Đầu năm 2008, bốn người tâm đắc gồm các ông K., H., B., Đ. hợp tác, góp vốn thành lập Công ty cổ phần KHB, kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, tư vấn chuyển giao công nghệ, tổ chức sự kiện, đào tạo, quảng cáo... vốn là thế mạnh về chuyên môn của cả bốn người, đặc biệt là của ông K. và ông H. - những người đã có học vị tiến sĩ chuyên ngành. Số vốn điều lệ của công ty là 1 tỉ đồng, trong đó ông K. góp 300 triệu, ông H. 300 triệu, ông B. 200 triệu và ông Đ. 200 triệu đồng. Đáng lưu ý là ông B. và ông Đ. là hai anh em ruột. Ông B. được bầu làm Tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật của công ty, còn ông K. là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tháng 3-2008, việc góp vốn hoàn tất. Công ty đã thuê văn phòng và khai trương hoạt động. Ngay khi góp vốn, một sự kiện không bình thường đã xảy ra: ông Đ. đề nghị ông K. cho vay 200 triệu đồng để góp vốn và sẽ trả trong thời hạn 10 ngày. Ông K. đã đồng ý cho vay, ông Đ. đã có tên trong danh sách các cổ đông sáng lập và phiếu thu tiền góp vốn là 200 triệu đồng.
Nhưng sau đó, dù đã đôn đốc rất nhiều lần, ông Đ. vẫn không thanh toán trả cho ông K.Từ tháng 5 đến tháng 8-2008, ông B. - Tổng giám đốc công ty - đã lập nhiều giấy biên nhận “tạm ứng” tiền của công ty với tổng số tiền 400 triệu đồng. Sau khi đã “ứng” đủ 400 triệu đồng, ông B. bỗng dưng biến mất, không hề đến công ty nữa.
Là chủ tịch hội đồng quản trị, ông K. đã đến kiểm tra và thu giữ được con dấu của công ty. Song, tiền trên tài khoản của công ty không còn, tiền mặt đã bị “tạm ứng” hết. Ông K. đã ký rất nhiều giấy mời mời ông B. đến điều hành công ty, nhưng ông B. vẫn...im lặng.
Đến kỳ phải nộp tờ khai thuế, ông K. đành ký và đóng dấu công ty với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. Song, cơ quan quản lý thuế đã không nhận vì theo Luật Quản lý thuế, ký tên, đóng dấu vào tờ khai thuế hàng tháng phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ông K. quyết định triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường để thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.
Song, đã qua bốn lần triệu tập họp, tham dự vẫn chỉ có ông K. và ông H., chiếm 60% số vốn điều lệ của công ty. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp quy định, để thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty phải có số phiếu nhất trí đại diện cho ít nhất 75% số vốn có quyền biểu quyết.
Sự “bùng nhùng” của công ty cổ phần KHB kéo dài từ tháng 5-2008 đến nay và hàng tháng, do không có người đại diện theo pháp luật, công ty đều bị phạt vi phạm hành chính vì... không nộp tờ khai thuế. Cũng vì không có người đại diện theo pháp luật, nên công ty không thể thông báo tạm ngừng kinh doanh.
Tháng 12-2009, ông K. làm công văn đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh cử cán bộ đến dự họp đại hội đồng cổ đông bất thường, triệu tập lần thứ 5 và chứng kiến việc có hai cổ đông, chiếm 40% vốn điều lệ, cố tình không dự họp. Song, Phòng Đăng ký kinh doanh đã từ chối và hướng dẫn ông K. làm đơn khởi kiện ra tòa án.
Thấy gì trong công tác quản trị doanh nghiệp?
Từ sự kiện người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần KHB bỗng nhiên “biến mất” và Chủ tịch Hội đồng quản trị tự nhiên trở thành một “Từ Hải” thời @, chúng ta có thể nhận thấy một số điều cần bổ sung cho Luật Doanh nghiệp.
