Nhiều DN đã có lợi nhuận ấn tượng trong 6 tháng đầu năm do được hưởng lợi từ việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu quý III các DN này có được hưởng lợi từ yếu tố này hay ko?
Trong Top 10 DN có mức thu nhập trên mỗi cổ phần ấn tượng 6 tháng đầu năm 2009 (tính theo số liệu cập nhật đến ngày 30/7), nhiều DN công bố lợi nhuận ấn tượng chủ yếu do được hưởng lợi từ việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào (vì đã dự trữ nguyên vật liệu từ khi giá thấp). Đây chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu nhóm này tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Câu hỏi đặt ra là liệu quý III, các DN có tiếp tục được hưởng lợi từ yếu tố này hay không?
Những con số ấn tượng
Năm nay, dù chưa công bố hết nhưng theo thống kê sơ bộ, đã có nhiều DN có mức lợi nhuận đột biến so với con số dự kiến và cùng kỳ. Điển hình trong số này chính là cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng, với mức thu nhập trên mỗi cổ phần 6 tháng đầu năm lên tới 11.362 đồng. Từ năm 2007 tới nay, EPS 6 tháng đầu năm của DRC liên tục tăng từ mức 2.440 đồng lên 2.819 đồng năm 2008 và năm nay là 11.362 đồng.
Theo các báo cáo từ phía DRC, việc tăng doanh thu, lợi nhuận trong các năm vừa qua của DRC là do Công ty đã không ngừng mở rộng sản xuất, tăng doanh thu bán hàng, bên cạnh việc tăng tỷ lệ sinh lời trên doanh thu. 6 tháng đầu năm 2009, sự đột biến doanh thu của DRC được tính từ 3 yếu tố: tăng lượng bán hàng, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và hưởng lợi từ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.
Với VIS - CTCP Thép Việt Ý, 6 tháng đầu năm 2009, Công ty cũng đạt mức lợi nhuận ấn tượng lên tới 113,412 tỷ đồng, với mức thu nhập trên mỗi cổ phần là 7.561 đồng. Trong khi đó, cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2008, thu nhập trên mỗi cổ phần của VIS chỉ là 2.610 đồng.
Tương tự như vậy, cổ phiếu hai DN ngành nhựa là NTP và BMP cũng có mức tăng lợi nhuận ấn tượng với thu nhập trên mỗi cổ phần tính cho 9 tháng đầu năm lần lượt là 7.439 đồng và 7.663 đồng.
Kỳ vọng cuối năm
Trong báo cáo kết quả kinh doanh của DRC, doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2008 là 120 tỷ đồng, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào giảm 79,53 tỷ đồng, chưa kể Công ty còn tiết kiệm được hơn 7 tỷ đồng chi phí lãi vay. Với DRC, triển vọng KQKD 6 tháng cuối năm 2009 khá tốt do ngay trong Nghị quyết HĐQT Công ty hồi đầu tháng 7, Ban lãnh đạo DRC đã đặt mục tiêu lãi 6 tháng cuối năm 130 tỷ đồng.
Con số này với DRC là khả thi bởi Công ty đã có sự chuẩn bị khá kỹ về mặt nguyên liệu đầu vào với giá thành rẻ, chưa kể yếu tố tỷ giá USD/VND tăng (mặc dù Công ty cũng có khoản vay nợ ngắn hạn lên tới 5,88 triệu USD và vay dài hạn 8,3 triệu INR, 2,74 triệu USD).
Với VIS, liệu lợi nhuận đột biến quý II có còn tiếp diễn trong quý III/2009? Căn cứ trên BCTC quý I và quý II/2009 của VIS, giả thiết Công ty vẫn giữ nguyên cơ cấu chi phí nguyên vật liệu trực tiếp chiếm 95% giá thành (theo Bản cáo bạch). Khi đó, lượng nguyên vật liệu mua mới trong quý II ước tính khoảng 685,422 tỷ đồng, trong đó có 383,274 tỷ đồng mua theo giá đã ký hợp đồng quý I/2009. Như vậy, khoảng 302 tỷ đồng nguyên vật liệu mua theo giá cao, tức VIS không còn được hưởng lợi từ việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào của giai đoạn trước quý II.
Trong khi đó, cơ sở tạo dựng lãi đột biến củaVIS trong quý II chính là việc tích trữ được nguyên vật liệu đầu vào từ quý I với giá thành thấp (theo giải trình từ phía Công ty là giá phôi thép tăng từ mức hơn 300 USD/tấn cuối năm 2008 lên hơn 500 USD/tấn cuối quý II/2009). Như vậy, lượng nguyên vật liệu khoảng 193,662 tỷ đồng hàng tồn kho và 98,203 tỷ đồng tạm ứng cho người bán (số liệu Công ty công bố trong BCTC quý II) đã/sẽ được giao dịch với giá cao hơn, chỉ có thể tiếp tục mang lại lợi nhuận lớn cho VIS nếu giá thép tiếp tục tăng. Trong tình huống ngược lại, khả năng duy trì lợi nhuận lớn hoặc đột biến sẽ từ mảng kinh doanh chính khó có thể xảy ra.
