Toàn cảnh Hội thảo
Vai trò của DN tư nhân
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Vũ Đình Hòe – Phó Tổng biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam cho biết: “Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011-2015) và hội nhập kinh tế, các DN Việt Nam, trong đó, số lượng lớn là DN tư nhân và kinh tế tư nhân đã có những đóng góp lớp vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước. Khu vực DN tư nhân giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. DN tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm…”.
PGS.TS Vũ Đình Hòe – Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam
DN tư nhân và kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng như vậy, song trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, vẫn còn có các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý chưa thấy hết được vai trò của DN tư nhân và chưa đưa ra được những giải pháp thích hợp nhằm tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII ngày 19/11/2014 cũng đã đề cập đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực để phát triển kinh tế. Một trong những quan điểm phát triển kinh tế – xã hội trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Ông Vũ Đình Hòe cho rằng, muốn tạo động lực cho phát triển kinh tế tư nhân tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh cho các DN mà chủ yếu là DN tư nhân, trong đó có DNNVV. Đó là các giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập doanh nghiệp…
Các vị đại biểu tham dự Hội thảo
Nỗ lực của Chính phủ
Tại hội thảo, ông Đinh Huy Chiến – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã nhìn nhận một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nền kinh tế của Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài và thực sự chạm đáy vào 2013 và 2014. Đó là những nguyên nhân gồm:
Thứ nhất, cơ cấu kinh tế lạc hậu, công nghiệp chủ yếu là gia công, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp.
Thứ hai, nông nghiệp vẫn là nền sản xuất nhỏ phân tán, năng suất lao động và giá trị gia tăng trên 1 hecta đất thấp. Tiềm năng giải phóng của khoán hộ và kinh tế hộ kém hiệu quả.
Thứ ba, cơ cấu các thành phố kinh tế bất ổn, không phát huy được tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân. Quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo dẫn đến sự gia tăng tính độc quyền của doanh nghiệp nhà nước.
Thứ tư, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự gia tăng các yếu tố đầu vào và khai thác tài nguyên để xuất khẩu, năng suất lao động thấp. Đóng góp của nhân tố tổng năng suất bị tụt giảm.
Thứ năm, phản ứng chính sách ở một số thời điểm chưa hợp lý, làm phức tạp thêm tình hình và khoét sâu những yếu kém về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng.
Ông Đinh Huy Chiến – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
“Từ cuối năm 2014, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc và hai trong số những nguyên nhân chủ yếu của sự khởi sắc này đến từ sự nỗ lực của chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô và bên cạnh đó là sự nỗ lực của cộng đồng DN, đặc biệt là DN tư nhân – DNNVV” – ông Đinh Huy Chiến nhấn mạnh.
Ông Chiến cũng cho biết, hai bộ luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015 là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình tạo động lực và cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
“Liệu rằng với con số cả nước đạt 500.000 DN, chúng ta có thể mạnh dạn nghĩ đến con số 2 triệu DN vào năm 2020. Với gần 10.000 hội viên doanh nhân trẻ, hàng năm tạo doanh thu khoảng 25 tỷ USD, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phải có nhiều nỗ lực để phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất – kinh doanh… là mục tiêu Hội Doanh nhân trẻ mong muốn” – ông Đinh Huy Chiến nói.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 400 doanh nhân
Động lực để phát triển
Phát biểu về Chủ đề của Hội thảo,TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng từ “động lực” ở đây cần phải hiểu ở 2 khía cạnh: Thứ nhất, kinh tế tư nhân là động lực. Thứ hai, động lực để phát triển cho kinh tế tư nhân.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI
Theo ông Lộc, nếu như 30 năm trước khi nước ta bắt đầu cải cách, chúng ta thường dùng đến từ nền kinh tế nhiều thành phần – thực chất là kinh tế thị trường; và sau này chúng ta mới chính thức dùng từ kinh tế thị trường trong các văn kiện của Đại hội Đảng. Nhưng tại thời điểm hiện nay, ông Lộc cho rằng: Kinh tế tư nhân mới chính là từ khóa, chính là sự thay đổi nhất của thị trường. Chúng ta đã chấp nhận sự thay đổi của kinh tế thị trường, chấp nhận kinh tế tư nhân là động lực.
“Thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân – động lực kinh tế tư nhân”.- ông Lộc khẳng định.
Các vị đại biểu tham dự hội thảo
Từ câu chuyện ở New York và Cu Ba, ông Lộc đã dẫn dắt người nghe tới hai nền kinh tế có sự tương phản điển hình trong việc đổi mới nền kinh tế thị trường. Cu ba có dân số 11 triệu người và thành phố New York là 8 triệu dân, thế nhưng tổng GDP của New York đạt trên 1.000 tỷ USD trong khi tổng GDP của Cu Ba chỉ đạt trên 70 triệu USD.
