Khổ vì bệnh hình thức
 Chỉ quan tâm tới văn bằng, chứng chỉ mà không thực sự quan tâm tới quản lý chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt khó liên kết với doanh nghiệp nước ngoài.
 Cả Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần thứ 5 vừa diễn ra tại Hà Nội lặng đi sau khi ông Junichi Furakawa, Tình nguyện viên cao cấp của JICA tại Việt Nam thẳng thắn nhận định: hình như điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam chính là bệnh hình thức.

 

Hội chứng chứng chỉ

 

“Chúng tôi đã đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng của Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh nghiệp nào cũng có chứng chỉ ISO, có đủ các văn bằng chứng nhận quản lý chất lượng, nhưng khi áp dụng thực tiễn lại không được”, ông Junichi Furakawa nói và khuyến nghị, các doanh nghiệp và cả tổ chức cấp chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại Việt Nam phải xem xét lại cách thức cấp và thực hiện chứng chỉ này.

“Hầu hết các doanh nghiệp mà chúng tôi làm việc không hiểu rõ bản chất của ISO là gì. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại không chú trọng đến việc đào tạo, quan điểm về quản lý chất lượng của lãnh đạo cũng không đáp ứng yêu cầu. Tạm loại ra điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện của doanh nghiệp Việt Nam là công nghệ lạc hậu, không đủ vốn để đầu tư thay đổi công nghệ, thì năng lực công đoạn của các doanh nghiệp Việt Nam cũng vẫn thấp. Điều này lý giải tại sao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp này không đồng đều, giá thành cao”, ông Junichi Furakawa phân tích.

Thử nhìn vào hồ sơ giới thiệu của một vài doanh nghiệp Việt Nam gửi tới diễn đàn, có vẻ như ý kiến của các chuyên gia tư vấn hoàn toàn không sai khi mà số trang giới thiệu về các loại chứng chỉ luôn đầy đặn hơn những hình ảnh về sản phẩm, quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Đây có thể chính là câu trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự diễn đàn đưa ra, đó là tại sao họ đã tiếp cận, đã có sản phẩm theo đúng yêu cầu mà không có tên trong danh sách các nhà cung ứng cho Canon Việt Nam.

Ông Hoàng Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 4P, công ty Việt Nam duy nhất đang cung cấp linh kiện điện tử cho Canon thừa nhận, cái khó trong việc hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản là cơ chế “tích hợp”, phù hợp với từng yêu cầu của từng doanh nghiệp chứ không phải có thể đáp ứng cho tất cả.

“Hơn nữa, doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi rất cao về tinh thần kinh doanh, sự quyết tâm, nghiêm túc, sẵn sàng, chuyên nghiệp, nỗ lực trong công việc”, ông Trí nói và cho biết, để gia nhập được đội ngũ nhà cung ứng cho Canon, 4P đã phải điều chỉnh rất nhiều, từ quá trình sản xuất, vật liệu, công nghệ đến đào tạo lao động để đáp ứng yêu cầu của Canon và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác đang sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam.

Theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của JICA, 100 doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiết bị xe máy, điện, điện tử, cơ khí…tại khu vực TP.HCM và Hà Nội được lựa chọn để hỗ trợ. Sau quá trình điều tra nhu cầu, năng lực thực tế của doanh nghiệp, các tình nguyện viên sẽ được phân công trực tiếp tư vấn cho doanh nghiệp.

Mục tiêu là cải thiện từng công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Từ tháng 3/2013, đang có 68 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình này. Trong giai đoạn 1 của dự án, từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013, 91 doanh nghiệp đã hoàn tất chương trình tư vấn.

Ông Junichi Furakawa là một trong số 8 tình nguyện viên cao cấp đang có mặt tại Hà Nội để trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp được lựa chọn cải thiện quy trình quản lý, sản xuất và nâng cao công nghệ.

“Nhiều doanh nghiệp khi chúng tôi tiếp cận không hề có ý thức về việc lập kế hoạch. Trong khi đó, theo yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, kế hoạch sản xuất phải được lập theo tuần, theo tháng và theo quý để không bỏ qua bất cứ một sơ sẩy hay sai sót nào”, ông này nói.

Vẫn khoảng trống yêu cầu và đáp ứng

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam bị “bóc mẽ” vì bệnh hình thức của mình. Phải nhìn lại kết quả không mấy tiến triển của Canon Việt Nam trong gần 13 năm đi tìm các nhà cung ứng là các doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù Canon Việt Nam vẫn được coi như một điển hình thành công trong việc xây dựng chuỗi cung cấp nội địa, nhưng đa phần trong số này là các doanh nghiệp Nhật Bản khác hoạt động tại Việt Nam.

Trong suốt thời gian này, không biết bao nhiêu lần ông Sachio Kageyama, vị Tổng Giám đốc đầu tiên của Canon Việt Nam đã kể câu chuyện chất lượng các lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam rất khác nhau để lý giải tại sao chặng đường đi tìm nhà cung cấp nội địa của Canon Việt Nam lại gian nan đến vậy.

“Cứ lô hàng mẫu đầu tiên thì rất tốt, lô thứ hai thì bắt đầu thay đổi, từ màu sắc…” là ví dụ mà ông Sachio Kageyama nói trong rất nhiều diễn đàn về công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nhiều năm trước.

Ngay thời điểm đó đã có những ý kiến thẳng thawsncho rằng, ý thức tuân thủ các quy định, quy chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt. Hệ quả là các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng xuất khẩu như Canon, LG, Samsung… đều phải chủ động kéo theo các doanh nghiệp đồng hương đến Việt Nam.

Sự xuất hiện của các cụm liên kết ngành giữa các doanh nghiệp FDI đương nhiên sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực cho môi trường kinh doanh Việt Nam, song nếu đứng từ phía doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước, cơ hội dành cho họ dường như đang ngày càng ít đi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, yêu cầu giảm chi phí đang buộc các doanh nghiệp FDI phải tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa để hạ giá thành cho sản phẩm. Tháng 5/2013, không chỉ Canon Việt Nam vẫn tiếp tục phải đưa ra lời mời gọi với các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện của Việt Nam.

Một hội chợ ngược, tại đó nhà sản xuất đi chào nhu cầu mua hàng của mình để tìm nhà cung cấp, do Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) sẽ lại được tổ chức vào tháng 9/2013 tại Hà Nội.

“Chúng tôi muốn mở rộng danh sách các nhà cung cấp nội địa, nhưng vẫn chưa tìm được nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu”, ông Kinya Okada, Giám đốc phụ trách mua sắm của Công ty Canon Việt Nam giải thích lý do mà Canon sẽ tham gia hội chợ ngược này.

                                                                                                                                  Theo: Doanhnhansaigon


Các tin khác