Với trường hợp của NTP, BMP, lợi nhuận lớn thu được của quý II chủ yếu do tác động của việc tăng giá xăng dầu, dẫn đến tăng giá nguyên vật liệu đầu vào trong khi các DN còn dự trữ hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong quý III, lợi nhuận này dự báo khó có thể duy trì con số ấn tượng như vậy.
Trong quý II/2009, doanh thu thuần của BMP đã tăng 107,47 tỷ đồng so với quý I/2009, tương đương mức tăng 55,96% nhưng giá vốn hàng bán chỉ tăng 55,88 tỷ đồng, tương đương 43,61%, đã giúp BMP tăng lợi nhuận gộp quý II so với quý I hơn 51 tỷ đồng. Tương tự với trường hợp của NTP, doanh thu thuần quý II tăng 125 tỷ đồng so với quý I/2009, tương đương mức tăng 44,69%, trong khi giá vốn hàng bán tăng 54 tỷ đồng, tương đương mức tăng 29,59%.
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Bản Việt, giá nguyên vật liệu trong ngành nhựa quý II đã tăng bình quân 13% so với quý I, tăng khoảng 37% so với bình quân năm 2008 trong khi giá bán sản phẩm đầu ra tăng khoảng 6%. Chính vì 2 DN trên đã dự trữ nguyên liệu giá rẻ từ quý I, nên thu được lợi nhuận lớn trong quý II so với các DN khác cùng ngành.
Với trường hợp của NTP và BMP, giả thiết chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm khoảng 75% giá vốn hàng bán, ta có thể tạm tính lượng nguyên vật liệu nhập vào trong quý II của 2 DN trên như sau: với BMP, lượng nguyên vật liệu nhập trong kỳ ước tính khoảng 161,524 tỷ đồng, với 18,025 tỷ đồng tiền tạm ứng từ cuối quý I, BMP đã phải mua nguyên vật liệu khoảng 140 tỷ đồng với mức giá của quý II (tức là cao hơn so với quý I). Với trường hợp của NTP, ước tính từ báo cáo tài chính quý I và quý II cho thấy, lượng nguyên vật liệu nhập quý II khoảng 138,522 tỷ đồng.
Như vậy, trong số 167,8 tỷ đồng hàng tồn kho cuối quý II chỉ có khoảng gần 30 tỷ đồng lượng nguyên liệu tính nhập theo giá của quý I, bằng xấp xỉ 20% giá trị nguyên vật liệu cần cho sản xuất của quý III (giả thiết sản lượng của DN là không đổi). Như vậy, nếu giá nguyên vật liệu không diễn biến theo hướng có lợi cho lượng hàng tồn kho, BMP sẽ không thể thu lợi nhuận đột biến từ hoạt động chính như trong quý II.
Với NTP, với lượng tồn kho cuối quý II là hơn 129 tỷ đồng, NTP ước tính có trên 100 tỷ đồng nguyên vật liệu nhập theo giá của quý II, cao hơn giá quý I, nên dự đoán NTP hầu như không còn nguyên vật liệu đầu vào mua giá thấp (của quý I). Do đó, kỳ vọng lợi nhuận tăng đột biến của quý III nhờ việc tích lũy nguyên vật liệu tồn kho sẽ khó duy trì nếu giá nguyên liệu ngành nhựa không tiếp tục tăng lên.
Tương quan KQKD 6 tháng đầu năm 2008 - 2009
Mã chứng khoán |
LNST 6 tháng đầu năm 2008 |
EPS 6 tháng đầu năm 2008 |
LNST cả năm 2008 |
EPS cả năm 2008 |
LNST 6 tháng đầu năm 2009 |
EPS 6 tháng đầu năm 2009 |
BMP |
51,386 |
3.051 |
110,662 |
7.192 |
129,110 |
7.663 |
DRC |
36,752 |
2.819 |
51,789 |
3.366 |
174,797 |
11.362 |
NTP |
90,560 |
4.198 |
151,743 |
7.003 |
161,204 |
7.439 |
VIS |
39,143 |
2.610 |
131,210 |
8.747 |
113,412 |
7.651 |
(nguồn: các BCTC, đơn vị: tỷ đồng, EPS đơn vị: đồng)
Top 10 DN có EPS 6 tháng đầu năm 2009 lớn nhất
Mã CK LNST quý I 2009 (tỷ đồng) LNST quý II 2009 (tỷ đồng) EPS 6 tháng đầu năm 2009 (đồng) 1 DRC 30,907 143,890 11.362 2 DTC 3,253 4,972 8.225 3 BMP 40,906 88,204 7.663 4 VIS 10,308 103,104 7.561 5 NTP 54,404 106,800 7.439 6 VTS 3,349 5,673 7.264 7 VSC 24,114 43,492 7.098 8 TCT 16,174 3,178 6.053 9 VNM 485,425 564,489 5.978 10 RCL 7,656 6,828 5.794
Nguồn: Stox.vn, cập nhật đến 16 giờ ngày 30/7/2009
Theo ĐTCK