Hiện, Cu Ba mới đang trong quá trình cập nhật mô hình kinh tế, chậm hơn Việt Nam khoảng ¼ thế kỷ, nhưng New York thì đã là thành phố phát triển lớn mạnh. Sự khác biệt của 2 nền kinh tế này nằm ở chỗ Cu Ba gần như không có DN tư nhân, chủ yếu là DN nhà nước, và môi trường kinh doanh không bình đẳng. Trong khi đó, New York lại chủ yếu là DN tư nhân chứ không tồn tại DN nhà nước. Ngoài lý do tác động bởi chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cu Ba, thì đây là sự khác biệt quan trọng nhất. “Ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta đều có thể thấy được bức tranh tương phản của các nền kinh tế, nhưng nhìn chung, chúng ta không thể phủ nhận kinh tế tư nhân mới chính là động lực để phát triển nền kinh tế. Vai trò của nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển lại chính là kinh tế tư nhân”. – ông Lộc khẳng định.
Ông Lộc cũng nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân là kinh tế của toàn dân. Trước đây, chúng ta chiến thắng quân xâm lược bởi chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân. Ở thời bình, nếu muốn chiến thắng trên thương trường, thì phải phát triển toàn dân làm kinh tế. Nếu muốn trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, chúng ta phải phấn đấu sao cho con số 500.000 DN hiện nay phải trở thành 5 triệu DN trong tương lai”.
Ông Lộc cũng ví DN chính là các chiến sĩ, chiến đấu trên mặt trận hội nhập. Để có thể chiến thắng, các chiến sĩ cần hậu phương vững chắc, đó chính là nhà nước. Ông khẳng định: “DN Việt Nam sẽkhông thua kém DN ở các nước trên thế giới nếu nhà nước làm tốt vai trò là hậu phương vững chắc, là bệ đỡ, là điểm tựa cho DN”.
Sẽ hỗ trợ hơn nữa cho DN
Đánh giá về vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ chỗ bắt đầu có 4000 doanh nghiệp, đến nay đã có 500.000 doanh nghiệp, điều đó đã khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân. Việt Nam bắt đầu từ nền kinh tế chợ quê tới kinh tế mặt phố và cho đến hiện nay là “mon men” vào nền kinh tế siêu thị. Tất cả những giai đoạn này đều ghi nhận sự phát triển nội lực của doanh nghiệp tư nhân.
Ông Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nói về chính sách, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đã đi một bước dài về chính sách. Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực năm 2000 được xem là cuộc cách mạng cho đội ngũ doanh nghiệp, tạo ra bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế. Ngay sau đó 1 năm, từ chỗ chỉ có 4 ngàn doanh nghiệp thì con số này đã lên 13 ngàn doanh nghiệp.
“Chúng ta nói nhiều tới đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc… nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, để có thể tạo nên sự đột phá đó phải kể đến vai trò và vị thế to lớn của doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài” – Thứ trưởng nói – “Tôi cảm thấy tỉnh nào lãnh đạo tỉnh có sự gắn bó, gần gũi với doanh nghiệp thì tỉnh đó phát triển như Hà Tĩnh, Thanh Hóa…”.
Với tư cách là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều hơn ý kiến từ phía các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo để nắm bắt và báo cáo, đề xuất những chính sách phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế tư nhân hiện nay, nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho nền kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cũng khẳng định: Một nền kinh tế xét về lý thuyết sẽ không thể phát triển được nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu. Việc hoàn thiện thể chế là do nhà nước tạo nên. DN là đối tượng sử dụng thể chế nên, phải có trách nhiệm thúc đẩy để hoàn thiện thể chế.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương
Theo ông Cung: “Trong thể chế có thể chế chính thức (luật lệ do nhà nước ban hành) và phi chính thức (chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp…). Ngoài thể chế ra, hiện tại Việt Nam còn có “luật rừng”. Luật này tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đời sống của chúng ta. Nếu như thế chế chính thức và phi chính thức phát triển mạnh thì có thể áp đảo được “luật rừng” và ngược lại. Chính vì vậy, DN phải làm sao để thể chế chính thức phải minh bạch, phải bao dung, có như vậy nền kinh tế mới phát triển được”.
Thực tế hiện nay, Luật của Việt Nam gần như không thay đổi, nhưng các thông tư lại thay đổi liên tục, tác động trực tiếp tới tài sản, đến hoạt động kinh doanh, kế hoạch đầu tư, dòng tiền… của DN. “Một thể chế như vậy sẽ tạo cho DN sự bấp bênh, rủi ro lớn, và chi phí tuân thủ cực cao. Một môi trường như vậy, không thể đầu tư, tính toán dài hạn được. Chính vì vậy, DN phải chủ động thay đổi, chứ không chờ thay đổi” – ông Cung nói.
