Đây là một trong các nội dung trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 41 vào tháng 9 này.
Cụ thể, nếu chi phí trả tiền lãi cho các khoản vốn vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (tức tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 5:1) đối với lĩnh vực sản xuất; vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu ( tỷ lệ 4:1) đối với lĩnh vực còn lại sẽ không được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Kể từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ khống chế này sẽ giảm xuống còn 4:1 và 3:1.
Mục tiêu của chính sách là hạn chế tình trạng đi vay quá nhiều, đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp, phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ sản xuất kinh doanh và góp phần giảm rủi ro nợ xấy cho hệ thống ngân hàng. Đặc biệt quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng chuyên giá thông qua việc cho vay nội bộ nhằm chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu trong diện “chịu trận”
Thống kê từ báo cáo tài chính của các DNNY cho thấy, tại thời điểm 30/06/2015, có 11 doanh nghiệp đang có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu trên 5 lần và gần 20 doanh nghiệp có tỷ lệ này ở mức từ 2,76 lần đến 3,94 lần.
Đáng chú ý, chiếm số đông trong đó là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.
CTCP Lương Thực Vĩnh Long (mã: VLF) dẫn đầu về tỷ lệ này trong số các doanh nghiệp được thống kê: 78 lần.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2015, VLF đang có gần 290 tỷ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong khi vốn chủ sở hữu chưa đầy 4 tỷ do khoản lỗ lũy kế hơn 153 tỷ đồng.
Công ty cho biết, nguồn vốn kinh doanh gần như bị bế tắc do tất cả các ngân hàng đều ngưng tài trợ mua vào (ngoại trừ hỗ trợ đợt mua tạm trữ vụ đông xuân theo chỉ đạo của Chính phủ hồi đầu năm). C ông ty gần như hoạt động cầm chừng, chủ yếu tập trung thu hồi công nợ, bán hàng tồn kho và các tài sản sử dụng không hiệu quả để trả nợ vay ngân hàng
Cổ phiếu này đã bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 14/04/2015 do LNST công ty mẹ, LNST chưa phân phối 6 tháng đầu 2015 âm.
Vinaconex 5 (mã: VC5) có tỷ lệ cao thứ nhì với 13,7 lần. Cổ phiếu này cũng đã bị kiểm soát từ 26/08/2015 do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2015.
Hàng tồn kho và dư nợ các tổ chức tín dụng lớn, nợ phải thu ở mức cao dẫn tới chi phí tài chính và chi phí khác cao. Công ty này cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại nguồn lực tài chính, giải quyết dứt điểm các khoản công nợ kéo dài và giảm nợ vay giảm chi phí tài chính.
Những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu trên 5 lần:
Trong số những DNNY có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu từ 2,7 – 5 lần, một số cái tên được chú ý nằm trong ngành dệt may là TNG có tỷ lệ 3,3 lần hay HVG với tỷ lệ 2,6 lần.
Tuy nhiên, do đây là doanh nghiệp sản xuất nên theo dự thảo nói trên, từ năm 2016 – 2018, tỷ lệ khống chế của doanh nghiệp là 5 lần và từ năm 2019 là 4 lần. Do đó, nếu các doanh nghiệp được giữ tỷ lệ này ổn định, dự thảo sẽ không có ảnh hưởng đến chi phí lãi vay của họ.
Dự thảo cũng cho biết thống kê sơ bộ số liệu của 57/85 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc bộ, UBND tỉnh.
Theo đó, tình hình dư nợ vay bình quân trên vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2014 như sau: có 2 doanh nghiệp có hệ số lớn hơn 5 (1 đơn vị xây dựng và 1 đơn vị kinh doanh xăng dầu), 6 doanh nghiệp có hệ số từ 3 đến 5 (chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng) và 49 doanh nghiệp có hệ số nhỏ hơn 3.
Khi tỷ lệ nợ vay bị khống chế
Sử dụng vốn vay là một trong những cách tạo ra “lá chắn thuế” cho doanh nghiệp, làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Nếu dự thảo được thông qua và áp dụng vào thực tế, chi phí lãi vay mà doanh nghiệp được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ nằm trong các khoản vay thỏa mãn tỷ lệ quy định, còn khoản chi lãi vay vượt trên tỷ lệ này sẽ không được khấu trừ. Do đó, chi phí thuế của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu trên 5 lần được thống kê bên trên, chi phí tài chính là một gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến con số lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, do vốn chủ không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp chỉ có cách đi vay vốn. Và khi có thêm một phần chi phí lãi vay không được khấu trừ thuế, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với gánh nặng.
Để giảm tỷ lệ này, doanh nghiệp chỉ có thể giảm vay nợ hoặc tăng vốn chủ sở hữu. Nhưng nhiệm vụ này đối với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh “bết bát” càng khó khăn hơn.
Theo: Tri thức trẻ