Luật Đầu tư: Nhiều rào cản doanh nghiệp
Chỉ cần bán 1 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã bị coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNĐTNN) và ngay lập tức bị hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết WTO, bị giới hạn khi tham gia kinh doanh phân phối sản phẩm.
Đó là một trong những nội dung cản trở đến hoạt động doanh nghiệp của Luật Đầu tư 2005 (có hiệu lực từ 01/7/2006).

Rào cản doanh nghiệp

Đề cập đến các rào cản tại hội thảo hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Đầu tư được tổ chức mới đây, Ls Trần Anh Đức - Thành viên Đoàn Luật Sư Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, rào cản pháp lý đầu tiên phải kể đến là định nghĩa về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư. Theo đó, DNĐTNN là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Với qui định chung như vậy thì chỉ cần bán 1 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã bị coi là DNĐTNN và ngay lập tức bị hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết WTO, bị giới hạn khi tham gia kinh doanh phân phối sản phẩm.

LS Đức đưa dẫn chứng: “Thực tế đã chứng kiến một doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam (Mekophar) bị từ chối không được kinh doanh phân phối dược phẩm chỉ vì có cổ đông nước ngoài đã mua 4% cổ phần. Mekophar đã kêu cứu khắp nơi nhưng không tìm được giải pháp nên đã phải tính đến quyết định hủy niêm yết, loại bỏ cổ đông nước ngoài để có thể kinh doanh phân phối dược phẩm. Qui định về hạn chế ra nhập thị trường theo cam kết WTO là nhằm mục đích áp đặt hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam nhưng đã vô tình gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Bên cạnh đó, việc tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài kéo theo thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư phức tạp với thời gian chuẩn bị và xin phép phải mất từ 2-3 tháng. Điều đáng nói là phải xin Giấy chứng nhận đầu tư trong mọi trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cho dù chỉ bán 0,1% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

LS Đức cũng cho biết, Nghị định 102/2010/ND-CP của Chính phủ ngày 1/10/2010 khẳng định rằng doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 49% cổ phần được áp dụng các điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước tức là doanh nghiệp Việt Nam. “Tuy nhiên, dường như qui định tiến bộ này đã không đi vào thực tế. Nếu Nghị định 102 được áp dụng, Mekophar đã không phải xin hủy niêm yết và sẽ không cần phải xin Giấy chứng nhận đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 49% cổ phần” – LS Đức bức xúc.

Do đó, LS Đức góp ý, chỉ nên coi là DNĐTNN khi có nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp sở hữu trên 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đồng thời cần thay thế thủ tục cấp phép đầu tư bằng thủ tục đăng ký kinh doanh khi sở hữu nước ngoài dưới 49%.

Góp ý cho Điều 50 Luật Đầu tư, TS. Nguyễn Thị Yến  - Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc gộp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vừa không bảo đảm được tính minh bạch, vừa không thể hiện được ý nghĩa của hai loại giấy tờ này. Lý do vì Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ý nghĩa khai sinh tư cách pháp lý của doanh nghiệp, còn Giấy chứng nhận đầu tư (theo Luật hiện hành) có ý nghĩa minh bạch hoá những ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng đối với dự án đầu tư. Như thế, việc gộp hai loại giấy tờ này với mục đích làm giảm thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài vừa không thể hiện đúng bản chất của những loại giấy tờ này, vừa tạo ra sự không bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng dẫn đến những rắc rối không cần thiết khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh, hay doanh nghiệp tiến hành chuyển nhượng dự án nhưng không chuyển nhượng doanh nghiệp...

Khái niệm "nhà đầu tư" không đồng nhất

Trong luật Đầu tư có sử dụng rất nhiều khái niệm khác nhau có liên quan đến việc xác định nhà đầu tư, bao gồm: nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế 100% vốn trong nước hoặc nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu thuộc VCCI và Văn phòng Chính phủ thì các khái niệm này chưa được xác định rõ ràng.

Theo nhóm nghiên cứu, “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” thì khác gì “tổ chức kinh tế liên doanh”; tại sao lại phân biệt “tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài”; “tổ chức kinh tế 100% vốn trong nước”; và “doanh nghiệp Việt Nam” là doanh nghiệp nào? “doanh nghiệp nước ngoài” là những doanh nghiệp nào?...

Với khái niệm “Nhà đầu tư nước ngoài”, nhóm nghiên cứu thuộc VCCI và Văn phòng Chính phủ cho biết, Điều 3 Luật Đầu tư có quy định về: “Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam”. Định nghĩa như vậy ngụ ý rằng “nhà đầu tư nước ngoài” chỉ bao gồm những tổ chức/cá nhân ở nước ngoài (offshore) bỏ vốn để đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (được thành lập tại Việt Nam) có vẻ không thỏa mãn định nghĩa này để được coi là “nhà đầu tư nước ngoài”.

Tuy nhiên, Quyết định 55 lại quy định nhằm xác định tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam với tỉ lệ vốn của bên nước ngoài cao hơn 49%.

Như vậy, định nghĩa về “nhà đầu tư nước ngoài” tại Luật Đầu tư và Quyết định 55 là không hoàn toàn thống nhất. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị: Không sử dụng khái niệm “nhà đầu tư” một cách chung chung trong các quy định cụ thể, mà tùy vào từng trường hợp cụ thể mà sử dụng một cách chính xác các khái niệm nhà đầu tư, như: nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài; chủ đầu tư. Cụ thể, có thể sửa đổi theo hướng quy định rõ khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” theo hướng thống nhất với các quy định liên quan, cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam với tỉ lệ vốn của bên nước ngoài cao hơn 49%.

Cùng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Hưng Quang  - VPLS NH Quang & Cộng sự đề nghị, Luật Đầu tư cần phải làm rõ là “nhà đầu tư nước ngoài” và “nhà đầu tư trong nước” có sự khác biệt gì về “ưu đãi đầu tư” hay hoạt động kinh doanh không? Theo như khuyến nghị ban đầu thì Luật Đầu tư nên bỏ cách phân biệt “đầu tư trực tiếp” và “đầu tư gián tiếp”. Vậy nếu một công ty niêm yết khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia và khi không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia thì phải xử lý ưu đãi đầu tư thế nào? Xử lý về ngành nghề kinh doanh… Hay sau này các công ty niêm yết phải công bố rõ là cổ phiếu của họ chỉ bán cho nhà đầu tư trong nước, nghiêm cấm nhà đầu tư nước ngoài được mua? 

Theo dddn.com.vn


Các tin khác