Cần tiếp tục con đường tự do hóa lãi suất
Trong thời gian qua, lãi suất cơ bản luôn là đề tài nóng trên các các phương tin thông tin, đặc biệt nó đã trở thành “điểm nóng” trên diễn đàn Quốc Hội. Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và thậm chí còn phản ứng rất găy gắt, và đặt câu hỏi liệu rằng NHNN đang “kiên trì bảo vệ lợi ích của các tổ chức tín dụng?”.

Lý do phản đối việc bỏ lãi suất cơ bản chủ yếu là:

1. Bộ luật dân sự phải điều chỉnh lãi suất cho vay của các tổ chức, cá nhân, trong đó có tổ chức tín dụng, là căn cứ để cơ quan tư pháp giải quyết các tranh chấp dân sự.
2. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều sử dụng công cụ lãi suất cơ bản.
3. Việc NHNN đề nghị bỏ lãi suất cơ bản là vì lợi ích cục bộ.

Tuy nhiên, cần xem xét những lập luận này có chính xác hay không?

Bộ luật dân sự phải điều chỉnh lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng?

Để thấy rõ có cần thiết quy định lãi suất cơ bản trong Bộ luật dân sự hay không, nên xem lại tinh thần của Bộ luật dân sự đầu tiên của nước ta - Bộ luật Dân sự 1995.

Điều 473 Bộ luật Dân sự 1995 quy định như sau: “Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do NHNN Việt Nam quy định đối với loại cho vay tương ứng”. Thời điểm Bộ luật dân sự 1995 ra đời NHNN đang điều hành lãi suất theo cơ chế trần lãi suất cho vay: NHNN công bố mức trần lãi suất và các NHTM chỉ được cho vay tối đa bằng mức trần lãi suất công bố. Thế thì tại sao Bộ luật Dân sự 1995 lại cho phép cho vay vượt qua 50% mức lãi suất cao nhất (tức lãi suất trần)?

Chinhsachtiente.jpg

Đây chính là ý đồ của các nhà soạn thảo và cũng là tinh thần của Bộ luật Dân sự 1995, điều đó định rõ rằng Bộ luật Dân sự không điều chỉnh lãi suất cho vay của các NHTM mà chỉ là căn cứ để phán quyết các hoạt động cho vay “phi chính thức”, và lãi suất cho vay “phi chính thức” không được vượt quá 50% lãi suất cho vay chính thức cao nhất (lãi suất cao nhất mà tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng và cũng là trần lãi suất).

So sánh điều này với quy định về lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự năm 2000 thì sẽ thấy rõ quy định hiện nay là thiếu khoa học và thực tế, nó thiếu khoa học ở chỗ Bộ luật Dân sự 2000 không kế thừa tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 1995, mà đơn giản chỉ sửa đổi về từ ngữ (khi không còn lãi suất trần để căn cứ thì sửa lại là lãi suất cơ bản), và không có suy xét thấu đáo về tác động của nó. Một điều nữa là hoạt động cho vay chính thức và “phi chính thức” đều được quy định một mức lãi suất tối đa như nhau.

Về lý do không bỏ lãi suất cơ bản vì “đây là tiêu chí để xác định nghĩa vụ dân sự” thì có lẽ hơi thiển cận. Nền kinh tế có biết bao nhiêu loại giá, và lãi suất cũng chỉ là một loại giá, không lẽ các hàng hóa khác đều phải có quy định về “giá cơ bản” trong Bộ luật Dân sự để các cơ quan tư pháp làm tiêu chí.

Căn cứ để xác định lãi suất hợp lý khi xử lý tranh chấp dân sự thì có nhiều cách và đây là một phần nghiệp vụ cửa cơ quan Tư pháp, hoặc có thể chỉ cần một văn bản của NHNN hướng dẫn việc này, và Bộ luật Dân sự chỉ nên quy định một cách chung nhất. Nếu theo lập luận của đại biểu thì có lẽ Bộ luật dân sự phải quy định biên độ cho rất nhiều loại giá chứ không chỉ lãi suất?

Thực tế trong thời gian qua, việc phải xác dịnh nghĩa vụ dân sự trong các tranh chấp dân sự thì không chỉ có lãi suất mà còn nhiều loại tài sản khác, và cơ quan tư pháp đều có thể xác định mà không cần đến quy định trong Bộ luật dân sự.

Các nền kinh tế lớn đều sử dụng công cụ “lãi suất cơ bản”?

Về việc cho rằng: “các nền kinh tế lớn đều dùng công cụ lãi suất cơ bản với mục tiêu góp phần điều tiết thị trường lãi suất” để so sánh với chúng ta là một sự nhầm lẫn vô cùng tai hại. Sự giống nhau ở đây có chăng chỉ là từ “lãi suất cơ bản” trong tiếng Việt. Công cụ lãi suất để điều tiết thị trường nhiều nước sử dụng các tên gọi khác nhau, nhưng được nhiều phương tiện truyền thông trong nước gọi chung là “lãi suất cơ bản”.

