Nâng Cao Chất Lượng Nguồn Nhân Lực: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL) là một trong những vấn đề cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương. Việc Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động về “Nâng cao chất lượng NNL tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015” đã nói lên tầm quan trọng của chất lượng NNL trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đây cũng là một trong 3 chương trình đột phá của tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015.

 

 
 Lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cần được đào tạo căn bản hơn

Thiếu lao động có chất lượng

Sự tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của tỉnh thời gian qua đã thu hút một lượng lớn lao động (LĐ) ở nông thôn và các tỉnh, thành khác đến làm việc. Lực lượng LĐ của tỉnh do vậy đã được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau; đa dạng về ngành nghề, trình độ chuyên môn, tay nghề khác nhau. Công tác đào tạo NNL và phát triển dạy nghề đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ. Quy mô giáo dục - đào tạo và dạy nghề tiếp tục được đầu tư và phát triển ở tất cả các bậc học, ngành học...

Dự thảo chương trình hành động về “Nâng cao chất lượng NNL của tỉnh giai đoạn 2011-2015” đánh giá: Với việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề của tỉnh hiện đạt 60%; tình hình LĐ trong các doanh nghiệp (DN) của tỉnh về cơ bản đã được giải quyết, đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh và góp phần vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, 5 năm qua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thu hút, đào tạo và sử dụng NNL có trình độ cao ở các trường đại học và các DN trên địa bàn tỉnh mà nhất là các tổng công ty hoạt động đa ngành như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC), Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2... với chế độ tiền lương dựa trên hiệu quả công việc và môi trường làm việc thông thoáng đã giúp các DN thu hút nhiều LĐ có chất lượng cao để triển khai các hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất - kinh doanh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức cũng có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn cán bộ, công chức đã được đào tạo cơ bản đạt chuẩn về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Tuy nhiên, thực trạng NNL của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế trong đó tình trạng LĐ có chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực vẫn còn thiếu nhiều. NNL tuy dồi dào về số lượng nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng tỷ lệ LĐ qua đào tạo hiện còn thấp và bất cập. “Một chiếc áo có 25 công đoạn và mỗi công nhân được DN hướng dẫn thực hiện làm 1 khâu trong 25 công đoạn đó. Như vậy thì không thể nói người LĐ đó đã qua đào tạo...”- ông Dương lấy ví dụ về những bất cập trong việc đánh giá tỷ lệ LĐ qua đào tạo cũng như chất lượng NNL nói chung. Bên cạnh đó, sự thiếu gắn kết giữa cơ sở đào tạo và DN; chất lượng giáo dục và hệ thống đào tạo chậm đổi mới... cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh thời gian qua còn hạn chế.

Giải pháp đồng bộ

Sự chủ động và tính ổn định NNL của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu về LĐ có trình độ, năng lực và chất lượng cao của các ngành kinh tế hiện nay và cho những năm tiếp theo rất lớn nhưng khả năng cung ứng đủ LĐ chưa được bảo đảm. Chính vì vậy, chương trình hành động về “Nâng cao chất lượng NNL tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015” ra đời là điều kiện thuận lợi để xây dựng một đội ngũ LĐ có chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự thảo đưa ra 5 giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao chất lượng NNL trong thời gian tới đó là triển khai thực hiện Quy hoạch dạy nghề; rà soát, chấn chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với thị trường LĐ. Song song đó là xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đào tạo và nâng cao chất lượng NNL. Đổi mới chính sách tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân lực trong khu vực Nhà nước; Huy động các nguồn lực cho nâng cao chất lượng NNL; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm; xây dựng các chế độ chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng NNL... Đây là những giải pháp vừa cấp bách vừa mang tính lâu dài nhằm xây dựng một đội ngũ LĐ có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng những giải pháp mà chương trình đưa ra là rất tích cực và đồng bộ. Tuy nhiên, theo ông chương trình nên đề cập đến vấn đề trình độ dân trí, tỷ lệ nhân tài trong NNL. Muốn vậy phải xây dựng một xã hội học tập, một truyền thống học tập. Đó là một trong những cách giải quyết vấn đề từ gốc nhằm nâng cao chất lượng NNL theo hướng bền vững.
                                                                                                                                 Theo baobinhduong.org.vn


Các tin khác