Giật mình với báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết là một trong những yếu tố quan trọng của thị trường chứng khoán, nó vừa phản ánh sự minh bạch của thị trường, vừa phản ánh kết quả kinh doanh của các công ty. Có thể thấy gì qua số lượng, chất lượng và kết quả kinh doanh từ báo cáo của các công ty thời gian qua?

Vấn đề thứ nhất, công tác báo cáo đã có tiến bộ là "thật" hơn, khi mà 2, 3 quý trước vẫn là lãi, nhưng quý 4 và cả năm 2008 đã báo cáo lỗ do thực tế đã bị lỗ. Nhưng công tác báo cáo tài chính vẫn còn những hạn chế, bất cập về ba mặt. Báo cáo vẫn còn thiếu các chỉ tiêu chủ yếu và chi tiết theo quy định, nên việc đánh giá thông tin về doanh nghiệp khó đầy đủ, toàn diện. Báo cáo còn chậm, hiện vẫn còn nhiều công ty chưa nộp báo cáo. Chất lượng báo cáo cũng còn những băn khoăn, lo ngại, thậm chí nhiều nhà đầu tư đã giật nảy mình. Giật mình vì trong báo cáo 9 tháng, kết quả kinh doanh vẫn còn rất ấn tượng với mức tăng trưởng lợi nhuận cao, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của các công ty này rất tin tưởng… nhưng đùng một cái, báo cáo quý 4 và cả năm 2008 lại lỗ lớn. Trong khi sự thua lỗ này không phải chỉ phát sinh trong quý 4 mà kéo dài trong cả năm 2008. Có công ty 9 tháng lãi 198,4 tỉ đồng, trong khi quý 4 lỗ 116,2 tỉ đồng. Có công ty công bố báo cáo cả năm "lãi" mà không công bố báo cáo quý 4, trong khi tính trừ đi số lũy kế đến hết quý 3, thì quý 4 lỗ tới 334,7 tỉ đồng… Những hiện tượng trên đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho chỉ số chứng khoán xuyên thủng hết "đáy" này đến "đáy" khác trong thời gian qua.

 

Sau sự kiện BBT của Công ty cổ phần bông Bạch Tuyết báo cáo lỗ thành lãi khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang về chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, thì báo cáo của Tập đoàn Mai Linh mới đây cũng đang dấy lên câu hỏi về mức độ tin cẩn của các báo cáo tài chính. Cụ thể, cuối tháng 1 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chính thức có văn bản nêu rõ, sau khi kiểm tra, các tài liệu báo cáo về đợt phát hành cổ phiếu thưởng theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông ngày 7.3.2008 của Mai Linh chưa hợp lệ do Công ty kiểm toán DTL đã từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2007 của công ty. Mặt khác, hồ sơ cho thấy công ty chưa có nguồn để phát hành cổ phiếu thưởng. Vì vậy, công ty chưa được thực hiện việc phát hành này. Bên cạnh đó, Mai Linh cũng vi phạm việc công bố báo cáo tài chính từ năm 2005 - 2007 khi kết quả kinh doanh trong giai đoạn này của tập đoàn bị lỗ và còn rất nhiều khoản bị ngoại trừ nhưng công ty lại công bố báo cáo tài chính "đã được kiểm toán" là có lãi. Việc công ty công bố báo cáo tài chính nhưng không công bố phần ý kiến của kiểm toán như vậy là không chính xác và gây hiểu lầm cho nhà đầu tư.

Nguyên Hằng

 
Vấn đề thứ hai, kết quả kinh doanh của các báo cáo đó phản ánh một tình hình đáng quan tâm. Đó là lợi nhuận của nhiều công ty niêm yết giảm mạnh so với quý trước đó hoặc cùng kỳ năm trước. Đó là các công ty niêm yết như TRC, DPR, HRC, TNC, HPG, TSC, DPM, ANV, RAL, HMC, PVF, REE, KLS, PPC, VIP, PVD, TCR,…

Từ tình hình trên, các chuyên gia đã rút ra 5 yếu tố tác động:

Một, giá giảm mạnh do suy thoái kinh tế thế giới, làm giá bán sản phẩm giảm. Giá bán cao su quý 4 giảm 40% so với quý 3 làm cho các công ty TRC, DPR, HRC, TNC… cùng ngành cao su quý 4 bị lỗ. Giá thép và nguyên liệu sản xuất của ngành giảm 50% so với giá đỉnh, làm cho giá thép bán ra trong nước thấp hơn giá thành sản xuất, làm cho HPG và các công ty cùng ngành thép bị thua lỗ. Cuối năm 2008, giá phân urê giảm 60%, amoniac giảm trên 70%, NPR giảm 60% so với tháng 8, khiến cho TSC, DPM và các công ty cùng ngành lao đao.

Hai, lãi vay ngân hàng cao trong 9 tháng đầu năm cũng làm cho nhiều công ty phải dành một số tiền lớn để trả lãi vay ngân hàng trước đó, như Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, Công ty cổ phần thủy điện Cần Đơn, Công ty cổ phần Alphanam…

Ba, hàng tồn kho lớn là một yếu tố quan trọng gây lỗ. Hàng tồn kho do nhiều nguyên nhân. Do gặp khó khăn về xuất khẩu (như ANV…); do nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao đầu năm 2008 khiến doanh nghiệp phải dự trữ phục vụ sản xuất, nhưng cuối năm giá nguyên liệu giảm mạnh, nên các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (như RAL…). Do hàng tồn kho lớn, nên các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (như HMC, TSC, DPM…).

Bốn, đầu tư tài chính bị lỗ hoặc phải trích lập dự phòng giảm giá, đầu tư chứng khoán, lỗ từ hoạt động đầu tư, các khoản dự phòng rủi ro tín dụng (PVF), trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán (REE), bán lỗ nhiều khoản tự doanh (KLS)…

Năm, do rủi ro tỷ giá. Do vậy nên khi giá Yên tăng so với USD và tăng mạnh hơn so với VND. Do vay USD trong khi USD lên giá so với VND (như VIP, PVD, TCR…).

Do kết quả kinh doanh lỗ, nên số cổ phiếu bị kiểm soát đã lên tới 7, tăng 4 (REE, VTA, BHS, VHG). Tính đến 12.2, có thêm 4 công ty niêm yết công bố kết quả kinh doanh 2008 bị lỗ (TYA, SAM, PPC, GMD); đồng thời có BTC nằm trong 7 công ty trong diện bị kiểm soát đã có lãi, nên danh sách cổ phiếu bị kiểm soát có thể còn có sự thay đổi (nhưng có xu hướng tăng).

Ngọc Minh- Thanh Niên


Các tin khác