Trao đổi với DĐDN, LS Trần Hữu Huỳnh – Phó tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định: sức khỏe về mặt pháp lý là một trong những điều kiện tiên quyết giúp DN phát triển bền vững.
- Kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn. DN sẽ phải đối mặt với những dạng rủi ro pháp lý nào, thưa ông?
Khi thị trường biến động, hoạt động kinh doanh trở nên không bình thường, chắc chắn dẫn đến những bất ổn trong giao dịch kinh tế. Rất nhiều giao dịch sẽ có nguy cơ cao xảy ra tranh chấp, kiện tụng. Với nhiều cấp độ khác nhau, việc tranh chấp trong các giao dịch kinh tế có thể khiến các bên thiệt hại về mặt thời gian, tài chính, hoặc đổ vỡ hoàn toàn giao dịch.
Thông thường, tranh chấp là do DN không dự liệu được đầy đủ các tình huống, không lường trước được các khó khăn để đưa vào trong các điều khoản của hợp đồng. Đến khi phát sinh tranh chấp, DN cũng khó có thể lường trước những rủi ro mà mình gặp phải. Có rất nhiều dạng rủi ro như: nghĩa vụ tài chính phát sinh, người lao động có nguy cơ mất việc, trách nhiệm của cơ quan quản lý DN trước các cổ đông...
Bên cạnh đó, những nguồn cung nguyên liệu đầu vào, nguồn cung vốn cũng chứa đựng rất nhiều nguy cơ bất ổn từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới. Do khó khăn của nền kinh tế trong nước, các quốc gia cũng tăng cường chủ nghĩa bảo hộ hàng hóa, dịch vụ trong nước bằng nhiều chính sách và hàng rào kỹ thuật. Điều này dẫn đến việc cắt giảm, thu hẹp thị trường hàng hóa xuất khẩu.
Nguy cơ của các vụ tranh chấp thị trường, ngành hàng và hợp đồng đơn lẻ đều có thể xảy ra. Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 11, trong đó cắt giảm đầu tư công cũng đang khiến nhiều DN, đặc biệt DN lĩnh vực xây dựng hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn. Không ít các hợp đồng giữa nhà thầu chính, nhà thầu phụ hay chủ đầu tư bị ách tắc hoặc có độ rủi ro cao.
- Để phòng chống các rủi ro về mặt pháp lý, DN nên làm gì, thưa ông?
Kinh nghiệm đối mặt với các rủi ro pháp lý của DN VN chưa nhiều. Tuy nhiên, đợt khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu lần này, DN đã nhìn ra và bắt đầu thích ứng từ khá sớm. Thông qua, những điều tra về chỉ số niềm tin của DN do VCCI tiến hành mấy năm trở lại đây có thể thấy, khá nhiều DN đã có những đánh giá và phòng bị trước các bất ổn của nền kinh tế thế giới.
Theo đánh giá chung, nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều bất ổn, thị trường xuất khẩu chủ yếu sẽ còn nhiều khó khăn, trong thời gian tới. Chính vì vậy, các DN phải có những chiến lược hành động để thích ứng. Cùng với việc xem xét và dự liệu một cách đầy đủ các điều kiện hợp đồng, DN lưu ý khi giao kết hợp đồng kinh tế cần có “điều khoản khó khăn”. Đây là một điều khoản đã được quốc tế hóa từ khá lâu. Theo đó, khi thị trường bị biến động cơ bản, hai bền có quyền ngồi lại để thương lượng thay đổi một số điều khoản trong hợp đồng.
Một động thái khác cũng rất quan trọng đó là DN cần cơ cấu lại chính mình. DN phải xác định đâu là thế mạnh của mình, thị trường mạnh là gì, sản phẩm nào mình có thể chiếm ưu thế... Cùng với đó, các DN cần thiết kế lại mô hình tổ chức sao cho thật hiệu quả, giảm chi phí, phải hướng tới quay nhanh vòng vốn ở mức cao nhất có thể. DN cũng phải theo dõi sát sao các chính sách. Qua đó, DN có thể trực tiếp hoặc thông qua các hiệp hội đóng góp, xây dựng và kiến nghị điều chỉnh ngay từ khi chính sách bắt đầu hình thành.
