Ngân hàng, doanh nghiệp đau đầu vì vốn
Dù tìm mọi cách huy động vốn, kể cả tăng cường khuyến mãi, nhưng các các ngân hàng trên địa bàn TP HCM vẫn không thể thu hút được tiền gửi. Do vậy, một số ngân hàng vừa thông báo sẽ tạm ngưng cho vay.

 
Quyết định này đã đẩy các doanh nghiệp (DN) vào thế khó, vì thời điểm này đang là giai đoạn “đói vốn” phục vụ sản xuất kinh doanh cuối năm. Để giải bài toán “khát vốn”, nhiều DN phải liều đi vay tín dụng đen.

Vay tín dụng: Tắc cả hai đầu

Mặc dù nâng lãi suất huy động hết trần cho phép, thậm chí có thời điểm một số ngân hàng (NH) còn lách luật bằng hình thức khuyến mãi, tặng quà, lãi suất bậc thang, rút thăm trúng thưởng… nhưng nguồn vốn huy động không cải thiện là bao. Không huy động được nguồn vốn từ người dân, các NH nhỏ, thanh khoản thấp buộc phải đi vay trên thị trường liên NH làm lãi suất thị trường này tăng mạnh trong tuần qua.

Lãi suất bình quân các kỳ hạn ngắn (dưới ba tháng) có mức tăng thêm 1,14 %, riêng lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng có mức tăng thêm, cao nhất là 2,2 % một năm. Lãi suất bình quân qua đêm đạt mức 10,05 % một năm, tăng 1,83 % một năm so với kỳ trước; lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động ở mức 10,58 % - đến 11,31 % một năm.

Một số NH linh động trong việc huy động vốn bằng kênh phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng khoán. NH Phương Đông vừa chào bán hơn 29 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và hơn 10,7 triệu cổ phần chào bán riêng lẻ cho đối tác trong nước có chọn lọc.

Còn NH TMCP Bắc Á phát hành kỳ phiếu VND và USD với tổng giá trị của đợt phát hành dự kiến là 1.000 tỷ đồng và 10 triệu USD, khách hàng mua kỳ phiếu sẽ được khuyến mãi ngay bằng tiền mặt tính trên số tiền mua kỳ phiếu với mức cao nhất lên 0,4% số tiền mua kỳ phiếu.
Khi vốn huy động tăng thấp, nhu cầu tiền đồng tăng cao, các NH chỉ còn cách giảm bớt tăng trưởng tín dụng bằng việc thu hồi các khoản nợ đến hạn, không cho gia hạn nợ hay vay thêm. Các khoản vay cầm cố chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng đến hạn đang được thu hồi ráo riết nhất.

Tìm vốn “chợ đen”

Nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh hàng hóa cuối năm rất lớn, nhiều DN bị NH từ chối mặc dù họ chấp nhận vay với lãi suất cao hơn trần hiện tại khoảng 13-14 % một năm. Để giải quyết vốn bài toán này, nhiều DN nhỏ và vừa phải vay tín dụng đen với lãi suất 15 -17 % một năm (lãi suất NH 11 - 12,5 % một năm).

Anh Lê Ngọc Hải, giám đốc một công ty chuyên sản xuất thực phẩm tại Tân Bình (TP HCM), cho biết vay NH không được đành bấm bụng vay nóng “chợ đen” hàng tỷ đồng để sản xuất hàng Tết. “Biết chắc lời ít, thậm chí không lời, nhưng trót mua nguyên liệu rồi, không tiếp tục sản xuất sẽ lỗ nặng hơn”, anh Hải nói.

Huy động vốn khó, hầu hết các NH TMCP đều khép cửa cho vay đối với khách hàng mới, còn các NH quốc doanh lại càng nan giải hơn vì việc cho vay của của họ không chỉ phụ thuộc vào lượng vốn huy động được mà còn bị hạn chế bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra của NH Nhà nước nhằm đối phó với nguy cơ tái lạm phát.

Ông Hồ Xuân Nghiễm, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết sẽ ưu tiên, chọn lựa đối với những dự án tốt để cho vay. Những khách hàng mới tạm thời ngừng cho vay, đợi sang năm 2010 mới tiếp tục.

Để lãi suất thực sự hấp dẫn khách gửi trong thời điểm này, ông Trần Minh Tuấn, Công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya, cho rằng NH Nhà nước cần nâng lãi suất cơ bản lên lần nữa để giúp khai thông thị trường vốn đang bị ách tắc một cách nghiêm trọng như hiện nay.

Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng các NH sẽ dễ thở hơn trong việc huy động nhưng đồng vốn vay đắt hơn buộc các DN phải cân nhắc lại các phương án kinh doanh do lợi nhuận sẽ bị giảm, nhiều dự án phải tạm gác lại.

Chuyên gia Lê Thẩm Dương khẳng định việc tăng lãi suất cơ bản hiện nay sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế (và cả thị trường chứng khoán), giải bài toán ách tắc về vốn cho cả DN và NH. “Tuy lợi nhuận giảm xuống do đồng vốn vay đắt nhưng vẫn hơn khoanh tay ngồi chơi khi không có vốn sản xuất”, TS Dương nói.

Thủy An



 


Các tin khác