Sáng tạo và nuôi dưỡng sáng tạo: EQ cần hơn IQ
TS. Đinh Thế Phong.Viện Chiến lược, Chính sách Khoa học & Công nghệ (dtphong@most.gov.vn)

S
khoan dung, cởi mở đối với các văn hóa, tư duy, lối sống khác nhau chính là động lực cho Tính Sáng Tạo của Mỹ. Người Việt cần học tập kỹ năng và văn hoá Đổi Mới - Sáng Tạo, lấy đó là phương kế để tồn tại và phát triển.


Sáng tạo: EQ cần hơn IQ

Xưa rồi, như 20 năm trước, khi sinh viên Mỹ phải "chiều lòng" các công ty tuyển dụng bằng cách mặc những bộ complet ít cá tính nhất, cố giấu các biểu hiện nào đó của cá tính hay sự khác biệt về văn hóa nhằm cho các nhà tuyển dụng thấy rằng họ phù hợp với nề nếp công ty.

Ngày nay, theo GS. Florida: các công ty Mỹ đang cố để phù hợp với lối sống của sinh viên!

Trilogy, một công ty IT hàng đầu của Mỹ, trải thảm đỏ mời chào một anh chàng sinh viên thủ khoa của ĐH Carnegie Mellon nhưng với khuyên tai, xăm mình như một rocker thực thụ. Lý do của Triology: "Đơn giản, vì anh ta là một ngôi sao nhạc rock!". Các công ty công nghệ cao, nơi tính sáng tạo quyết định dòng lợi nhuận, ngộ ra rằng: sự đa dạng, các năng khiếu đa ngành là lương thực nuôi sống tính sáng tạo.


Các trường đại học danh tiếng, các viện nghiên cứu đầy tính hàn lâm, các công ty hàng đầu của Mỹ thích tuyển dụng những ngôi sao, vận động viên thể thao, người nổi tiếng vì họ mang lại sự khác biệt, tính nổi trội và là mầm mống cho tính sáng tạo. Trong hai người cùng năng lực chuyên môn, người nổi trội hơn hay đam mê môn nghệ thuật, thể thao nào đó sẽ được chọn tuyển.

Tính sáng tạo nảy nở tốt nhất trong con người toàn diện. Các công ty Mỹ ngày nay coi trọng EQ (sự mách bảo của Trái Tim) hơn IQ (sự sáng suốt của Trí Tuệ). Vì vậy, khi xin việc hay xin học bổng của một trường đại học Mỹ, bạn đừng ngại cho họ biết mình là một túc cầu gia có hạng, một đệ tử trung thành của môn nhảy hip-hop, một người say mê Đường Thi hay một môn đệ của trường phái Mật Tông huyền bí...

"Các công ty IT của Mỹ thích tuyển dụng những người mê nhạc rock, hay ham mê nghệ thuật, thể thao".

Đinh Thế Phong

Làm gì để nuôi dưỡng Tính sáng tạo?

Tổng thống Mỹ Obama trong thông điệp liên bang ngày 25/1/2011 với nội dung chính "Thế giới thay đổi, nước Mỹ phải thay đổi!" kêu gọi người Mỹ đầu tư hơn nữa cho Đổi Mới - Sáng Tạo, cứu cánh duy nhất để Mỹ không bị các nước khác qua mặt.

Mỹ nhìn nhận tính sáng tạo và việc cách tân đại học là yêu cầu cấp bách cho sự hồi sinh quốc gia. Họ hiểu rõ: Tính sáng tạo, năng lực đổi mới công nghệ, doanh chí (Entrepreneurship) có cội nguồn văn hóa - xã hội - đời sống.

Tính liên ngành được đặc biệt chú trọng. Các kỹ sư tương lai cần học cả về khoa học xã hội, nghệ thuật, kinh doanh. Các viện nghiên cứu khoa học - công nghệ được lồng ghép với các ngành nghệ thuật, mỹ thuật, khoa học nhận thức, tâm linh... để nghiên cứu, mô phỏng quá trình Đổi Mới, về trí tuệ nhân tạo. Trong nhóm nghiên cứu có các kỹ sư, người lập trình, nhà tâm lý học, sinh vật học, toán học, doanh nhân, nhà ngôn ngữ học,...

Khoa học - Công nghệ gắn hữu cơ với Quản trị Kinh doanh, khoa học cuộc sống, xã hội, tâm lý văn hoá...để tiến hành các đề tài nghiên cứu về ngành Dịch Vụ Tri Thức mới nổi trên thế giới. Điều chủ yếu trường đại học cung cấp không còn là Tri Thức mà là Phương Pháp.

Nhận thức rằng sinh viên ra trường sẽ phải phát hiện - giải quyết các vấn đề mà hôm nay chưa nảy sinh, tạo ra các công nghệ - giải pháp mà ngày nay chưa tồn tại, đại học phải chuyển mạnh từ việc Học sang việc Phát Hiện Vấn Đề (Problem Identifying), Giải Quyết Vấn Đề (Problem Solving), Khám Phá (Discovery) và Áp Dụng Tri Thức (Application Of Knowledge).

Đại học phải mang tính Khám Phá của Phòng Thí Nghiệm, tính Thử Nghiệm của Kỹ Sư. Giới khoa học - công nghệ cần học cách tiếp cận trực cảm (Intuition), phi logic, như trong các lĩnh vực Nghệ Thuật, Âm Nhạc, Hội Họa, Thi Ca. Đối với Einstein, "Mọi Tri Thức chỉ là chi tiết vụn vặt, chỉ có Trí Tưởng Tượng mới quan trọng".

