Đừng cổ phần hóa kiểu “ba nạc bảy mỡ”

Mô hình quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay có quá nhiều bất cập mà ngay cả khi tìm cách áp dụng các mô thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến thì cũng khó phát huy được tác dụng trong điều kiện thể chế công “xuống cấp” như hiện nay.


Trục trặc cũng không cải thiện hơn là mấy ở những DNNN đã cổ phần hóa (CPH) một phần mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Chính giới hạn sàn sở hữu nhà nước là nguyên nhân chính làm kìm hãm khả năng và động lực đổi mới và sáng tạo của những DNNN sau CPH.

Ngành giao thông vận tải được coi là tích cực nhất trong việc cải cách DNNN

Trục trặc nằm ở giới hạn sàn sở hữu nhà nước

Cho đến nay, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm làm rõ hơn vai trò đại diện sở hữu của Nhà nước trong các DNNN cũng như cố gắng phân tách các quyền đại diện sở hữu, quyền điều hành doanh nghiệp và quyền quản lý nhà nước bằng cách ban hành và liên tục điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan, nhưng trên thực tế cho thấy thực trạng vẫn gần như không được cải thiện nhiều, nếu như không muốn nói là có xu hướng tệ hơn.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đáng chú ý chính là các doanh nghiệp sau CPH mà Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối thường có thành quả kinh doanh và hiệu quả tài chính tốt hơn so với các doanh nghiệp mà sau CPH Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.

Kết quả này giúp củng cố một hoài nghi rằng, các doanh nghiệp dù đã CPH nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối thì các “tàn dư” cũ gần như không hề thay đổi. Tức là những trục trặc cố hữu, những yếu kém nội tại của bản thân doanh nghiệp trước CPH đã không hề mất đi sau “động tác giả” CPH kiểu “nửa vời.”

Điều này là vì mặc dù sau CPH, các doanh nghiệp được khoác lên mình với tên gọi mới là công ty cổ phần, song bản chất vẫn không hề thay đổi khi cổ đông nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát và chi phối toàn bộ mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Rõ ràng ở đây đang có sự cố tình đồng nhất giữa việc bán 1% cổ phần với bán 100% cổ phần cũng được gọi là công ty cổ phần.

Đứng về phương diện lý thuyết, một công ty cổ phần rõ ràng sẽ có điều kiện hơn trong việc huy động vốn cổ phần so với doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn thuần túy. Nhà nước cũng từng lấy lý do huy động thêm vốn cho đầu tư phát triển như một mục tiêu của CPH, nhưng đối với các DNNN, việc huy động thêm vốn cho hoạt động kinh doanh không phải là vấn đề quan trọng để phải dùng biện pháp CPH. Bởi vì như thực tế đã chứng minh, các DNNN này khi cần vốn đều có thể đi vay một cách dễ dàng.

Vấn đề quan trọng của DNNN chính là cơ chế đại diện sở hữu và mô thức quản trị doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được CPH nhưng Nhà nước vẫn muốn nắm giữ cổ phần chi phối thì sẽ rất khó để có sự thay đổi về chất trong bộ máy quản trị doanh nghiệp. Cùng với những con người cũ, tư duy cũ, bộ máy tổ chức cũ, văn hóa cũ và cùng với cơ chế cũ... sẽ rất khó để có được sự cải thiện về mặt quản trị doanh nghiệp cũng như rất khó có thể tạo ra được những thay đổi về hiệu suất và hiệu quả hoạt động.

Vậy phải làm thế nào?

Để có được những thay đổi về mặt quản trị, điều quan trọng khi cải cách DNNN bằng phương tiện CPH là Chính phủ phải bảo đảm rằng cấu trúc sở hữu của doanh nghiệp sau CPH phải thay đổi một cách căn bản. Nghĩa là, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước phải giảm xuống dưới một mức độ nhất định để sao cho tỷ phần tham gia của các cổ đông bên ngoài được tăng lên đến mức có ý nghĩa hơn.

Điều này sẽ mang lại hai tác dụng. Một là, sở hữu của cổ đông nhà nước khi không còn chi phối sẽ không thể tiếp tục bảo trợ cho những con người và bộ máy tổ chức cũ - vốn đã cho ra những thành tích kinh doanh yếu kém.

Thực ra, nếu những con người đó có năng lực thực sự nhưng do sự cản trở của cơ chế cũ mà không thể phát huy được năng lực lãnh đạo của họ, thì việc CPH sâu cũng chính là cơ hội để họ khẳng định năng lực bản thân.

Ngược lại, chỉ những người có năng lực lãnh đạo kém cỏi mới dễ bị đào thải ra khỏi tổ chức mới, và chính vì vậy những người này mới tìm cách cản trở hoặc trì hoãn tiến độ CPH hoặc CPH nửa vời nhằm duy trì sở hữu chi phối của Nhà nước mà về bản chất chính họ mới là người đại diện và hưởng lợi.

Chính vì vậy, việc các lãnh đạo doanh nghiệp cố tình trì hoãn hay làm chậm lại quá trình CPH, hoặc tìm cách vận động để Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối sẽ phát đi một tín hiệu cho thấy bản thân họ đang có vấn đề về năng lực lãnh đạo. Tất nhiên trên thực tế không ai lấy lý do kém cỏi về năng lực lãnh đạo để giải thích cho sự chậm trễ trong CPH, thay vào đó người ta sẽ tìm cách giải thích ở góc độ lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội hoặc thậm chí là an ninh quốc gia.

Hai là, tăng sở hữu của cổ đông bên ngoài cũng có nghĩa là trách nhiệm và quyền lợi đối với các cổ đông mới sẽ lớn hơn và do đó họ sẽ có động cơ và có thể cải cách nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Ở đây xin được nhấn mạnh hai khía cạnh là động cơ và cái có thể. Nghĩa là chỉ khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông mới tăng lên, đi kèm là quyền và lợi ích cũng tăng lên, thì họ mới có nhiều động cơ hơn để dồn nguồn lực nhằm cải thiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tương tự, khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông mới tăng lên thì họ mới có thể có thực quyền trong việc tham gia các cải cách và đổi mới mô hình quản trị, hoạch định chiến lược cũng như thúc đẩy tính cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp.

Ngược lại, một khi DNNN được CPH nhưng Nhà nước vẫn nhất quyết nắm giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là chi phối gần như tuyệt đối, thì có lẽ cũng không cần phải CPH làm gì. Thực tế cho thấy với cấu trúc sở hữu của doanh nghiệp sau CPH như vậy gần như không có gì thay đổi cả, không thể làm thay đổi về chất trong kết quả hoạt động. Các cổ đông mới khi đó sẽ không có nhiều cơ hội để tham gia hoạch định chiến lược, điều hành và giám sát doanh nghiệp.

Tựu trung lại, chiến lược CPH DNNN lần này không thể rập khuôn như thời kỳ trước. Thay vào đó, một mặt Chính phủ sẽ phải thúc đẩy tiến trình CPH 432 DNNN trong hai năm 2014-2015 đúng như kế hoạch, mặt khác và quan trọng hơn, chính là tiếp tục thoái vốn nhà nước khỏi những doanh nghiệp đã CPH một phần. Thời gian qua, SCIC cũng đã thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp mà nó sở hữu, song nhìn chung là còn quá chậm chạp.

Rút kinh nghiệm từ các đợt CPH trước đây, chiến lược CPH lần này cần phải được tiến hành một cách thực chất và triệt để hơn, tránh CPH kiểu “ba nạc bảy mỡ” như trước.
                                                                                                                                                Theo: Vietstock.vn


Các tin khác