- Tranh chấp là điều chẳng ai muốn. Tuy nhiên, đôi khi DN không thể né tránh được. Theo ông, DN cần phải làm gì đứng trước các vụ tranh chấp thương mại?
Khi xảy ra tranh chấp, cách tốt nhất là các bên cùng ngồi lại với nhau. DN cần có văn hóa đồng cảm trong kinh doanh. Các bên nên cùng nhau chia sẻ. Với một thái độ thận thiện, việc giải quyết sẽ trở nên suôn sẻ và hiệu quả hơn cho cả hai bên. Vì khi đã phải kiện tụng, đã phải ra tòa thì chắc cả hai bên đều phải chịu thiệt, dù ít hay nhiều. Nếu buộc phải giải quyết bằng kiện tụng, tôi cho rằng, DN nên lựa chọn hình thức trọng tài kinh tế. Đây là hình thức giải quyết nhanh chóng, đơn giản và đỡ tốn kém hơn cho DN.
Với những vụ kiện tranh chấp mang tính quốc tế, DN nên chú ý tới những yếu tố minh bạch và rõ ràng của hồ sơ, số liệu, chứng cứ. Trong giải quyết tranh chấp quốc tế, đây là những yêu cầu cần đặc biệt lưu tâm. Ngoài ra, các DN cần phải tranh thủ vai trò của các hiệp hội DN đối tác ở nước ngoài để cùng nhau hỗ trợ bảo vệ lợi ích chung cho cả hai bên. Rồi đến vai trò của các cơ quan đại diện thương mại, đại sứ, và cả các cơ quan quản lý cạnh tranh trong nước, tổ chức đại diện cho DN... đều rất quan trọng.
- Nói đến giải quyết tranh chấp quốc tế, không thể không nói tới vai trò của hiệp hội DN, thưa ông?
Trước tiên, hiệp hội DN cần là cơ quan phòng ngừa các tranh chấp. Hiệp hội cần hướng dẫn hội viên mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời điều tiết giá cả. Đây là những công việc không đơn giản là việc mua gì bán gì mà còn là mua bán ra làm sao cho hiệu quả và tránh được những tranh chấp có thể xảy ra. Hiệp hội cũng nên tranh thủ các chuyên gia, luât sư quốc tế từ việc tư vấn về tranh chấp đến chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết...
Khi có vấn đề xảy ra tranh chấp hoặc bảo vệ quyền lợi hội viên, hiệp hội phải là những chỗ dựa tin tưởng và làm việc hết mình vì hội viên. Qua đó, các hội viên mới tin tưởng đóng góp các nguồn lực, đóng góp tài chính để hiệp hội đủ sức mạnh vươn ra va trạm với quốc tế.
Hiệp hội cũng cần tham gia đóng góp, xây dựng chính sách quản lý một cách mạnh mẽ hơn nữa, vừa giúp giảm thiểu các tranh chấp vừa tạo điều kiện thông thoáng trong hoạt động của DN. Tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức trong nước như các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, hiệp hội DN trong và ngoài nước và VCCI là một trong những điều tạo nên sức mạnh của hiệp hội.
- Với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng DN, doanh nhân cũng như các hiệp hội DN ngành nghề, VCCI nên ưu tiên những hoạt động nào để hỗ trợ các DN, thưa ông?
Thời gian vừa qua, VCCI đã có rất nhiều hoạt động để hỗ trợ DN về mọi mặt trong đó có pháp lý. Một trong những nhiệm vụ được VCCI ưu tiên là xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho DN. Ba nội dung cơ bản được VCCI tập trung đóng góp xây dựng là minh bạch trong điều hành, tự do trong kinh doanh và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
Thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức tham gia đóng góp xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật, rà soát và kiến nghịa sửa đổi hệ thống pháp luật... những hoạt động trên đang nhận được sử ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng DN. Bên cạnh đó, VCCI cũng là cầu nối để DN và các cơ quan quản lý cùng ngồi lại tháo gỡ khó khăn một cách nhanh chóng và hiệu quả cho DN. Nhìn chung, sức khỏe DN về mặt pháp lý luôn là một nội dung được VCCI ưu tiên hỗ trợ, chăm sóc.
- Xin cảm ơn ông !
Diễn đàn doanh nghiệp