Trong phạm vi bài viết không thể nói hết cơ chế điều hành của các nước phát triển trên thế giới, nhưng tựu trung lại “lãi suất cơ bản” ở các nước chỉ là lãi suất mang tính định hướng và không có bất kỳ sự ràng buộc nào ví dụ như biên độ... Ngân Hàng Trung Ương sẽ can thiệp để đạt được mức lãi suất định hướng bằng các công cụ thị trường chứ không có kiểu quy định mang tính hành chính như chúng ta. Và chắc chỉ có ở Việt Nam: một công cụ điều hành của Ngân Hàng Trung Ương được quy định trong Bộ luật Dân sự!

Tại sao NHNN kiên trì đề nghị bỏ quy định về lãi suất cơ bản?

Con đường tự do hóa lãi suất để xây dựng một thị trường tài chính vững mạnh đã được NHNN thực hiện từ khi có Pháp lệnh Ngân hàng. Từ thời gian đầu NHNN quy định cụ thể lãi suất tiền gửi và cho vay, đến “nới lỏng” hơn: quy định sàn lãi suất tiền gửi, trần lãi suất cho vay, rồi đến lãi suất cơ bản cộng biên độ, và cuối cùng là bỏ biên độ vào tháng 6/2002.

Hơn ai hết NHNN hiểu rõ những nỗ lực khó khăn để tiến đến tự do hóa lãi suất, việc phải từ bỏ một công cụ hành chính mang tính áp chế mạnh và dễ thực hiện đối với NHNN nhưng lại gây nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế không phải là dễ dàng, và vì nếu lợi ích và sự thuận tiện của mình trong thực thi chính sách thì NHNN đã không thúc đẩy quá trình này.

Thực tế công cụ lãi suất cơ bản “đã chết” từ khi NHNN bỏ biên độ, nhưng bước tiến đó đã bị kéo lùi bởi những quy định trong Bộ luật Dân sự. Năm 2008 NHNN đã chính thức áp dụng trở lại lãi suất cơ bản với biên độ theo quy định của Bộ luật Dân sự, đây là “bước lùi” lớn trên con đường tự do hóa lãi suất.

bxp40398.jpgThực tế lãi suất cơ bản là một công cụ “hữu danh vô thực” nhưng NHNN đã không thể phát triển các công cụ điều hành lãi suất mang tính thị trường đủ mạnh để can thiệp khi cần thiết. Và năm 2008, khi đối mặt với một bên là những cáo buộc về việc không tuân thủ theo Bộ luật Dân sự, nhưng mặt quan trọng hơn là trước tình hình lãi suất có biến động mạnh cần phải can thiệp thì NHNN không thể có công cụ đủ mạnh, nên đành áp dụng trở lại lãi suất cơ bản với biên độ. Lẽ ra, NHNN nên chấm dứt những tranh cãi về việc không tuân thủ Bộ luật Dân sự từ những năm trước bằng cách công bố chấm dứt sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để điều hành lãi suất, đồng thời đưa ra giải pháp tình thế để tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật NHNN là: vẫn công bố lãi suất cơ bản, nhưng từ một công cụ điều hành lãi suất cơ bản sẽ trở thành một chỉ số về lãi suất, bằng việc thay đổi cách tính lãi suất cơ bản.

Điều đó có nghĩa là lãi suất cơ bản sẽ được tính bằng bình quân lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Và như thế chính lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng quyết định lãi suất cơ bản, và mức lãi suất này được các cơ quan Tư pháp tham chiếu để xử lý các khoản cho vay “phi chính thức”.

Bên cạnh đó, NHNN phải phát triển các công cụ điều hành lãi suất thay thế đủ mạnh để điều tiết thị trường. Cõ lẽ cũng vì lý do là các công cụ thay thế chưa phát triển đủ mạnh nên NHNN không đưa ra được lý lẽ thuyết phục qua mấy lần đề nghị Quốc Hội bỏ quy định về lãi suất cơ bản. Các lý do của NHNN đưa ra không thuyết phục đại biểu Quốc Hội cũng là điều dễ hiểu.

Bằng chứng thuyết phục nhất là NHNN phải chứng minh rằng: tự do hóa lãi suất không có nghĩa là Chính phủ (mà cụ thể là NHNN) không điều hành được lãi suất thị trường, và NHNN có những công cụ thay thế tốt hơn và đủ mạnh để can thiệp khi cần thiết mà không đem lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế như công cụ lãi suất cơ bản. Con đường tự do hóa lãi suất là tất yếu, và nếu Quốc Hội không thông qua đề xuất của NHNN thì chỉ làm chậm quá trình mà thôi, và sự chậm trễ này sẽ gây nên nhiều tác hại cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.


Các tin khác