Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu xây dựng công trình giao thông ở nước ta

1. Từ cơ hội cho các tổng công ty xây dựng công trình giao thông tham gia dự gói thầu...

Sau nhiều thập kỷ thực hiện hình thức giao thầu xây dựng nói chung, xây dựng công trình giao thông (XDCTGT) nói riêng và theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hình thức đấu thầu theo Quyết định 183/TTg ngày 16 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng xét thầu quốc gia và sau đó Nghị định 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 về quy chế đầu thầu, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của việc thực hiện quá trình chuyển đổi tổ chức và quản lý xây dựng. Từ đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng bắt đầu bước vào một thời kỳ mới của sự phát triển, đó là thời kỳ cạnh tranh trong đấu thầu các công trình xây dựng. Những năm gần đây, Nhà nước đã dành một nguồn lực đáng kể để khôi phục, mở rộng và xây dựng hàng loạt CTGT trên tất cả các vùng, miền của đất nước. Chỉ tính riêng vốn nhà nước đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thì giai đoạn 1991-1995 đã đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 1996-2000 trên 37 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch 2001-2005, dự tính đầu tư hơn 85 nghìn tỷ đồng, trong đó, chỉ tính riêng công trình nhóm A đã có tới 20 dự án chuyển tiếp như dự án đường xuyên Á, hầm đèo Hải Vân,... Trên 20 dự án chuẩn bị khởi công và xây mới như dự án Cầu Thanh Trì, Cảng Đà Nẵng- Tiên Sa,... Năm 2000, riêng các dự án giao thông do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đã ước đạt 7 nghìn tỷ đồng. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2003, đầu tư phát triển hệ thống giao thông vẫn tiếp tục được ưu tiên, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước được bố trí tới hơn 11 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng số vốn đầu tư của ngân sách nhà nước. Những công trình giao thông không chỉ tăng về số lượng, mà còn tăng về quy mô, như dự án 161 km đường Hà Nội- Lạng Sơn 1.787 tỷ đồng, dự án 162 km Quốc lộ 10 là 3.386 tỷ đồng, dự án đèo Hải Vân là 3.489 tỷ đồng,... Bởi vậy, nếu sự dụng kém hiệu quả hoặc để lãng phí, thất thoát chỉ 1% tổng mức đầu tư cho mỗi công trình thì thiệt hại cũng tới 2-3 chục tỷ đồng. Ngược lại, nếu tiết kiệm được 1% tổng mức đầu tư cho các CTGT thì ngân sách nhà nước sẽ giảm chi được 110 tỷ đồng, lớn hơn cả phần vốn Nhà nước dự kiến dành cho “bảo lãnh tín dụng đầu tư” năm 2003. Mức tiết kiệm đầu tư vào các CTXDGT đựơc quyết định bởi nhiều nhân tố, trong đó đấu thầu (xét từ góc độ các doanh nghiệp XDCTGT) là một nhân tố quan trọng. Năm 2001, qua 28.644 gói thầu đã được đưa ra thực hiện đấu giá thì giá trị thầu đã thấp hơn giá gói thầu tới 527 triệu USD (4.599/5.086 triệu USD), đạt tỷ lệ tiết kiệm là 10,3%. Ở gói thầu Phả Lại, Cầu Lăng Cô, giá trúng thầu chỉ bằng 50% giá gói thầu nhưng công trình vẫn hoàn thành với chất lượng tốt và nhà thầu vẫn có lãi. Rõ ràng, việc Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, dẫn đến việc làm tăng số lượng công trình và tổng mức đầu tư của Nhà nước, của nhân dân trong lĩnh vực này thì các doanh nghiệp XDCTGT đang thực sự đứng trước nhiều cơ hội, đồng thời cũng có nhiều thách thức. Cơ hội đó là việc được tham dự đấu thầu tăng lên, còn thách thức là việc có trúng thầu hay không, về cơ bản, tuỳ thuộc vào khả năng của bản thân doanh nghiệp. 