Doanh nghiệp giao thông như đi trên dây vì "đói" vốn
“Đa phần các doanh nghiệp ngành giao thông đều nợ ngân hàng từ trước chưa trả hết, do vậy giờ có báo cáo lãi thì những khoản lỗ cũ vẫn “treo lơ lửng trên đầu” . Nhiều doanh nghiệp như đang đi trên dây, khi có gió là dễ bị rơi tọt xuống ngay…”

Đó là nhìn nhận của Bộ trưởng Đinh La Thăng về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp lỗ vì… “đói vốn”

   Các doanh nghiệp giao thông đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước của Bộ GTVT tổ chức gần đây, đại diện của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 6 cho biết: Doanh nghiệp (DN) sau khi cổ phần hoá (CPH), mặc dù sản xuất kinh doanh có lãi nhưng lợi nhuận chưa cao, mức chia cổ tức thấp và còn tiềm ẩn lỗ.

Cũng theo vị đại diện này, nguồn vốn chủ sở hữu thấp chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh; vốn huy động lại hạn chế do Ngân hàng thắt chặt chính sách tín dụng đã làm ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN.

Tổng Giám đốc Cienco 5 Thân Đức Nam đặt ra vấn đề khi CPH nhiều đơn vị gặp khó từ những năm trước nên việc xử lý tài chính có nhiều phức tạp dẫn đến việc chuyển đổi phải kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

“Nếu chỉ làm xây lắp không sẽ chẳng có lãi. Lợi nhuận chỉ đạt từ 5-10%, nhưng lãi suất vay ngân hàng 20%/năm. Điều này trái ngược với DN thuộc các bộ khác như Bộ Xây dựng làm ăn tốt. Nên CPH, tái cơ cấu và gộp các DN lại” - ông Nam bày tỏ quan điểm.

Về phía Bộ GTVT, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Vụ trưởng, Vụ tổ chức cán bộ thừa nhận tình hình tài chính của các DN thuộc Bộ GTVT gặp rất nhiều khó khăn, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản chưa được các chủ đầu tư thanh toán quá lớn, vốn lưu động nhà nước cấp cho DN ít.

“Thiếu vốn nên các DN buộc phải vay ngân hàng để sản xuất kinh doanh, từ đó giá thành sản phẩm cũng tăng do phải trả lãi vay cao nên kết quả sản xuất kinh doanh thấp. Có những đơn vị lãi kinh doanh không bù lại được lãi vay ngân hàng, dẫn đến nợ đọng kéo dài không có khả năng thanh toán, thậm chí có doanh nghiệp lâm vào tình trạng có thể bị phá sản” - ông Thắng lý giải.

Nói về thực trạng trên, đã có những ý kiến cho rằng, cùng là doanh nghiệp, là các công ty xây dựng công trình, thế nhưng các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng làm ăn tốt hơn, có lãi hơn, còn doanh nghiệp giao thông thì èo uột, thua lỗ.

Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ: “Thủ trưởng của 1 đơn vị mà các doanh nghiệp của mình bị người ta chê thì buồn lắm chứ. Thấy doanh nghiệp thuộc các Bộ ngành khác kinh doanh thắng lợi, còn doanh nghiệp ngành mình lỗ làm tôi suy nghĩ”.

Lý giải về vấn đề này Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Công nghệ thi công xây lắp của giao thông là rất khá, nhân lực cũng rất khá, tuy nhiên quy mô vốn thì quá nhỏ. Thực ra các doanh nghiệp không lỗ nhưng phải chịu hậu quả quá nặng nề từ việc đấu thầu, đấu thầu giá thấp nhưng khi giá thi công xây lắp thực tế lại tăng lên nên họ phải đi vay, vay từ trước nên nhiều doanh nghiệp lúc nào cũng như đi trên dây, khi có gió là dễ bị rơi tọt xuống ngay”.

Phải giải quyết dứt điểm trong quý 4/2011

Về hướng giải quyết tình hình khó khăn của các doanh nghiệp giao thông hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm trong quý 4/2011.

“Cần xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể. Trong đó, lựa chọn được ngành nghề mà nhà nước cần phải nắm giữ, còn cái gì mà các thành phần kinh tế khác làm tốt hơn thì để họ làm. Trước mắt, Bộ GTVT nên sắp xếp lại DN Nhà nước và trong quá trình đó cần phân loại để xử lý lỗ. Càng lỗ càng phải bán nhanh, để lâu sẽ mất vốn.

Riêng vấn đề Nhà nước chậm thanh toán tiền cho các DN, DN nộp thuế chậm thì Nhà nước phạt, nhưng Nhà nước chậm thì không bị ai phạt thì tôi cũng thấy vô lý, việc này phải bình đẳng” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định bằng các biện pháp khác nhau, như mua bán, sát nhập doanh nghiệp, tổng thể các giải pháp để giải quyết nợ doanh nghiệp, khi đã sát nhập DN lại thì phải đưa ra tiêu chí cho chặt. Chủ tịch, tổng giám đốc phải đáp ứng được tiêu chí đặt ra mới đưa vào chứ không phải là vấn đề cá nhân, do vậy phải cân nhắc. Khi thực hiện như vậy, vốn nhà nước phải được bảo toàn, phát triển và phải đảm bảo được đời sống cho người lao động.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các doanh nghiệp xây lắp cần phải đầu tư ngành nghề nghề sản xuất vật liệu liên quan đến nghề xây lắp. Lí do là các đơn vị xây lắp của ngành giao thông rất mạnh, chuyên làm đường nhưng không có được các khu mỏ cung cấp vật liêu, sản xuất manh mún, thậm chí chủ yếu sử dụng khu vực của tư nhân. Khi đã thi công thì phải tính toàn cho đủ, tính cả vốn chậm, các yếu tố bên ngoài tác động vào, rồi dự toán kinh phí.

“Có nhiều công trình, khi từ khi tính toán tới khi đấu thầu cánh nhau đến 5 năm, giá đã có nhiều thay đổi nhưng cũng không điều chỉnh, vẫn cùng giá đó. Giá trúng thầu thấp hơn giá thời điểm đó, thì tất nhiên chất lượng sẽ kém, thậm chí không làm được rồi bỏ bê. Cứ như vậy giá thành cao, thậm chí chất lượng vật liệu không tốt. Đó là kiểu làm ăn không chuyên nghiệp, kiểu bóc ngắn cắn dài, thậm chí có công trình làm được vài năm thì xuống cấp” - Bộ trưởng Thăng cho hay.

Về các dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định dứt khoát Chủ tịch và Tổng Giám đốc đó phải chịu trách nhiệm, chứ không thể cứ đầu thầu rồi để bừa ra.


THEO  DÂN TRÍ

Các tin khác