Chưa bao giờ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có sự bình đẳng, khi khu vực doanh nghiệp nhà nước được khẳng định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Ảnh: Uyên Viễn
|
Có. Đây là mô hình mà các nhà kinh tế hàn lâm của Ngân hàng Thế giới luôn cổ xúy cho Việt Nam và các nền kinh tế đang phát triển trong vài thập kỷ qua. Cách tiếp cận này cho rằng các quốc gia đang phát triển còn nhiều khiếm khuyết trong các yếu tố cấu thành nền kinh tế thị trường nên nhà nước phải đóng vai trò nhất định trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng, hệ thống bệnh viện, trường học để tạo lập và cung cấp một môi trường đầu tư thân thiện cho khu vực tư nhân. Các nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây có nói đến thuật ngữ nhà nước kiến tạo phát triển thay cho một nhà nước chỉ huy chắc cũng hàm ý mô hình này. Các thành quả đạt được trong thời gian qua như số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng phát triển cùng với hàng loạt cải cách thủ tục hành chính cho thấy cách tiếp cận kinh tế thị trường theo kiểu này có kết quả bước đầu tương đối khá.
Không. Mặc dù là định chế luôn tư vấn cho Việt Nam đi theo mô hình kinh tế này nhưng tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu mới được tổ chức tuần rồi, ông Sandeep Mahajan, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, lại khẳng định “chưa bao giờ giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp tư nhân có sự bình đẳng”. Về phía Việt Nam, các văn kiện chính thức luôn khẳng định vai trò chủ đạo của DNNN. Sự công khai như thế đồng nghĩa với hàm ý không thể nào có chuyện khu vực không chủ đạo là kinh tế tư nhân lại bình đẳng với khu vực các DNNN giữ vai trò chủ đạo.
2. Mô hình sự lựa chọn trong chính sách công (Public-choice approach)
Có. Mô hình này xuất phát từ lý thuyết sự lựa chọn trong chính sách công (Public-choice theory). Theo đó các chính trị gia hay công chức nhà nước chẳng qua cũng chỉ là con người kinh tế chứ không phải là những chính trị gia lãng mạn hay thần thánh gì cho cam. Các hành động của họ luôn dựa trên những kỳ vọng hợp lý với nguyên lý tối đa hóa lợi ích hữu dụng cho riêng bản thân mình thay vì cho người dân và xã hội. Nguồn lực xã hội vì vậy luôn bị phân bổ một cách méo mó, tùy tiện và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển dài hạn của một quốc gia.
Vấn đề nhóm lợi ích cấu kết với các giới chức chính quyền tạo ra các đặc quyền đặc lợi làm giàu bất chính đã được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước công khai chính thức nhiều lần trước công chúng. Chủ nghĩa tư bản thân hữu có xu hướng ngày càng nguy hiểm ở chỗ họ có mong muốn tột cùng là tối đa hóa lợi ích bản thân trong thời gian ngắn nhất. Kinh doanh đất đai, mua bán dự án hay đào tài nguyên lên để bán là con đường cực ngắn và dễ dàng nhất để tối đa hóa lợi ích bản thân. Mô hình này đặt trong bối cảnh Việt Nam phải hiểu đúng là mô hình dĩ công vi tư [lấy của công làm của tư].
Không. Ở Việt Nam, các chính trị gia và công chức luôn được đào tạo với kỳ vọng trở thành những nhà chính trị lãng mạn chứ không phải là con người kinh tế (Politics without romance). Còn nếu họ có tham nhũng thì sẽ có công cụ phòng ngừa hữu hiệu là luân chuyển cán bộ cùng với hàng loạt cơ chế giám sát nội bộ phức tạp để ngăn ngừa không cho điều này xảy ra. Họ còn thường xuyên được huấn luyện thông qua các phong trào học tập rầm rộ. Mô hình dĩ công vi tư vì vậy sẽ không thể tồn tại hay chí ít khó có đất sống ở Việt Nam. Hệ thống lý thuyết của Nhà nước kỳ vọng là như vậy!
