Đầu tư bất động sản Bình Dương rơi vào “vòng xoáy” nợ xấu
 
 Theo báo cáo mới nhất về tín dụng, trong 6 tháng đầu năm 2012 ở tỉnh Bình Dương, có một vấn đề rất đáng quan tâm về dư nợ cho vay trong ba lĩnh vực không khuyến khích (bất động sản, đầu tư chứng khoán, vàng) lên đến hơn 3.400 tỉ đồng; trong đó hơn 1.248 tỉ nợ xấu phần lớn thuộc về đầu tư bất động sản và số nợ xấu không ngừng tăng 26,9% so với đầu năm. Đó là chỉ con số nổi trong “tảng băng chìm” của các nhà đầu tư bất động sản, trong khi vốn đầu tư theo dạng “đầu cơ” cá nhân còn “mắc kẹt” thì còn lớn hơn rất nhiều.


* Nợ xấu... vì nôn nóng “đầu cơ”


Vào những năm 2007 và 2008 là thời gian sôi động nhất của thị trường bất động sản mới nổi trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo nhận định của các công ty môi giới, năm 2007 Bình Dương đúng là năm “bùng nổ” thị trường bất động sản của tỉnh này, tạo nên sức hút rất mạnh các nhà đầu tư khắp nơi nhòm ngó, đổ xô về Bình Dương tìm mua bất động sản tăng lên chóng mặt. Trên thực tế tỷ lệ giao dịch bất động sản vào thời kỳ này diễn ra rất thành công. Đây là thời điểm các nhà hoạch định đầu tư làm các dự án bất động sản “hốt bạc”, riêng các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ “lướt sóng” mấy chốc cũng làm giàu. Thế nhưng “vận đổi sao đời” thời cơ chỉ có một vài lần nên nhiều người đến sau chính là những người lãnh “hậu họa” khi thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào “quỹ đạo” thoái trào sau 2-3 năm phát triển quá nóng. Cái “bong bóng” không còn hơi đã xẹp nhanh chóng đẩy các các nhà “ đầu cơ” nhỏ lẻ đến các ông chủ lớn đầu tư mở ra các dự án bất động sản rơi vào hoàn cảnh lao đao.


Trung tuần tháng 6, trở lại xứ sở của vùng đất phố thị ở huyện Bến Cát gặp được ông Phan Bá Đệ sống ở khu phố 4, thị trấn Mỹ Phước uống cà phê ngồi nhớ lại một thời “vàng son” nhà, đất ở nơi đây mà ai cũng tiếc nuối. Ông cho biết hồi năm 2007, người mua đất ở đâu kéo về Bến Cát săn lùng mua nhà, mua đất Bến Cát dữ dằn lắm. Họ chở cả xe tiền và sẵn sàng đặt cọc hàng trăm triệu để được giành mua ngay cả chục nền đất để “đầu cơ”. Thời đó, cứ mua đi bán lại kiếm lời rất “ngon ăn”. Có người đặt cọc đất lúc sáng đến chiều sang tay ngay kiếm lời vài chục tiệu đồng. Thời điểm khi đó, giá đất nền ở Bến Cát chỉ có giá 400 triệu đồng/nền loại 300m2 trong khu quy hoạch hiện đại, nhưng qua nhiều lần sang tay nó đã đây lên 1 tỉ đến 1,2 tỉ đồng/nền, thậm chí ở vị trí tốt hét giá đến 1,5 tỉ đồng/nền nhưng nhiều người vẫn tranh giành mua. Thậm chí, có nhiều người vay nóng ngân hàng với lãi suất từ 17 - 19 %/năm đổ vào mua đất nền, mua nhà để “đầu cơ” tìm cơ hội làm giàu. Với mục đích mua đi bán lại để kiếm lời trong thời gian ngắn hạn, nhưng giới đầu tư bất động sản không lường hết cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2008 đã làm đảo ngược kỳ vọng cho nhà đầu tư. Thực tế mặt trái đã “lộ diện” ngay tức khắc khiến nhiều đầu tư cấp tập đổ vốn vào thị trường bất động sản “đang nóng” đột ngột nguội lạnh khiến nhiều người không kịp “rút chân” ra khỏi “vòng xoáy” chìm nghỉm của thị trường hay nói chính xác bất động sản rơi vào hoàn cành “đóng băng”. Đến thời điểm này, giá đất ở Bến Cát – Bình Dương đã giảm xuống 2-3 lần so với trước năm 2007, mỗi nền đất quay về giá thật chỉ còn khoảng 450 triệu đồng/nền loại 300m2, thậm chí có nơi bán từ 1 đến 1,5 triệu đồng/m2 loại đất đã có quy hoạch đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh nhưng không có ai còn "mạo hiểm" đổ vốn đầu tư.