Trong những năm qua, nền kinh tế của Việt Nam có sự chuyển biến rất mạnh. Chúng ta đã thay đổi tư duy để phát triển, để hội nhập. “Tôi tin rằng, với việc sáng tạo để thay kinh nghiệm, năng động để thay quy mô, nỗ lực và tốc độ để phát huy lợi thế của người đi sau, DN Việt Nam nhất định sẽ thành công”.
Ông Thắng cũng cho rằng, khát vọng, mong muốn của khu vực kinh tế tư nhân đã được ghi nhận tại văn kiện Đại hội XII. Qua đó, DN tư nhân đã có được một khuôn khổ, định hình, một tư duy mới để phát triển. Tuy nhiên, để DN tư nhân có thể phát triển mạnh, nhà nước cần quản lý theo quy hoạch, theo kế hoạch nhưng cũng phải theo quy luật của thị trường.
Các diễn giả giao lưu cùng doanh nghiệp
– Được xem là một ngành có tiềm năng rất lớn, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn lâm vào tình trạng khó khăn. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiến công vào lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?
Theo ông Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam đang bị coi là phạm vi lạc hậu, có nhiều rủi ro về thiên tại, dịch bệnh, tỷ giá, năng suất lao động, rủi ro về chính sách, điều kiện tiếp cận cho nông nghiệp khó khăn,… nên việc tiếp cận đầu tư nông nghiệp của doanh nghiệp rất khó khăn.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, ngành nông nghiệp đang chính là lợi thế trong bối cảnh hiện nay nhờ có công nghệ, nhờ có chính sách giá nông sản liên tục giảm. Bên cạnh đó, đến năm 2050, loài người tăng lên 9,7 tỷ người thì sản lượng lương thực thực phẩm phải tăng lên 70% nhưng diện tích đất, nước đều hạn hẹp do đầu tư lĩnh vực khác thì giá lương thực sẽ tăng lên rất cao. Thực tế cho thấy những năm gần đây tình hình biến động, giá lương thực đã thay đổi rất nhiều. Các nước có nguy cơ thiếu lương thực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore…. đã và đang có chiến lược đi tìm đất để đầu tư vào nông nghiệp.
“Khi Hiệp định TPP tới gần, một loạt đối tác lớn ở Nhật Bản đã sang Việt Nam bàn về vấn đề đầu tư vào nông nghiệp. Rõ ràng những đầu óc tính toán khôn ngoan đó đã thấy đầu tư vào nông nghiệp là rất quan trọng bởi trong các ngành, nông nghiệp có hệ số lan tỏa, tạo ra việc làm cho lao động lớn nhất” – ông Đặng Kim Sơn nói.
“Con người (lao động) và nông nghiệp Việt Nam là hai lợi thế. Tại sao chúng ta lại bị hạn chế? Việt Nam hiện đang thực hiện hai chương trình là tái cơ cấu cho nông nghiệp và chương trình nông thôn mới. Diện mạo nông thôn đã thay đổi rất nhiều. Nhưng tất cả người nông dân đều kêu rằng không có thị trường!” – ông Đặng Kim Sơn cho biết – “Mặc dù Hiệp định TPP đang tới gần nhưng nền kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp chưa xuất hiện nhiều. Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng đầu tư vào nông nghiệp hiện nay vừa là thời cơ vừa là thách thức. Chưa bao giờ đất nước cần nông dân, chính phủ cần doanh nghiệp nông nghiệp như bây giờ”.
Ông Sơn thông tin, để số lượng doanh nghiệp tăng như con số kỳ vọng (2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020) và nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân thì không ở đâu lớn bằng việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp chăm chú lắng nghe cuộc trao đổi
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Group cho biết: DN tư nhân thực sự mới lớn lên khi có Luật Doanh nghiệp ra đời. Vậy, tại sao các DN tư nhân lại có được đam mê và nỗ lực quyết liệt để có được thành công như ngày hôm nay. Ông Dương cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chúng ta đã xác định được tư nhân chính là động lực, con người cần phải sống và vươn lên.
Theo ông Dương, một con người Việt Nam sinh ra đã mang kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, trở thành người lãnh đạo DN. Và, chính môi trường văn hóa, môi trường giáo dục sẽ hình thành ra sản phẩm con người. Động lực của con người khi sinh ra đã rất rõ ràng, đó là phải xác định sống, làm việc và có đóng góp. Khi làm DN, con người lại phải quay về triết lý làm thế nào để tạo ra sản phẩm có ích cho khách hàng, và có đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh hội nhập, trách nhiệm của DN càng được đề cao. Sản xuất ra sản phẩm nhưng phải có chất lượng, phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
DN thời nay không chỉ xác định đơn thuần là làm để kiếm tiền, mà còn có ý thức đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Chính vì vậy, các DN mới đau đáu phải làm gì để tạo ra giá trị – đây chính là điều tất yếu để hội nhập. Để hội nhập thành công, DN phải từng bước sản xuất, đầu tư công nghệ, kể cả công nghệ quản trị và thực hiện dịch vụ tốt, có văn hóa, có giá trị thực.“Sản xuất gì cũng được, kinh doanh gì cũng được, miễn là tạo ra được sản phẩm có giá trị, qua đó khách hàng sẵn sàng trả cho ta một khoản tiền lớn hơn công sức của ta” – ông Dương nói.