3. Mô hình thay đổi cấu trúc (Structural-change model)
Có. Mô hình này có nguồn gốc từ các lý thuyết cho rằng các quốc gia chậm phát triển cần phải tập trung vào việc thay đổi cấu trúc kinh tế nội địa từ việc lệ thuộc nặng vào nông nghiệp để chuyển sang một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ phát triển đa dạng hóa. Cách nay vài chục năm Việt Nam đã phát triển theo mô hình này nhưng cho đến giờ vẫn còn nhiều méo mó: nông nghiệp vẫn là một nền sản xuất nhỏ tiểu nông còn công nghiệp cũng chỉ biết gia công lắp ráp với giá trị gia tăng vô cùng thấp. Để chỉnh sửa các méo mó này, gần đây Việt Nam công bố với người dân và thế giới mình đang chuyển sang mô hình mới để tái cấu trúc sâu rộng nền kinh tế với các trọng tâm ưu tiên là tái cấu trúc DNNN, tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc hệ thống tài chính.
Không. Tái cấu trúc DNNN nói thẳng là thất bại khi các chỉ tiêu cổ phần hóa DNNN hàng năm đều không bao giờ đạt được mục tiêu. Tái cấu trúc đầu tư công cũng có số phận tương tự khi các địa phương vẫn đầu tư tràn lan, ngân sách nhà nước ngày càng phình to, bội chi ngân sách, nợ công ngày càng có xu hướng đáng ngại. Tái cấu trúc hệ thống tài chính và ngân hàng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng với tình trạng sở hữu chéo vẫn vô cùng phức tạp. Đối với hệ thống tài chính, tình trạng còn đáng ngại hơn, với việc nền kinh tế vẫn dựa vào kênh huy động vốn thông qua ngân hàng là chủ yếu, thay vì thông qua kênh thị trường chứng khoán. Nhìn chung quá trình tái cấu trúc hiện nay có thể khái quát lại thành ba không: không có chủ thể chỉ huy (đầu tư công), không có phương tiện (không có hệ thống tài chính đúng nghĩa để hấp thu cổ phần phát hành của các DNNN) và không còn động lực tái cấu trúc [sẽ bàn ở phần kết]. Còn về cấu trúc tổng thể của nền kinh tế thì các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn tập trung vào đầu tư tài sản vật chất mà bỏ qua yếu tố đầu tư cho con người, giáo dục và y tế.
4. Mô hình hội nhập kinh tế quốc tế (International-dependence revolution)
Có. Mô hình này dựa trên sự tương thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới nên các nước cần phải mở cửa thị trường để buôn bán và hợp tác qua lại. Thời gian qua Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định mở cửa thương mại quan trọng như WTO cùng với hàng chục Hiệp định Thương mại tự do (FTA), sắp tới sẽ là TPP và hàng loạt những FTA thế hệ mới với một loạt đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU.
Không. Tuy hội nhập nhanh và sâu rộng nhưng về mặt xuất khẩu cũng chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Việt được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA còn thị trường nội địa thì lại tràn ngập hàng hóa và dịch vụ nước ngoài. Điều đáng ngại hơn nữa là sự lệ thuộc ngày càng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc đầy bất ổn và nguy cơ. Hội nhập quốc tế sâu rộng như thế thì có cũng xem như không.
Tăng trưởng thấp dẫn đến hết động lực cải cách thể chế
Tất cả chiến lược và tầm nhìn phát triển hiện nay đều được các nhà lý luận hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ. Nhưng điều mà ai cũng thấy là tất cả đều kiệt sức quá nhanh trước khi đến đích. Cải cách thể chế toàn diện để dẫn đến tăng trưởng là giải pháp ai cũng thấy. Nhưng tại sao nhà nước đã rất quyết liệt cải cách thể chế mà kết quả vẫn không thay đổi bao nhiêu? Mối quan hệ nhân quả ngược từ chiều tăng trưởng đến cải cách thể chế có thể là nguyên nhân chính nhưng chưa bao giờ được các nhà lý luận của nhà nước nhìn nhận thấu đáo. Theo đó, cải cách thể chế dẫn đến tăng trưởng cao và ngược lại khi tăng trưởng [bền vững] ngày càng đuối dần thì cải cách thể chế cũng mất luôn động lực. Chính quyền địa phương và các bộ ngành trung ương có cần cải cách thể chế gì đâu mà nhiệm kỳ này vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Chỉ bằng cách cho thuê đất, chỉ định thầu cho nhanh các công trình lớn hay đào tài nguyên đem bán là hoàn thành ngay sứ mệnh. Chủ nghĩa tư bản thân hữu, các chaebol tư nhân ngày càng phát triển mạnh như hiện nay chính là từ mối quan hệ nhân quả ngược này. Nếu thật sự là như thế thì đó sẽ là nguy cơ lớn nhất cho tăng trưởng.
Theo: TheSaigontimes