Nhân lực thiếu và yếu là một trong những nguyên nhân cản trở dự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, đến nay trên cả nước có khoảng 750 doanh nghiệp hoạt động trong ngành phần mềm với đội ngũ trên 35.000 lập trình viên. Đến năm 2010, yêu cầu đội ngũ lao động trong ngành công nghiệp phần mềm cần đạt khoảng 60.000 người. Nỗi lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư hiện nay là làm thế nào tìm đủ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của họ với chi phí lao động thấp hơn các nước khác.
Thiết vì yếu
Việc này tưởng như vô lý, bởi so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp thì số lượng nhân lực đáp ứng được hàng năm cao hơn nhiều. Hiện cả nước đã có hơn 90 cơ sở đào tạo hệ đại học, gần 400 cơ sở đào tạo hệ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp với con số khoảng 130 nghìn sinh viên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) ra trường mỗi năm.
Nhưng chất lượng nguồn nhân lực kém là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” tại các doanh nghiệp phần mềm hiện nay. Nhiều doanh nghiệp phần mềm cho biết họ phải đào tạo bổ sung cho khoảng 80-90% số sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng trong thời gian ít nhất 1 năm. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn FPT nhận định: “Số sinh viên tốt nghiệp đại học về CNTT vẫn thiếu về số lượng, kém về chất lượng. Đào tạo tiếng Anh cho sinh viên vẫn giậm chân tại chỗ”. Anh Nguyễn Quang Hiển, Giám đốc Công ty phần mềm Vinasoft, cho biết, công ty anh đăng tuyển vị trí kỹ sư phần mềm đã từ nhiều tháng nay với rất nhiều lượt người đến nộp đơn và dự tuyển. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vị trí đó của công ty anh vẫn còn bỏ trống bởi chưa tìm được người ưng ý. “Về mặt bằng cấp và điểm số, có thể nói nhiều em rất khá, nhưng kinh nghiệm làm việc thực tế và kỹ năng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu và mức độ công việc mà công ty đưa ra…”.
Dưới góc độ của những doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào đào tạo, TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT, cũng không giấu nổi nỗi lo ngại của mình khi cho biết trình độ ngoại ngữ của sinh viên ngành CNTT hiện nay đang ở mức báo động. “Trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay, việc xem ngoại ngữ như một môn học - chứ không như một ngôn ngữ sử dụng trong quá trình dạy và học - có thể là sai lầm lớn, dẫn đến tình trạng trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp thuộc loại kém nhất trong khu vực. Theo chuẩn mực quốc tế hiện nay, ngay cả tốt nghiệp phổ thông mà trình độ ngoại ngữ và tin học yếu cũng khó chấp nhận được, chứ đừng nói gì đến tốt nghiệp đại học”.
Cái yếu thứ 2 là các kỹ năng làm việc, bao gồm kỹ năng thực hành và các “kỹ năng mềm” như giao tiếp, trình bày, tự học, làm việc nhóm, ý thức kỷ luật, tính trung thực… đều chưa được chú trọng. Chương trình đào tạo vẫn thiên về định hướng nghiên cứu, mang tính hàn lâm… chứ không phải nhằm mục tiêu đào tạo ra những người có đủ kỹ năng làm trong ngành công nghiệp CNTT.
Giải thích về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, Chủ nhiệm khoa Điện tử Viễn thông - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng đó là do không có tiền để đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục: “Không có tiền thì làm sao có thể mua được thiết bị tốt, mới cho sinh viên học tập. Chúng tôi không thể tự ý thu tiền của sinh viên để mua thiết bị tiên tiến về giảng dạy được. Đó là lý do tại sao sinh viên nhiều khi phải học chay mà ít có thực hành”.
Các chuyên gia IT cũng nhấn mạnh đến việc nhiều giáo viên dạy CNTT nhưng... chưa từng làm việc trong ngành bao giờ - cho nên trò không làm việc được cũng là lý do dễ hiểu. Trong khi đó, bản thân người học lại rất thụ động, chưa thực sự sáng tạo trong việc tìm ra những hướng đi mới và có tính thực tế đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Giải pháp nào?
