Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công
- Hội nghị Vietnam CEO Summit 2013 được tổ chức vào ngày 23/8/2013 tại TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công” là sự kiện kết nối các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực nhất Việt Nam (thuộc ba bảng xếp hạng VNR500, FAST500 và V1000).
Các học giả và doanh nghiệp tham dự hội nghị đã nhất trí cho rằng sáng tạo và đổi mới đang là một xu hướng không thể đảo ngược trong hoạt động kinh doanh toàn cầu và Việt Nam. Sức sinh lời của tiền vốn, máy móc hay cơ bắp là hữu hạn, nhưng giá trị của trí tuệ, của sáng tạo vô cùng to lớn, nó tạo sự đột phá và quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ý kiến của học giả Nguyễn Anh Tuấn, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam cần tiếp cận mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn tới những luồng ý tưởng hàng đầu về xu thế đổi mới, sáng tạo kinh doanh trên thế giới, và cùng nhau chia sẻ những thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. Từ đó, tạo động lực và sức bật mới cho toàn nền kinh tế Việt Nam.Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Nghiên cứu về các kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết, để tiếp tục duy trì thành tích tăng trưởng như những năm vừa qua thì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam cần tăng gần 50% do đóng góp cho tăng trưởng từ tăng cung lao động đã giảm mạnh, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đô thị hóa đang chậm lại. Đây là kịch bản được đánh giá không mấy dễ dàng cho Việt Nam.
Các trình bày tại Hội nghị tiếp tục cho thấy một tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn nếu như không có các cải cách tái cơ cấu quyết liệt hơn. Những vấn đề về thể chế và cơ cấu ngày càng lộ rõ như : Nợ xấu cao và dự báo tới năm 2016 mới trở lại mức trung bình (theo dự báo của Viện McKinsey); Sức khỏe của hệ thống ngân hàng: rủi ro thanh khoản, thiếu minh bạch và năng lực quản trị rủi ro, niềm tin xã hội lung lay; FDI đình trệ/chậm lạị và liên tục giảm cam kết FDI đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, trong khi ngành chế biến chế tạo lại được chú trọng đầu tư, đòi hỏi phải tập trung vào huy động các đòn bẩy năng suất mới; Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, và sau cùng là sự yếu kém của tài chính công: sự bất ổn bội chi ngân sách công và tình trạng không ổn định về sức khỏe tài chính của nhóm DNNN. Đổi mới là nhu cầu cấp thiết với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đổi mới không chỉ ở sản phẩm, doanh nghiệp cần phải tạo ra sự khác biệt dựa trên đổi mới trong công nghệ, trải nghiệm khách hàng, hệ thống và quá trình, mô hình kinh doanh, dịch vụ, chuỗi và kênh phân phối. Chiến lược đổi mới là yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công mục tiêu của doanh nghiệp, đòi hỏi sự kết hợp của tất cả các yếu tố và thành phần trong tổ chức, bao gồm CEO, CFO, CTO, COO và bộ phận R&D.
Theo đánh giá của ông Michael Thomas Szczepanski - Giám đốc khối dịch vụ tư vấn của PwC, tiềm năng lợi nhuận từ nỗ lực tập trung cho sự phát triển và đổi mới của các doanh nghiệp Việt là những đột phá về hoạt động được dự đoán như sau: Doanh thu sản phẩm mới: tăng 20-40%, thời gian tiếp thị: nhanh hơn 40-60%, chi tiêu lãng phí: giảm từ 50-80%, hiệu suất R&D: tăng 25-30%, và năng suất dự án: tăng 40-100%.Thống kê từ khảo sát toàn cầu của PwC về những yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới và sáng tạo tại một doanh nghiệp chỉ ra rằng, đổi mới chắc chắn phải nằm trong chương trình hành động của CEO, nhưng đồng thời nhiệm vụ này còn đòi hỏi nỗ lực của cả tổ chức. Khảo sát này nhấn mạnh rằng doanh nghiệp đổi mới cần chú trọng chủ yếu vào nguồn lực con người, mà khởi đầu từ lãnh đạo tới đội ngũ nhân viên để có thể đưa ra chiến lược cũng như thực hiện đổi mới hiệu quả. Các nhân tố được nhiều người đánh giá là quan trọng nhất được lựa chọn bao gồm: có văn hóa thích hợp để thúc đẩy và hỗ trợ đổi mới như quy trình/ quản lý hỗ trợ (57%), lãnh đạo kinh doanh biết nhìn xa trông rộng (44%), và sẵn sàng thay đổi các quy chuẩn tổ chức và chấp nhận rủi ro (37%).
Nhân sự được đánh giá là yếu tố cần thiết góp phần tạo nên sự đổi mới của doanh nghiệp. Thách thức lớn nhất trong tuyển dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là cần lưu ý nhiều hơn tới hoạt động “truyền thông tuyển dụng” để nâng cao hình ảnh thương hiệu của mình với vai trò là nhà tuyển dụng, tăng cường sự gắn kết của nhân sự với tổ chức, khuyến khích nhân tài chấp nhận làm việc tại doanh nghiệp. Hoạt động “truyền thông tuyển dụng” hiện chưa được chú trọng đủ mức ở hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với nhân sự đang làm việc, theo ông Jonah Levey - Chủ tịch HĐQT của Vietnamworks nhận định, việc sa thải nhân viên chưa bao giờ là việc làm dễ dàng với nhà quản lý, do đó cần tuyển dụng từ từ và có chọn lọc, lựa chọn những người có tố chất (DNA) sáng tạo và chuyên nghiệp để cùng làm việc lâu dài. Trong phiên thảo luận, các chuyên gia và học giả đã cùng đưa ra một luận điểm chung: Đổi mới và sáng tạo là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Đổi mới và sáng tạo được ví như ngọn gió đẩy con thuyền doanh nghiệp ra khơi xa, trong đó người thuyền trưởng có vai trò không kém phần quan trọng khi cùng các thuyền viên dày dặn kinh nghiệm, bản lĩnh và sáng tạo đưa con thuyền đến bờ thành công
Theo: dddn.com.vn
Các tin khác