thì năm 2009 là năm thất vọng. Năm 2010, tôi cho rằng cơ hội vẫn chưa rõ ràng, bởi vì vào lúc này, khả năng thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ của Chính phủ sẽ có vai trò rất lớn tới nhiều hoạt động kinh tế, trong đó có thanh khoản của các thị trường đầu tư. Như đã nói, tôi cho rằng để tránh rủi ro lạm phát và hiện tượng bong bóng thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế dòng tiền vào thị trường này đầu năm 2010 và cố gắng định hướng dòng tiền vào hoạt động sản xuất. Do đó, cơ hội của thị trường BĐS thì vào đầu năm 2010 là chưa tới. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là lĩnh vực rất hấp dẫn, đặc biệt ở Việt Nam, nhu cầu về nhà ở và văn phòng cho thuê rất lớn. Các nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào cuối 2010, khi nền kinh tế đã ổn định, dòng tiền và sản xuất – kinh doanh bắt nhịp với độ phục hồi của kinh tế thế giới, thì khả năng tích lũy ngay từ bây giờ sẽ cho nhà đầu tư mức độ sinh lời lớn nếu tham gia thị trường BĐS. Vậy thưa ông, chiến lược hợp lý dành cho các nhà đầu tư trong năm 2010 là gì? Mỗi nhà đầu tư sẽ phải tự xác định vị trí cho mình. Là nhà đầu tư lớn, hay là nhà đầu tư có ít vốn, mức độ chấp nhận rủi ro thấp, thì sẽ có những kỳ vọng và những chọn lựa khác nhau. Nhưng tôi cho rằng dù là kiểu nhà đầu tư nào thì nếu không muốn hứng chịu những rủi ro lớn, vẫn có thể tìm kiếm kênh đầu tư tương xứng với rủi ro mà mình chấp nhận được. Thứ nhất, trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu năm tới, nên chú ý chọn lọc cổ phiếu, mua và chờ đợi trong vòng khoảng từ 3 đến 6 tháng, sẽ gặt hái được hiệu quả. Thứ hai, đối với những người có số tiền vừa phải, hoặc tìm kiếm sự an toàn, chấp nhận đầu tư dài hạn thì kênh bất động sản rất đáng chú ý. Đến cuối quý I, như tôi dự đoán thị trường này có khả năng vẫn đi xuống hoặc đi ngang nhưng chính là giai đoạn có thể chọn lựa mua được những dự án bất động sản tốt. Như vậy, rủi ro sẽ thấp. Vấn đề là nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi khoảng 1 năm mới đạt được lợi nhuận kỳ vọng, mức lợi nhuận mà tôi cho rằng chắc chắn tốt hơn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Với những nhà đầu tư không muốn chấp nhận rủi ro, có lẽ, gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng mức lãi suất 10% như hiện nay là thích hợp. Riêng với kênh đầu tư vàng, sẽ khó có khả năng sinh lời như năm 2009. Nếu chọn lựa kênh gửi tiết kiệm ngân hàng thì liệu lãi suất ngân hàng có tương xứng với mức lạm phát trong năm tới? Còn kênh ngoại tệ thì sao, thưa ông? Thông thường ta hay so sánh lãi suất huy động của ngân hàng với lạm phát, nhưng thực chất không phải như vậy. Chúng ta sẽ có các kênh trung chuyển, hoặc là chúng ta giữ tiền hoặc chúng ta giữ ngoại tệ hay vàng, chứng khoán, bất động sản. Theo tôi, khi có tiền, người ta sẽ chuyển dịch số tiền đó trong 5 kênh này. Như tôi phân tích, với những ai không có khả năng chấp nhận rủi ro, thì mức lãi suất ngân hàng hiện nay là hấp dẫn. Nhưng cần lưu ý nếu Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh việc ứng vốn để phát triển kinh tế thì có thể xuất hiện nguy cơ lạm phát và tiếp theo đó là tỷ giá sẽ tăng, người gửi tiền sẽ cảm thấy lãi suất ngân hàng không tương xứng với việc tăng giá đồng ngoại tệ hoặc giá vàng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ thích ứng với tình hình và kiểm soát được lạm phát, đặc biệt là sẽ điều chuyển dòng tiền đúng hướng khu vực sản xuất và sẽ kiểm soát đầu tư công, do đó việc cân đối giữa lãi suất tiền gửi ngân hàng bằng VND là khoảng 10% so với gửi ngoại tệ chỉ có 3,5%, và so với rủi ro của giá vàng, tôi cho rằng gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn hấp dẫn hơn. Xin cảm ơn ông! Lê Mỹ (thực hiện) |