Phó giáo sư trẻ nhất ngành kinh tế VN: Đại học với tôi không có nhiều ý nghĩa
PGS.TS Lê Quân sinh năm 1974 tại Hà Nội, là tiến sĩ trẻ nhất được phong hàm Phó giáo sư vào năm 2009, từng giảng dạy 6 năm tại các trường ĐH của Pháp.
PGS.TS Lê Quân sinh năm 1974 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp trường ĐH Thương mại năm 1996, nhận bằng MBA năm 1998, thạc sĩ chiến lược năm 1999 và tiến sĩ năm 2003 tại Pháp. Năm 2009, anh được phong hàm PGS trẻ nhất ngành kinh tế của Việt Nam.

 

Về nước được đề bạt làm trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp (trường ĐH Thương mại) nhưng lại quyết định ra mở trường đào tạo riêng vì thích tự do làm điều mình muốn, PGS.TS Lê Quân khiến không ít người bất ngờ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với vị PGS trẻ tuổi này về tính tự chủ của người trẻ trong thời đại toàn cầu hóa.

Đại học với tôi không có nhiều ý nghĩa

- Nhận bằng tiến sĩ năm 28 tuổi, 7 năm sau được phong hàm PGS, có vẻ như “sự học” của anh gặp khá nhiều thuận lợi?

- Thực ra, sau khi tốt nghiệp cấp 2, bố mẹ có hỏi tôi thích học trường làng hay trường chuyên? Khi đó, tôi đã chọn trường làng vì muốn học cùng những người bạn từ thuở nhỏ. Tốt nghiệp cấp 3, tôi không thi ĐH ngay mà đi làm công nhân cho một khu công nghiệp trong khoảng thời gian gần nửa năm. Mỗi ngày kiếm được khoảng 10.000 đồng/ca. Hồi đó, tôi ham lao động lắm nên đề xuất được làm việc hai ca/ngày, từ 6h30 sáng đến 10h tối mới về.

- Tại sao anh không thi ĐH luôn năm đầu tiên mà lại quyết định đi làm công nhân?

- Bạn bè tôi ngày bé thường có hai xu hướng. Những ai được định hướng tốt thì sẽ thi ĐH luôn. Nhóm khác có cá tính mạnh hơn thì đi lính. Tôi không thuộc nhóm nào nên ở nhà đi làm (cười). Hơn nữa, trong suy nghĩ của tôi ngày đó, ĐH không có nhiều ý nghĩa lắm.

- Vậy khi đó, điều gì có ý nghĩa với anh hơn?

- Có lẽ là lao động. Cũng phải nói thêm rằng, nhờ có lao động mà tôi nghiệm ra, khi làm bất cứ công việc gì dù đơn giản cũng cần tuân thủ kỷ luật và có sự sáng tạo. Đó còn là cảm nhận về giá trị của thời gian. Tuổi trẻ là quãng thời gian để bạn làm điều gì đó cho riêng mình (dù với người khác, điều đó có thể thật… điên rồ!). Tất cả những điều đó giúp tôi hiểu ra: Cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi mỗi người biết sống vì ít nhất một điều gì đó. Tuy nhiên, cũng cần phải có cái nhìn thực tế để không bị rơi vào trạng thái bi quan và thất vọng.

Xã hội đang “đóng cửa” với giáo dục

- Gần 15 năm làm trong ngành, theo anh hạn chế của giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay là gì?

- Tôi có may mắn được học tập, giảng dạy hơn 6 năm ở nước ngoài nên bản thân nghĩ giáo dục ĐH ở Việt Nam vất vả hơn. Sở dĩ như vậy là bởi ở nước ngoài người ta chú trọng giáo dục tính tự chủ/chủ động cho sinh viên. Họ luôn lấy người học làm trung tâm, do đó người giáo viên rất nhàn. Thời gian lên lớp của sinh viên ít, ở thư viện và đi thực tế thì nhiều hơn.

Theo tôi, giáo dục ĐH ở Việt Nam có mấy hạn chế lớn: thứ nhất là sức ỳ của sinh viên từ thời học phổ thông khiến họ rất khó thay đổi để thích nghi với đổi mới phương pháp học tập.

Thứ hai là số lượng giáo viên đáp ứng được khả năng giảng dạy theo phương pháp đổi mới giáo dục ĐH là chưa nhiều. Ở Việt Nam có hai lứa giảng viên, một quá già thì bị vắt kiệt sức lao động, một quá trẻ lại thiếu cả kinh nghiệm lẫn chuyên môn. Số lượng giảng viên có khoảng 10 năm kinh nghiệm, có chuyên môn vững vàng và ngoại ngữ tốt là không nhiều. Đây thực sự là lỗ hổng lớn.