Liên quan tới việc sản xuất các sản phẩm trong ngành công nghiệp phụ trợ, ông Dương cho rằng, nếu có cơ hội chúng ta hãy cố gắng làm, làm từ công đoạn dễ đến khó. “Nhưng, cho dù làm trong công đoạn nào, chúng ta cũng phải ý thức rằng sản phẩm của chúng ta phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, công tác quản trị công nghệ phải hết sức khắt khe, bên cạnh đó, nhận thức của con người cũng phải tăng cao hơn”– ông Dương khẳng định.
Nhiều thông tin bổ ích đã được đại diện doanh nghiệp cập nhật tại hội thảo
Ông Phương Hữu Việt – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đặc biệt ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Nhà nước cần chủ động được sớm về chính sách đối với doanh nghiệp trong đó có chính sách để ủng hộ doanh nghiệp mới khởi nghiệp.
Về việc mở ngân hàng đầu tư ở Việt Nam, theo ông Phương Hữu Việt, hiện nay Luật tổ chức tín dung mới có ngân hàng thương mại, chưa có luật cho ngân hàng đầu tư và chúng ta đang nghiên cứu. “Chúng tôi đa phần đều trưởng thành từ doanh nhân trẻ và tự mày mò để trưởng thành. Vì vậy, tôi có lời khuyên cho các bạn trẻ mới khởi nghiệp điều quan trọng bậc nhất là xác định được lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh của mình, sau đó có thể tự mình bỏ vốn hoặc tìm thêm đối tác đầu tư” – ông Việt chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ, nếu DN Việt Nam không thể chiếm lĩnh thị trường thì đến một thời điểm nào đó, ngay tại quê hương mình, chúng ta sẽ đánh mất thị trường, đánh mất thương hiệu của chúng ta.
Theo bà Huyền, việc Bộ Công thương đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam rất đáng hoan nghênh, song Bộ phải làm sao thay đổi được nhận thức của người Việt Nam, để người Việt Nam không chỉ dùng hàng Việt Nam mà phải dùng cả chuỗi cung ứng và dịch vụ của Việt Nam, có như vậy, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam mới có thể đến được với người tiêu dùng trong nước.
Liên quan đến câu hỏi trách nhiệm của Quốc hội về giám sát Chính phủ và Quốc hội ban hành, thực hiện các văn bản luật như thế nào, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho biết: Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung đã theo dõi rất sát sao việc ban hành các văn bản. Trong Quốc hội cũng có hơn 40 đại biểu là doanh nhân. Họ thường xuyên đưa việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm tại các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể để từng bước khắc phục việc này, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.
Ông Phúc hy vọng, thời gian tới, VCCI với vai trò là cơ quan đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ để thúc đẩy hơn nữa việc ban hành các văn bản pháp luật để luật sớm được đi vào đời sống.
Chia sẻ tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bày tỏ: “tôi rất buồn khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã ra đời, tuy nhiên, việc ban hành hướng dẫn thì chậm trễ. Sau việc xếp hạng CPI, VCCI đã chủ động báo cáo với Chính phủ xếp hạng các bộ ngành về thực hiện pháp luật ở các địa phương, chỉ số MEI (chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ) thì hầu hết các bộ ngành đều đạt mức độ 5-6 điểm. Điều đó cho thấy các bộ, ngành còn rất nhiều dư địa để hoàn thành thể chế. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiến hành điều tra lấy ý kiến của doanh nghiệp trong ngành thuế và hải quan, xem xét mức độ thực hiện quá trình được đề ra từ nghị quyết 19 như thế nào?”.
Chủ tịch VCCI cho biết thêm, “chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội thi đua yêu nước lần đầu tiên của khối doanh nghiệp doanh nhân và tôi muốn nói, trong bối cảnh hiện nay làm giàu là yêu nước, yêu nước là phải làm giàu, là phải giúp đất nước giàu mạnh, tạo việc làm cho người dân. Tôi cũng mong Đảng và Nhà nước đặt niềm tin ở nhân dân, tin ở sự nghiệp làm giàu của nhân dân và tin ở lực lượng kinh tế tư nhân”.
Theo: Enternews.vn