Để nghiên cứu vật lý lượng tử, N.Bohr cho rằng ta phải dùng tới ngôn ngữ của thi ca... Cần đem lại sự phát triển của thời Phục Hưng đến với loài người lần nữa, khi mà Kỹ Nghệ (Engineering) cũng cần sự thăng hoa, sáng tạo như những môn văn hóa - nghệ thuật. Để giải phóng khỏi các tư duy, mô thức hay "chấp" cũ ngăn cản tính sáng tạo, sự học ở thế kỷ 21, theo A. Toffler, phải bao gồm "Học (Learn), Quên (Un-learn) và Học Lại (Re-learn).

GS. Susumu Tonegawa, người Nhật và từng học ở MIT, Mỹ, đoạt giải Nobel y khoa năm 1987. Nhưng niềm hân hoan của nước Nhật giảm hẳn sau hai ngày, khi ông cho biết trên truyền hình rằng ông được giải Nobel do thụ hưởng nền giáo dục Mỹ điều đã vun đắp óc sáng tạo của ông.
Friedman, tác giả "Thế Giới Phẳng", khuyến khích trẻ em chơi nhiều hơn, tham gia thể thao, văn nghệ.

Friedman, tác giả "Thế Giới Phẳng", khuyến khích trẻ em chơi nhiều hơn, tham gia thể thao, văn nghệ. Để phát triển tính sáng tạo, cần tránh suy nghĩ theo "đường mòn", bị "đóng khung" (Thinking out of the box). Ý kiến phản biện một cách logic, ý kiến mở rộng và khác với lý thuyết cần được đánh giá cao hơn ý kiến "xuôi" theo sách vở. Trẻ em cần được khuyên phải luôn có những giấc mơ, những đam mê.

Mỹ nhận ra rằng thế mạnh của họ chính là Sáng Tạo, Trí Tưởng Tượng mà nhiều nước giàu cũng cần hàng thập kỷ để gây dựng. Theo Friedman, "đó đã luôn là thế mạnh của nước Mỹ. Nước Mỹ đã và vẫn đang là Cỗ Máy Mộng Mơ lớn nhất của Thế Giới" (The World Greatest Dream Machine).

Họ coi trọng việc nêu vấn đề, đặt câu hỏi, vì chưa biết vấn đề thì sao mà giải quyết được? Việc "Đặt Câu Hỏi" mang tính chủ động sáng tạo cao hơn cả "Đưa Ra Trả Lời". Picasso đã có một minh họa xuất thần cho điều này khi nói "Mọi máy tính đều vô dụng vì chúng chỉ cho ta những câu trả lời" (Computers are useless because they can give you only answers).

"Sáng Tạo, Trí Tưởng Tượng luôn là thế mạnh của nước Mỹ mà nhiều nước giàu cũng cần hàng thập kỷ để gây dựng. Nước Mỹ đã và vẫn đang là Cỗ Máy Mộng Mơ lớn nhất của Thế Giới."


Thomas Friedman


Mỹ thu hút nhân tài, những người có tính sáng tạo cao, từ khắp nơi trên thế giới với chế độ nhập cư cởi mở, các học bổng và tài trợ đề tài ở các ĐH, viện nghiên cứu hiện đại, dễ dàng tiếp xúc với những người hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình, những quỹ và nhà tài trợ say mê với các ý tưởng mới đầy mạo hiểm (đến mức bị coi là "điên rồ" ở Tây Âu, Nhật). Đặc biệt, sự khoan dung, cởi mở đối với các văn hóa, tư duy, lối sống khác nhau là động lực cho tính sáng tạo của Mỹ.

Người ta khoan dung với các cá tính của người tài như thích nói và làm ngược với số đông, tính cẩn thận khắt khe, sự cầu toàn, tính hướng nội, ít giao thiệp, ghét hình thức và sự gò bó, ghét bè phái, thích sự riêng tư, thiếu kiên nhẫn, tính đãng trí,...

Người tài thích sự thách thức, các việc làm có ý nghĩa lớn, tác động đến nhiều người, ý thức về sự nhanh chóng đưa kết quả sang tạo của mình cho xã hội. Đó là điều các công ty hàng đầu luôn tìm cách đáp ứng.

Năm 2005, Kai-Fu Lee, chiến lược gia của Microsoft ở Trung Quốc, đã chuyển sang làm cho Google. Ở lại với Microsoft thì sẽ chỉ lo giữ thị phần như một người coi kho. Còn đi với Google, anh ta có thể sáng tạo những cái mình đam mê, làm thay đổi cách sống, cách vui chơi - giải trí, cách làm việc, cách tư duy của hàng tỷ người trên thế giới. Vậy, theo bạn, một người có IQ, hoài bão, được coi như Jesus của giới Sáng Tạo Công Nghệ Trẻ Trung Quốc như Kai-Fu Lee sẽ chọn làm cho công ty nào?

Hiện nay, Việt Nam rất cần một chương trình Canh Tân (Innovation Program) rộng khắp, trước hết là trong công nghệ, kinh doanh và ý thức. Khi chưa có Chương Trình đó, mỗi người cần học tập kỹ năng và văn hoá Đổi Mới - Sáng Tạo, lấy đó là phương kế để tồn tại và phát triển như người Nhật đã làm trong thời Minh Trị hàng trăm năm trước.

Nguồn:  Vef

 


Các tin khác