DN chỉ nên TCT công ty khi bị suy giảm tài chính, doanh thu giảm, lợi nhuận thấp, thị phần bị thu hẹp, hoặc chưa giảm nhưng tăng trưởng chậm.
Trên thực tế, đa số DN hiện nay hoạt động không hiệu quả vì năng lực quản lý chưa tốt, không nhìn ra cơ hội kinh doanh và thường bắt chước nhau.
“DN mình có cái bệnh là thấy người ta đưa ra chiến lược mình cũng làm chiến lược, thấy DN khác TCT thì mình cũng TCT... mặc dù ý tưởng không thiếu”, ông Hoài nói.
Cùng nhận xét này, ông Nguyễn Trung Thẳng, Viện trưởng Viện Marketing và Quản trị doanh nghiệp, cho rằng, việc TCT ở Việt Nam đang bị lạm dụng. Nhiều công ty TCT mà không biết mình đang làm gì.
Ông Đỗ Thanh Năm, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Win - Win cũng cho rằng, DN hiện nay có quyết tâm về việc đổi mới nhưng cách thức tiến hành TCT chưa phù hợp.
DN thường làm theo kiểu “đau đâu chữa đấy” nên kết quả không như mong muốn, chữa xong bệnh này xuất hiện bệnh khác, rồi lại tiếp tục chữa - tiếp tục TCT.
Chính điều này đã gây tâm lý mệt mỏi, lúng túng, mất niềm tin trong DN. Theo ông Năm, không thể bắt tay ngay vào quá trình TCT DN khi chưa tiến hành khảo sát toàn diện và chuyên sâu.
Không chỉ lạm dụng mà nhiều DN còn thực hiện việc TCT một cách nửa vời. Theo ông Năm, về chiến lược, chỉ mới dừng lại ở ý tưởng, chưa có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể.
Hầu hết các DN chưa có sự ưu tiên và đầu tư bài bản cho các hoạt động quan trọng như marketing, thương hiệu; hoạt động về con người, về tài chính, sản xuất... và thiếu sự nhất quán trong thương hiệu và chiến lựơc.
Về mô hình quản lý thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn chồng chéo, kiêm nhiệm, không có đủ quyền hạn và sự phối hợp không chặt chẽ... Chính vì vậy, không ít DN phải TCT nhiều lần.
Kinh nghiệm tư vấn nhiều năm trong lĩnh vực TCT, ông Bùi Ngọc Hồng, luật sư của Công ty Indochine Counsel cho biết, có rất nhiều DN đưa ra yêu cầu TCT chỉ để nhằm mục đích huy động vốn, làm cho cổ phiếu phát hành có giá...
Theo các chuyên gia tư vấn, việc thực hiện TCT DN phải qua 4 giai đoạn: lựa chọn, chuẩn đoán và phân tích, lập kế hoạch, thực hiện. Và TCT là một dự án nên phải hoạch định, cấu trúc và quản trị dự án với một chiến lược đúng.
Thế nhưng, khảo sát của Viện Marketing và Quản trị doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 10% tổ chức thực thi được chiến lược của mình.
Trong đó, chỉ có 5% nhân lực hiểu được về chiến lược, 25% nhà quản lý cổ đông có liên quan đến chiến lược, 85% nhóm thực thi dành ít hơn một giờ mỗi tháng để thảo luận chiến lược và 60% tổ chức không liên kết ngân quỹ với chiến lược.
Quan niệm của giáo sư Trường kinh doanh Harvard John Kotter thì vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng trong việc TCT công ty. Theo ông, có 8 bước thực hiện.
Đó là: tạo nên tính cấp bách, thành lập nhóm dẫn đường, phát triển tầm nhìn và chiến lược, truyền đạt tầm nhìn thay đổi, trao quyền cho nhân viên trong việc TCT, tạo ra thắng lợi ngắn hạn, cũng cố lợi nhuận và tạo ra nhiều thay đổi hơn, gắn chặt phương thức mới vào văn hóa công ty.
Theo các chuyên gia, trong “hành trình” TCT DN, truyền thông có vai trò rất quan trọng, chiếm đến 20% khối lượng công việc trong quá trình thay đổi các hành vi trong tổ chức. Việc truyền thông cần thực hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối dự án TCT.
“Truyền thông trong TCT là phải cụ thể bản chất sự thay đổi, giải thích tại sao, thông tin cho nhân viên thậm chí là tin xấu, liên tục lập lại mục đích thay đổi và kế hoạch hành động; sử dụng biểu đồ, hình ảnh trong truyền thông; thông tin hai chiều; vai trò của quản lý cấp trung; đa dạng kênh truyền thông, chính thức hóa các luồng thông tin...”, ông Thẳng nói.
“Khả năng tồn tại và phát triển của DN là điểm quan trọng nhất đảm bảo TCT bền vững trong dài hạn. Nếu một DN không có khả năng này thì sớm hay muộn gì cũng phải tiếp tục TCT hoặc TCT thất bại”, ông Đại phân tích.
Khả năng tồn tại và phát triển của DN được xác định không chỉ bởi vấn đề tài chính mà còn là sự kết hợp của nhiều vấn đề khác. Và bất kỳ vấn đề yếu kém nào đều có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của DN, tác động đến sự thành công của TCT.
Một yếu tố nữa giúp việc TCT thành công, theo TS. Đặng Xuân Cảnh, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán DTL, các công ty nên thuê chuyên gia có năng lực, sử dụng tư vấn pháp lý và tư vấn tài chính một cách chặt chẽ.
Theo DNSG