2. ... Đến năng lực của các Tổng công ty XDCTGT Hiện nay, trên toàn quốc, có rất nhiều doanh nghiệp trung ương, địa phương và doanh nghiệp nước ngoài tham gia xây dựng các CTGT; Trong đó 16 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những đơn vị mạnh. Nhiều tổng công ty trong số này đã thăng cuộc trong quá trình dự thầu các gói thầu XDCTGT ở nước ngoài, nhưng thật trớ trêu lại thua cuộc với đối thủ nước ngoài tại các gói thầu trong nước. Vấn đề nổi lên trong các cuộc thắng thua này, xét về bản chất là do khả năng cạnh tranh của các Tổng công ty. Trong lĩnh vực đấu thầu XDCTGT, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (nhà thầu, tổng công ty, công ty,...) là toàn bộ năng lực về tài chính, thiết bị, công nghệ, lao động, marketing, tổ chức quản lý,... mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra lợi thế của mình so với các doanh nghiệp khác. Hiện nay, các tổng công ty XDCTGT ở nước ta đã được tăng cường về nguồn lực, nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập. Trước hết về nguồn vốn, các tổng công ty đều chưa chủ động được về nguồn vốn cho hoạt động. Hầu hết các tổng công ty XDCTGT lớn của Việt Nam như CIENCO 1, CIENCO 2, CIENCO 3, CIENCO 4, Thăng Long, Trường Sơn, Sông Đà, tỷ trọng vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản chỉ bằng 6,62%-29,3%, trong khi đó, tỷ trọng này của các công ty XDCTGT nước ngoài tại Việt Nam từ 42 đến 77%. Đó là sự bất lợi của các tổng công ty XDCTGT Việt Nam trong việc chủ động huy động nguồn vốn cạnh tranh đấu thầu. Thứ đến xét về trình độ thiết bị đồng bộ hiện đại của các tổng công ty XDCTGT nước ta hiện nay còn thấp, hầu hết chỉ đạt được từ 16,5% đến 29,4%. Thêm vào đó, kinh nghiệm, trình độ tổ chức quản lý của các công ty XDCTGT nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, kể từ việc tổ chức hoạt động marketing tìm kiếm trị trường, cũng như nguồn nguyên liệu, trình độ đội ngũ cán bộ lập hỗ sơ dự thầu, quản lý tiến độ thi công, chất lượng công trình xây dựng, khả năng liên doanh, liên kết,... 3. Một số kiến nghị Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu của các tổng công ty XDCTGT nước ta trong những năm tới, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề chủ yếu sau đây: Một là, Về phía các tổng công ty XDCTGT cần tăng cường năng lực thu thập và nắm bắt thông tin liên quan đến dự án và gói thầu để giúp cho các nhà thầu quyết định có tham gia hay không tham gia đấu thầu; Nâng cao trình độ kỹ thuật xây dựng hồ sơ dự thầu; đổi mới cơ cấu và hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý điều hành dự án để giảm thiểu các chi phí chung, chi phí máy móc, thiết bị đồng bộ hiện đại và đổi mới công nghệ thi công; tăng cường khả năng liên doanh, liên kết giữa các tổng công ty XDCTGT trong nước khi liên doanh với các nhà thầu nước ngoài; thực hiện chuyên môn hoá cao kết hợp với đa dạng ngành nghề, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác, sản xuất vật liệu và các cấu kiện xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, hạ thấp giá thành xây lắp. Hai là, về cơ chế chính sách của Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý về đầu tư và xây dựng theo hướng củng cố và nâng cao năng lực của chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn với những quy định nghiêm ngặt về tổ chức bộ máy, phẩm chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm vật chất trước chủ đầu tư, tránh sự lạm dụng vai trò của họ trong quan hệ với nhà thầu; nghiên cứu các hình thức hỗ trợ thích hợp về tài chính cho các nhà thầu trong nước. (Tạp chí Kinh tế & Dự báo)
 

 


Các tin khác