Chủ xe vay trả góp “tiến thoái lưỡng nan”

Công an yêu cầu chủ xe phải trình giấy đăng ký xe bản chính, còn ngân hàng (NH) thì đòi giữ giấy đăng ký khi chủ xe vay, đẩy người dân đứng trước tình cảnh 'tiến thoái lưỡng nan'.

Chủ xe vay trả góp “tiến thoái lưỡng nan”
Nhiều người vay ngân hàng mua ô tô khi tham gia giao thông đã bị phạt do không xuất trình được Giấy đăng ký xe (bản chính) khi CSGT kiểm tra. Ảnh: Công Nguyên.
Khách hàng đòi trả giấy đăng ký xe
Ngày 4/7, cán bộ tín dụng các ngân hàng liên tục nhận được tin nhắn cũng như điện thoại của khách hàng hỏi ngân hàng có trả giấy đăng ký xe theo như quy định hay không. Ông Tuấn (Q.7, TP.HCM) liên hệ với nhân viên ngân hàng để hỏi ngân hàng có trả lại giấy đăng ký xe không thì được nhân viên ngân hàng hướng dẫn "anh trả hết nợ, ngân hàng trả lại anh giấy tờ gốc của khoản vay".
Không chỉ hầu hết các ngân hàng mà nhiều công ty tài chính hiện nay đều triển khai cho vay mua xe trả góp và đều muốn giữ giấy đăng ký ô tô, xe máy khi cho vay, trong khi công an thì đòi giấy đăng ký xe bản chính khi xe lưu thông trên đường. Không phải các ngân hàng không biết quy định giao giấy đăng ký xe cho bên thế chấp nhưng để triển khai cho vay mua xe trả góp, các ngân hàng đã “lách” bằng cách người vay ký vào giấy giao cho ngân hàng giữ hộ giấy đăng ký xe.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO, chia sẻ ngân hàng nhận thế chấp bằng ô tô hiện nay khá nhiều nên hầu hết đều phải "lách" để có thể cho vay. 10 chiếc xe thì có đến 4 - 5 chiếc, chủ xe vay ngân hàng trả góp. Trước khi Nghị định 11/2012 có hiệu lực, ngân hàng được phép giữ giấy đăng ký xe của khách hàng vẫn xảy ra những rủi ro không đòi được nợ, giờ không được giữ thì rủi ro còn cao hơn. Ông Trương Thanh Đức nêu một ví dụ thực tế đã xảy ra đối với một ngân hàng cổ phần giữ 2 giấy đăng ký xe nhưng ngân hàng này đã phải “treo thưởng” cho ai cung cấp được thông tin chiếc xe này ở đâu khi xe ''biến mất''.
Trước tình hình thực tế hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh từ các ngân hàng về vấn đề này và đang xin ý kiến chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước”.
Giấy đăng ký xe “2 trong 1”
Sở dĩ xảy ra tình trạng ngân hàng giữ giấy đăng ký khi cho vay, theo ông Trương Thanh Đức là do giấy đăng ký xe không những có ý nghĩa dùng để lưu hành xe trên đường mà còn được xem là giấy chứng nhận quyền tài sản. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP.HCM cho rằng nếu không xem giấy đăng ký xe là giấy chứng nhận quyền tài sản thì giấy tờ nào chứng nhận quyền này của chủ xe. Giấy đăng ký xe có ý nghĩa xác định chủ xe, do đó ngân hàng mới giữ giấy để cho khách hàng vay.
Theo ông Ngô Minh Sang, chuyên viên pháp lý ngân hàng, giấy đăng ký phương tiện giao thông (gọi tắt cà vẹt xe) vừa có ý nghĩa là căn cứ xác định quyền sở hữu, vừa nhằm phục vụ công tác quản lý lưu thông phương tiện giao thông hàng ngày. Việc chủ sở hữu có quyền thế chấp tài sản là phương tiện giao thông cho các tổ chức tín dụng để phục vụ nhu cầu vay tiền của mình không có gì sai trái. Quyền sở hữu và đăng ký quyền sở hữu đối với một số tài sản quan trọng, trong đó có phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, tàu biển, tàu bay… được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự nói chung.
Tuy nhiên do quản lý chuyên ngành, một số cơ quan bộ ngành có quy định riêng để quản lý hành chính trong lĩnh vực mình. Điều đó dẫn một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Tuy nhiên ông Ngô Minh Sang cho rằng bộ luật Dân sự 2005 trước đây và bộ luật Dân sự 2015 hiện hành đều cho phép các bên tự thỏa thuận việc giữ giấy tờ bản chính liên quan tài sản thế chấp.
Để giải quyết tình trạng cà vẹt xe ngân hàng đang giữ, TS-LS Bùi Quang Tín cho rằng xét trong các quy định của bộ luật Dân sự 2015, việc giao nhận giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp là phương tiện ô tô là do các bên có thỏa thuận. Do đó khách hàng giao cho ngân hàng giữ giấy tờ xe không có gì sai. Ở đây, cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định cho phép ngân hàng được giữ giấy tờ xe hoặc đánh dấu trên giấy chứng nhận để bên thứ ba nhận biết được rõ ràng rằng xe ô tô đang sử dụng đã được dùng làm bảo đảm nghĩa vụ dân sự. Từ đó sẽ giúp người dân thuận tiện khi tham gia giao thông trên đường, đồng thời các ngân hàng không vi phạm quy định.
Điều 20a Nghị định 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo, quy định bên thế chấp giữ giấy đăng ký phương tiện giao thông trong trường hợp tài sản là phương tiện giao thông.

                                                                                                                                               Theo: thanhnien.com.vn


Các tin khác