Nền đất đô thị ở Bình Dương bây giờ được rao bán khắp nơi, dán đầy vỉa hè, treo tràn ngập trên các hàng cây xanh dọc con phố. Có người ví rao bán nhà, đất bây giờ còn hơn cả “thảm họa” quảng cáo hút hầm cầu, khoan cắt bêtông gây biết bao khó chịu cho người dân, mất vẻ mỹ quan đường phố. Bây giờ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà đầu cơ đang mắc kẹt với vô số nền đất, nhà phố lỡ trót mua bất động sản ở Bình Dương. Thảm họa còn lớn hơn khi phần lớn nhà, đất đang bị bỏ hoang phế đến mức không thể tin nổi. Đi vào giữa trưa ở phố thị Bến Cát chúng tôi như đang lạc con phố với hàng hàng nhà phố liên kế đóng kín cửa vắng người đáng sợ.


Sự đi xuống của thị trường kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, trong đó gánh nặng nguồn vốn đã lỡ đầu tư bị “chôn” vào nhà đất rất đáng lo. Trong khi đó, các nhà đầu tư vay ngắn hạn đầu cơ vào bất động sản đang đến kỳ đáo hạn trả nợ ngân hàng nhưng không bán kịp “tháo chạy” khỏi thị trường ngày càng đi xuống và “đóng băng” kéo dài. Gặp khó khăn cho đầu ra, giá nhà, đất đưa về giá trị thật của nó so với hồi sốt ảo cũng khiến những người đầu cơ lỗ nặng, huống chi họ còn gánh thêm lãi suất cao của ngân hàng vô hình chung làm gia tăng nợ xấu.


* “Khủng hoảng thừa”... bất động sản


Có thể nói, Bình Dương là địa phương phát triển rất nóng các dự án bất động sản. Chỉ trong một thời gian rất ngắn 5-6 năm trở lại đây, có đến 220 dự án bất động sản với tổng diện tích lên đến trên 8.500ha phần lớn cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân mở ra đầu tư. Trong đó, có 148 dự án do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, số còn lại do UBND các huyện, thị xã lập quy hoạch và phê duyệt đang triển khai xây dựng. Các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã nằm vùng lân cận với Thành phố Thủ Dầu Một như thị xã Thuận An, Dĩ An. Riêng huyện Bến Cát được xem là thị trường bất động sản gây “khuynh đảo” có đến 22 dự án khu dân cư , đô thị với tổng diện tích lên đến 5.299 ha.


Theo đánh giá từ sở Xây dựng Bình Dương: Gần một nửa số dự án bất động sản có đến 94 dự án trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi đó có đến 23% số dự án đã cơ bản hoàn thành, chiếm đến 51 dự án, số còn lại đang khởi động công tác triển khai dang dở với dạng “da beo” (đầu tư hạ tầng, giải tỏa chưa hoàn chỉnh). Tuy nhiên, theo đánh giá thực tế thì số người dân có nhu cầu nhà ở thực sự không đến mức cần xây dựng số dự án bất động sản lại lớn đến như vậy.


Có một thực tế cho thấy, qua điều tra dân số hồi năm 2009, dân số trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt 1,5 triệu dân, đến nay thì đã gia tăng hơn con số này nhờ lượng người nhập cư vào tỉnh mỗi năm là rất lớn. Tuy nhiên so với số lượng dự án bất động sản đầu tư ở Bình Dương thì “cung quá vượt cầu” gấp đến nhiều lần nhu cầu thực tế cần mua nhà, đất để ở của người dân.


Đánh giá của các nhà chuyên môn bất động sản cho hay: Số cư dân trong tỉnh có nhu cầu mua bất động sản để ở, xây dựng nhà ở là có nhưng chưa đến mức bức xúc trầm trọng. Riêng hàng trăm ngàn công nhân lao động tại các khu công nghiệp tuy có bức xúc chổ ở thì họ vẫn chưa có đủ khả năng tài chính để sở hữu mua những căn nhà, những nền đất có quy hoạch trong các dự án bất động sản được bán ra với giá trị hàng trăm triệu đồng/nền, thậm chí đến hàng tỉ cho một căn nhà phố.


Do đó, phần lớn các dự án bất động sản xây dựng ở Bình Dương đều nhắm đến vào thị trường bên ngoài tỉnh như TP Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận trong khu vực miền Đông
Nam bộ, thậm chí “kêu gọi” các nhà đâu cơ đến từ thị trường Hà Nội.


Có một nghịch lý đang diễn ra, phần lớn các dự án bất động sản (phân nền, xây nhà phố liên kế) đều rơi vào dạng “đầu cơ” chiếm số đông, trong khi có rất ít người mua để sinh sống nên có chuyện nhà, đất bị bỏ hoang ở tỉnh Bình Dương đang diễn ra với một thực trạng rất đáng quan ngại./.

Theo:TTXVN.


Các tin khác