Thứ ba là cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu/giảng dạy còn lạc hậu. Số lượng sinh viên một lớp ở trường công lập thường rất đông. Tất cả những hạn chế đó khiến sản phẩm đầu ra của giáo dục Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

- Theo anh, xu hướng các trường ĐH đào tạo đa ngành có phù hợp với điều kiện ở Việt Nam hiện nay không?

- Ở nước ngoài, các trường công lập thường là đa ngành, đa nghề. Còn các trường tư thục, bán công thì tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu như thương mại, y tế, giáo dục... Nhắc tới lĩnh vực nào là có trường chuyên về lĩnh vực đó.

Thế nhưng, ở nước ta hiện nay, hễ trường nào mở ra là y rằng sẽ đào tạo đa ngành, trường nào cũng muốn là nơi nghiên cứu khoa học đẳng cấp, trường nào cũng muốn có số lượng sinh viên lớn. Ví như khi tôi gặp một số vị hiệu trưởng ở Việt Nam, rất ít khi thấy họ nói sinh viên của mình ra trường sẽ làm việc như thế nào, mức lương bao nhiêu… Thường họ sẽ nói về quy mô đào tạo, số lượng sinh viên… Theo tôi thì đó là xu hướng chưa phù hợp.

- Hiện nay, quy mô tuyển sinh của các trường đều tăng. Hàng năm có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng các doanh nghiệp thì vẫn không thể tuyển được nhân viên tốt. Theo anh, hiện tượng này có nguyên do từ đâu?

- Đó là bởi các trường ĐH đang “đóng cửa” với xã hội, nghĩa là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa được tốt. Bản thân các doanh nghiệp tuyển người rồi khi sinh viên không đáp ứng được yêu cầu lại quay sang chê trường dạy kém, nhưng họ không nhìn được trách nhiệm của mình trong việc đó. Ví dụ, rất nhiều công ty sẵn sàng đóng dấu cho sinh viên là đã trải qua thực tập vì mối quan hệ. Thế nhưng trên thực tế, sinh viên đó có khi chẳng tới công ty lấy một buổi. Vô hình chung doanh nghiệp đang “đá bóng” sang cho các trường ĐH. Ở nước ngoài, nhà nước còn bắt doanh nghiệp phải đóng thuế khi sử dụng lao động qua đào tạo để đầu tư ngược trở lại cho các trường.

Để trở thành “sinh viên loại 1”

- Nhiều năm làm trong lĩnh vực tư vấn tuyển dụng, anh thấy sinh viên Việt Nam còn yếu điểm gì phổ biến?

- Tôi nghĩ hiện nay, cơ hội và thách thức dành cho sinh viên đều rất nhiều. Quan trọng là các bạn có biết năm bắt cơ hội và dám vượt qua thử thách hay không. Trong bối cảnh mà ai cũng trông đợi nhà trường sẽ dạy cho mình cái gì thì những sinh viên biết chủ động trong học tập, biết xem xét xã hội cần gì và mình đáp ứng được đến đâu sẽ dễ thành công hơn.

Thêm nữa, vào thời của chúng tôi, để nghe được một bản tin nước ngoài khó lắm, mà làm gì có chỗ mà nghe. Thế mà nhiều sinh viên bây giờ viện lý do không có tiền đi học, trong khi chiếc máy tính nối mạng ở nhà thì dùng để chơi game và chat! Đó là cách tiếp cận sai. Xét cho cùng, sinh viên phải đi vào văn hóa tự học nhiều hơn.

- Theo anh, kỹ năng cần thiết nhất mà một sinh viên nên tự trang bị cho mình trước khi bước vào thế giới việc làm đầy cạnh tranh hiện nay là gì? 

- Quan trọng nhất vẫn là ngoại ngữ, bất kể là tiếng Anh, Trung, Nhật, Đức, Pháp… đều tốt cả. Muốn trở thành công dân toàn cầu thì chắc chắn phải biết ngoại ngữ. Có những vị trí công việc, năng lực của bạn yếu một chút nhưng có ngoại ngữ thì vẫn được nhà tuyển dụng quan tâm. Sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không biết ngoại ngữ thì chỉ là “sinh viên loại 2”.

- Anh có nhắc tới khái niệm “sinh viên loại 2”. Vậy “sinh viên loại 1” là những người như thế nào, thưa anh?

- Đó là những sinh viên sau khi tốt nghiệp thay vì phải đi xin việc, họ có quyền lựa chọn công việc cho mình. Bản thân lao động là hàng hóa. “Sinh viên loại 1” giống như hàng hiếm, khó tìm và khó đào tạo. Bản thân doanh nghiệp sẽ chẳng bao giờ trả lương cao cho một “mặt hàng” dễ kiếm, dễ đào tạo.

- Nếu có thể nói điều gì đó với các bạn sinh viên, anh sẽ nói gì?

- Sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất trong đời mỗi người nhưng cũng là thời điểm đòi hỏi người ta phải lao động nghiêm túc nhất.

Theo GDVN


Các tin khác