Khi nhà thầu thi công kiểu cầm cự
Người dân xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề làm đồ gỗ. Cả xã có hàng nghìn hộ dân làm nghề thủ công này.
Môi trường sống của nhiều làng nghề và các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng. Trước tình trạng này, UBND huyện đã tổ chức xây dựng một khu tập trung để người dân làm nghề có thể vào đó làm việc, tránh tình trạng ô nhiễm làng nghề.
Dự án tiềm năng như thế, bao người dân xã Vân Hà ngóng đợi khi nghe tin dự án từ giữa tháng 6/2010. Thế nhưng, đến thời điểm này, phần san nền của dự án cũng chưa được hoàn thiện.
Công trình dự án Vân Hà loay hoay với bài toán chênh giá vật liệu xây dựng thực tế với báo giá của Sở Xây dựng Hà Nội |
Đến 8/4/2011, UBND huyện tổ chức thi công cưỡng chế giải phóng mặt bằng xong thì lúc này giá vật liệu xây dựng bắt đầu lên quá cao so với công bố giá mà Sở Xây dựng đưa ra để thanh tóan cho nhà thầu.
Thế nhưng, vì tiến độ công trình thì công ty vẫn phải túc tắc cố gắng làm những hạng mục chưa cần đến quá nhiều vật liệu xây dựng. Nhưng kể cả ở khâu san nền thì giá nhân công cũng đã tăng chóng mặt lên đến 100 – 150 nghìn/người một ngày công trong khi giá thành phố đưa ra để thanh tóan chỉ đến 78 nghìn/người/ ngày.
Ông Khánh khẳng định, nếu cứ tiếp tục thi công như thế này mà chủ đầu tư cứ “thẳng tay” thanh toán theo công bố giá của Sở Xây dựng Hà Nội thì chắc chắn, với công trình giá trị 54 tỷ đồng, nhà thầu lỗ từ 15 – 20 tỷ đồng.
Với những nhà thầu thi công công trình giá trị càng lớn thì số tiền lỗ càng lớn. Theo nhận định của nhiều đại lý vật liệu xây dựng, giá các loại vật liệu xây dựng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa để đón tết của người dân tăng mạnh và nhiều dự án đang trong quá trình hoàn thiện.
Nhiều nhà thầu đành chọn cách thi công “cầm cự” để mong chủ đầu tư thanh toán với một khung giá mới, chia sẻ khó khăn với nhà thầu.
Nhà thầu đau đầu tính toán
Các nhà thầu đã tính toán trượt giá theo hợp đồng gốc, lấy các chỉ số theo Tổng cục Thống kê thì giá trị tăng bình quân cho các hạng mục được tính trượt giá chỉ khoảng trên dưới 15%.
Tuy nhiên, các chi phí thi công thực tế của nhà thầu đã vượt từ 1,5 đến 2,5 lần. Trong đó như thép tăng 165%, vật liệu đắp từ 150% đến 200%, cát thoát nước tăng 200%,...
Công trình đường giao thông liên xã Đại Áng - Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội ) trở thành con đường đau khổ của người dân |
Báo giá vật liệu xây dựng của Thành phố Hà Nội do Sở Xây dựng công bố vào quý 2/2011 cát vàng có giá 156.000đ/khối, cát đen giá 52.000đ/khối; đá bây có giá 150.000đ/khối, gạch đặc có giá 1.410đ/viên. Đây là giá báo cho khu vực Đông Anh.
Khảo sát Doanh nghiệp Phúc Long tại Đông Anh, báo giá thực tế của đá bây là 210.000đ/m3, cát vàng là 230.000đ/m3, cát đen là 90.000đ/,3, gạch đặc xây là 1.600đ/viên.
Như vậy, nếu các chủ đầu tư cứ căn cứ theo mức giá công bố của Sở Xây dựng Hà Nội để thanh toán cho nhà thầu thì nhà thầu sẽ lỗ nặng!
Bên cạnh đó, còn rất nhiều hạng mục khác nhà thầu không được tính trượt giá theo hợp đồng, nhưng các chi phí đó đến nay đều tăng rất cao do lạm phát khiến nhà thầu không đảm bảo được chi phí tối thiểu khi thi công.
Thời gian qua, tại rất nhiều dự án, các nhà thầu đều có văn bản kiến nghị chủ đầu tư và các cơ quan quản lý có sự hỗ trợ và tính bù giá hợp lý hơn và phù hợp với tình hình tăng giá và lạm phát hiện nay.
Trong đó, có nhà thầu đề xuất giải pháp tách chỉ số của một số loại nguyên vật liệu chính có giá tăng quá cao để bù riêng chứ không căn cứ theo hợp đồng. Điều này là rất quan trọng để các nhà thầu bớt lỗ và tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đúng tiến độ các dự án.
Theo vietnamnet