Kiến nghị xóa bỏ mọi ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước
Xóa bỏ mọi ưu đãi, kiên quyết không khoanh nợ, giãn nợ, chấm dứt kinh doanh tay trái… hàng loạt các đề nghị mạnh mẽ đã được nêu tại bản kiến nghị từ một hội thảo về kinh tế vĩ mô vừa được Ủy ban Kinh tế tập hợp gửi đến Quốc hội.
Phân tích tại đây cho thấy, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang tồn tại nhiều vấn đề, có thể tác động xấu đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp Nhà nước nói chung đang làm thâm hụt ngân sách nhà nước ở quy mô lớn. Nhưng sau khi trừ dầu thô, than và khoáng sản thì doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra khoảng 15 – 20% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu không nhỏ đã góp phần đáng kể vào thâm hụt cán cân vãng lai của nền kinh tế.
Để tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, biện pháp cấp bách được bản kiến đặt lên hàng đầu là Nhà nước không nên sử dụng doanh nghiệp nhà nước như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội.
“Muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước triệt để, cần thay đổi quan điểm vai trò then chốt của khu vực này”, bản kiến nghị nêu rõ.
Biện pháp tiếp theo được nhấn mạnh là đẩy nhanh quá trình tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tiến tới thành lập cơ quan cấp bộ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, tập trung và thống nhất.
Nhấn mạnh biện pháp tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần khác, bản kiến nghị cho rằng, cần công khai minh bạch thông tin các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước với những tiêu chuẩn khắt khe về tình hình sản xuất, tài chính, các mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận hàng năm theo chuẩn mực đang áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xóa bỏ mọi ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước về tiếp cận các nguồn tín dụng, quyền kinh doanh, tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về các loại quy hoạch, tiếp cận các nhà hoạch định chính sách…
Đồng thời, kiên quyết không “khoanh nợ, giãn nợ” cho bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, không nhận việc trả nợ, xử lý nợ thay cho doanh nghiệp.
Tập hợp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, bản kiến nghị cũng cho rằng nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý giải quyết những vấn đề xã hội (trợ cấp thất nghiệp, tạo việc làm mới) và sẵn sàng để doanh nghiệp nhà nước phá sản nếu các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Đi đôi với đề nghị tiếp tục mở cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền nhà nước, bản kiến nghị cũng mạnh mẽ đề nghị ngay trong năm 2012, cần xây dựng kế hoạch thoái vốn và tiến tới chấm dứt kinh doanh các ngành nghề ngoài ngành nghề kinh doanh chính tại các tập đoàn và tổng công ty lớn của nhà nước.
Cùng với đó là sắp xếp và tái cấu trúc từng tập đoàn, tổng công ty lớn, giao cho các tập đoàn, tổng công ty sứ mệnh là trong 10 – 15 năm tới phải phát triển để nằm trong số các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực Đông nam Á hoặc châu Á.
Cuối cùng, văn bản kiến nghị cho rằng cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, để nhanh chóng giảm thành phần tham gia của nhà nước. Cần thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược ở khu vực tư nhân và nước ngoài góp vốn vào các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước.
Xuất hiện ở hầu hết các phiên thảo luận, chất vấn tại nhiều kỳ họp Quốc hội, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội sáng 27/10, một số vị đại biểu đã đề nghị Chính phủ đánh giá đúng hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước và đồng tình cao phải tái cấu trúc lại khu vực này.
Theo VnEconomy