Lời giải tốt nhất cho tình trạng thiếu hụt này chính là việc các doanh nghiệp phần mềm tham gia trực tiếp vào quy trình đào tạo nhân lực CNTT, bởi hơn ai hết họ là những người hiểu được tiêu chuẩn cần có của một sinh viên sau khi tốt nghiệp là gì.
Tại Hội thảo quốc gia về “Đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT đáp ứng nhu cầu xã hội” tổ chức đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp và các trường đại học đã cùng nhau bàn bạc và đưa ra mô hình “Doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên” để giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực. 34 văn bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT-truyền thông giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông và giữa 7 trường đại học, 3 trường cao đẳng với 31 doanh nghiệp đã được ký kết.
Thực tế cho thấy, có một số doanh nghiệp đã thực sự bắt tay với nhà trường để đào tạo cho nhu cầu của họ và đạt được thành công như FPT, HPT, TMA, Hoa Sen, NIIT, trung tâm IBM tại Việt Nam… Trong khi chương trình đào tạo của nhà trường chủ yếu vẫn mang tính chất hàn lâm và mất nhiều thời gian cho các môn đại cương, chưa sâu sát với thực tế thì chương trình đào tạo của các doanh nghiệp lại mang tính chất khá thực dụng, đáp ứng trực tiếp yêu cầu của công việc. Ví dụ như chương trình đào tạo của trường đại học FPT gồm 4 giai đoạn, trong đó 2 giai đoạn đầu tập trung vào giảng dạy nền tảng CNTT, ngoại ngữ (Anh + Nhật) và các kỹ năng mềm khác. Giai đoạn 3, sinh viên sẽ học trong môi trường làm việc thực tế tại công ty FPT Software kéo dài 1 năm, sau đó sẽ quay lại trường học quản trị dự án, chuyên ngành hẹp và làm đồ án tốt nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp còn chủ động nhận sinh viên vào kiến tập, thực tập và đào tạo ngay tại chỗ và nhờ đó mà có rất nhiều sinh viên đã tìm được việc làm ngay tại nơi mình thực tập. Anh Mạnh Cường (Công ty phần mềm P&T) cho biết, trước đây anh rất thiếu tự tin vì mình chỉ học CNTT ở một trường dân lập nên sợ không xin được việc. Sau đó anh đã xin thực tập tại P&T Group, được trực tiếp đào tạo và thấy công việc thực tế khác xa so với những kiến thức học ở trường. “Nửa năm thực tập ở công ty bằng cả 5 năm học ở trường”, anh tâm sự. Sau khi ra trường, Cường đã được nhận làm việc tại công ty mà không phải dày công đi xin việc như các bạn khác.
Như vậy, tính hiệu quả của mô hình Doanh nghiệp - Nhà trường - Sinh viên là có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn khá lỏng lẻo và thiếu đồng bộ. Phía nhà trường cho biết, họ luôn kêu gọi sự đầu tư về tài chính và kinh nghiệm từ các doanh nghiệp nhưng con số thu về lại chẳng đáng là bao. “Nhiều doanh nghiệp tỏ ra ngần ngại trong việc hợp tác đào tạo khi được mời, mà theo ý kiến chủ quan của tôi thì có lẽ là do họ không muốn chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên và những người đào tạo”. PGS.TS Nguyễn Quốc Trung cho biết. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khi được hỏi lại cho rằng; các trường đại học của chúng ta tỏ ra khá chậm chạp trong việc liên minh với doanh nghiệp. Họ đồng nhất với quan điểm: các bên đều phải chủ động để xích lại gần nhau hơn chứ không thể nói là doanh nghiệp không mặn mà hay có ý giấu nghề.
Như vậy, để giải bài toán nhân lực cho ngành công nghiệp phần mềm hiện nay thì cả nhà trường và doanh nghiệp đều phải chủ động tìm đến nhau. TS Lê Trường Tùng nhận định: “Cũng không còn cách nào khác, không có con đường tắt như nhiều người mơ tưởng. Để đuổi kịp các nước khác, chúng ta chỉ có cách chọn đúng đường đi, sau đó đi thật nhanh… Đầu tư vào giáo dục, dạy nghề cũng chính là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp tự cứu mình”.
Theo An Khánh Doanh Nhân
Admin (Theo cic32)