Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Minh - chủ DN vận tải đã chỉ ra 5 khó khăn của DN xuất phát từ điều kiện được cấp phù hiệu.
Thứ nhất, lái xe phải đi học đạo đức nghề nghiệp, trong khi không phải lúc nào, tuần nào Sở Giao thông Vận tải cũng mở lớp để học nên trong lúc chờ thì xe bị “đắp chiếu” gây lãng phí, khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, phù hiệu do Sở Giao thông Vận tải cấp và được dán mặt trong kính cabin xe. Sau khoảng 3 tháng, do ánh nắng mặt trời chiếu nên phù hiệu bị phai chữ, không đọc được khiến lái xe bị phạt do lực lượng thi hành công vụ nghi ngờ là phù hiệu giả. Điều này khiến chủ xe phải đến Sở Giao thông vận tải xin xác nhận là phù hiệu thật để xe được lưu hành.
Thứ ba, lái xe phải có lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển trong khi lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển chỉ phù hợp xe chạy đường dài. Trường hợp những xe chạy trong tỉnh, thành phố, trong một ngày chạy các cung đường khác nhau, hàng hóa khác nhau thì rất khó để viết lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển.
Thứ tư, hộp đen (GPS) là cần thiết, nhưng chỉ cần lồng ghép vào khâu đăng kiểm.
Thứ năm, phí làm phù hiệu khoảng 1,8 triệu đồng/năm, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông Minh cho rằng quy định cấp phù hiệu cho xe tải cần được xóa bỏ để dừng việc gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp.
Cũng theo phản ánh của nhiều DN, do quy định thiếu rõ ràng về việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay, nên cách hiểu, vận dụng các quy định trên có phần tùy tiện ở nhiều địa phương khiến nhiều DN phải “khóc dở, mếu dở”, lo liệu tìm cách đối phó.
Không ít trường hợp đã phải lách luật bằng cách lo lót để đưa các phương tiện vận tải của mình núp bóng dưới các công ty, HTX, hộ kinh doanh đủ điều kiện cấp giấy đăng ký kinh doanh vận tải để có đủ điều kiện được cấp phù hiệu, biển hiệu nhằm đối phó với những mức phạt lên đến hơn cả chục triệu đồng cho mỗi lần "vi phạm".
Phù hiệu nên là việc riêng của DN
Đưa ra quan điểm riêng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế cao cấp Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc cấp phù hiệu cho xe ô tô vận tải nên chỉ là việc riêng của DN. Mục tiêu chính của việc cấp phù hiệu là giúp cho các cơ quan chức năng dễ xác định xe đó thuộc DN nào, trong trường hợp giao thông trên đường nếu xảy ra va chạm hay liên quan đến luật giao thông cũng như an toàn giao thông thì dễ dàng xác định được chủ thể.
Đây cũng là cơ sở để quản lý đầu xe của các DN kinh doanh vận tải, bởi liên quan đến đầu xe sẽ là chi phí và thuế đối với hoạt động vận tải của DN, cũng như các chi phí khác phục vụ cho bảo trì, bảo dưỡng.
“Vì thế, thực chất việc cấp logo không có gì “ghê gớm”, mặc dù không thể phủ nhận tác dụng của nó” - ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, cũng như các ngành kinh doanh khác, đăng ký kinh doanh mang tính chất chuyên ngành đôi khi lại trở thành rào cản khiến các DN khó vượt qua, đặc biệt là các DNNVV. Chính việc này đã có rất nhiều ý kiến nêu ra cần phải xem xét, chỉnh sửa, thậm chí kiểm tra lại sự phù hợp và tính tương thích của các văn bản pháp quy, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Vẫn theo ông Thịnh, việc cấp phù hiệu cho xe ô tô vận tải thực chất là những quy định con, mang tính chất chuyên ngành. Do đó, cần phải được xem xét và chỉnh sửa sao cho phu hợp trong quá trình DN hoạt động.
Ở bất kỳ quốc gia nào cũng như vậy, việc xem xét, chỉnh sửa, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định là việc làm thường xuyên. Các DN phải có phản hồi để từ đó các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét một cách nghiêm túc, nhanh chóng, thuận lợi nhất cho DN.
Theo: Enternews.vn