VCCI kiến nghị sửa 16 luật
Sáng 2/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức công bố báo cáo rà soát 16 luật và các văn bản hướng dẫn để làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sửa đổi nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Kết quả rà soát các quy định hiện hành của 16 luật và các văn bản hướng dẫn đã phát hiện một số bất cập, vướng mắc điển hình liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp
Nghiên cứu này của VCCI tiến hành rà soát 16 luật và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đang có hiệu lực và được thực hiện trong hai năm qua.

Đây là những văn bản pháp luật có quy định liên quan nhiều nhất và có nhiều vướng mắc đến thời điểm hiện nay, gồm Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Hàng hải, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hải quan, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế, Luật Kế toán, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và khoảng 200 văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành.

Quá trình nghiên cứu rà soát này được thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia pháp lý về kinh doanh của dự án hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế (USAID, Hoa Kỳ) và đóng góp ý kiến trực tiếp của rất nhiều chuyên gia pháp lý, đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tại 16 cuộc hội thảo do VCCI tổ chức và qua các phương tiện thông tin truyền thông.

Trên cơ sở tổng hợp kết quả nghiên cứu rà soát các quy định cụ thể, các chuyên gia đã chỉ ra 8 “cái được” của các luật này, trong đó quan trọng nhất là các quy định hiện hành đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực: đất đai, vốn, nhân lực…

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật ngày càng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp được mở rộng nhiều quyền lực chọn về hình thức, phạm vi và điều kiện hoạt động như: quyền lựa chọn hình thức doanh nghiệp, hình thức đầu tư, hình thức kinh doanh, hình thức sử dụng đất, hình thức giao dịch, hình thức giải quyết tranh chấp…

Các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, thuộc nhiều thành phần kinh tế cũng được đối xử trong một môi trường pháp lý bình đẳng hơn, công bằng hơn, như không phân biệt thành phần kinh tế để nhà đầu tư có mặt bằng để triển khai chiến lược đầu tư theo năng lực.

Tuy nhiên, kết quả rà soát các quy định hiện hành của 16 luật và các văn bản hướng dẫn đã phát hiện một số bất cập, vướng mắc điển hình liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là một số quy định pháp luật chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường.

Về tiếp cận đất đai, các quy định hiện hành vẫn hạn chế doanh nghiệp về các hình thức trả tiền thuê đất một lần trong toàn bộ quá trình thuê không những làm hạn chế quyền bình đẳng khi tiếp cận đất đai, mà còn chưa bảo đảm tối đa quyền của các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất.

Về tiếp cận vốn, theo các quy định hiện hành các nhà đầu tư mới được phép tiếp cận vốn vay của tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa được phép vay tiền của tổ chức tín dụng nước ngoài.

Quy định về quyền sử dụng đất có phân biệt giữa hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm và trả tiền thuê một lần khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng hình thành từ đất đai do không thể được dùng quyền sử dụng đất trong các giao dịch dân sự về đất đai.

Về tiếp cận thị trường, các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư còn trùng lặp, phiền hà cho nhà đầu tư, chưa minh bạch về mục tiêu của các thủ tục này và chưa rõ về giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đầu tư.

Yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư là chưa hợp lý và có thể dẫn đễn việc không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp mới nhưng khuyến khích việc mua lại cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp đã thành lập.

Một vấn đề khác là các các luật cũng chưa quy định rõ trường hợp hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành hoặc phân ngành dịch vụ “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê trong biểu cam kết WTO nên một số doanh nghiệp không được đăng ký kinh doanh ngành nghề trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Về thủ tục, điều kiện kinh doanh, một số quy định hiện hành về thủ tục, điều kiện kinh doanh đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như: quyền của lợi của thương nhân nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nước ngoài; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh và giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ trùng lặp với Giấy chứng nhận đầu tư.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số quy định pháp luật chưa khuyến khích bảo hộ đầu tư. Các quy định hiện hành chưa khuyến khích và bảo hộ nhà đầu tư trong một số lĩnh vực như: thiếu cơ chế đảm bảo thực thi, các thủ tục hành chính còn yếu kém, còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Hơn thế, một số quy định pháp luật còn phân biệt đối xử, chưa bảo đảm công bằng. Trong các quy định hiện hành vẫn còn các quy định phân biệt đối xử, chưa bảo đảm công bằng, chưa bình đẳng giữa các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Chẳng hạn, cá nhân nước ngoài chưa được giao đất có thu tiền sử dụng đất, vẫn còn quy định phân biệt tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài với tổ chức kinh tế liên doanh (cũng có vốn nước ngoài) và tổ chức 100% vốn trong nước; chưa coi doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam có sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài là doanh nghiệp Việt Nam theo Luật Đầu tư...

Với việc phân tích chi tiết những khiếm khuyết của từng luật và hệ thống văn bản hướng dẫn, báo cáo đưa ra khuyến nghị Quốc hội cần đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sửa đổi các luật được rà soát trong đợt này.


Nguồn VNECONOMY

Các tin khác