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất kỳ quy định nào về việc xử lý khi một cổ đông của công ty cổ phần hay một thành viên góp vốn của công ty TNHH vô trách nhiệm đối với công ty thông qua việc không tham gia họp đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên, không ủy quyền cho người khác và cũng không chuyển nhượng vốn cho ai. Vì vậy, chỉ cần một cá nhân chiếm 25,2% vốn điều lệ là đã có thể vô hiệu hóa tất cả các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên.
Trường hợp của Công ty cổ phần KHB, vốn của ông B. và ông Đ. chiếm tới 40% vốn điều lệ và đã đưa công ty tới tình trạng “dở sống, dở chết” là một ví dụ điển hình.Trong giai đoạn hiện nay, những bất đồng trong nội bộ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang có xu hướng gia tăng và tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như ở Công ty cổ phần KHB nêu trên không phải là ít. Phải chăng, cần nghiên cứu để bổ sung vào Luật Doanh nghiệp điều khoản về “xóa tư cách cổ đông/thành viên góp vốn” để những người đồng sở hữu có thể tự xử lý những trường hợp vô lý như ví dụ nêu trên?
Thứ hai, rất cần có quy định thống nhất về thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết những bất đồng trong nội bộ doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, đây là vấn đề chưa rõ ràng, do đó mỗi địa phương xử lý theo một nguyên tắc riêng. Có nơi, cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp tham dự các cuộc họp của doanh nghiệp và xử lý những vướng mắc phát sinh. Song, có một số nơi Phòng Đăng ký kinh doanh lại cho rằng, việc xử lý những tranh chấp nội bộ doanh nghiệp không thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình mà đó là việc của tòa án.
Song, lại có một số trường hợp, sau khi tòa án đã phán quyết, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản khác với phán quyết của tòa dẫn đến tình trạng một công ty song song tồn tại hai hội đồng quản trị, hai chủ tịch hội đồng quản trị và thậm chí là hai tổng giám đốc như đã xảy ra ở Nghệ An, TPHCM và một số nơi khác nữa.
Thứ ba, với những người góp vốn thành lập doanh nghiệp, bài học quan trọng được rút ra là, không bao giờ được sử dụng lòng tin thay cho những thủ tục pháp lý cần thiết. Lòng tin là vô cùng quan trọng. Nếu không tin nhau thì không thể hợp tác được với nhau. Song, lòng tin lại rất vô hình. Do đó, bên cạnh lòng tin, không thể bỏ qua những thủ tục hành chính cần thiết.
Trường hợp của ông K., Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KHB, nêu trên đã vì lòng tin mà gánh hậu quả rất nghiêm trọng. Khi ông K. cho ông Đ. vay 200 triệu đồng để góp vốn cũng chỉ qua trao đổi bằng lời nói. Đến nay, ông Đ. không trả cho ông K. và ông B. anh của ông Đ. đã rút hết vốn góp ra khỏi công ty. Ông K. không có bất kỳ chứng từ gì để đòi lại tiền của ông Đ. Đó là sai lầm thứ nhất của ông K. vì lòng tin.
Sau đó, việc ông B. biến mất với thời gian khá dài, ông K. vẫn không khởi kiện ra tòa vì “là anh em với nhau, ai nỡ...” là sai lầm thứ hai. Vì vậy, toàn bộ số tiền góp vốn đã hết, cán bộ, nhân viên không được trả lương và đã ra đi, công ty chỉ còn một cách là giải thể.
Câu chuyện của Công ty KHB và ông chủ tịch hội đồng quản trị bỗng nhiên trở thành một “Từ Hải thời @” có thể là một ví dụ điển hình về việc quản trị doanh nghiệp theo những nguyên tắc cổ xưa của nền “văn minh lúa nước” - một nhược điểm rất lớn trong quản trị doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.
- Bài "Có một 'Từ Hải" thời nay..." của Luật gia Vũ Xuân Tiền nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, chỉ ra những thiếu sót của tác giả khi chưa vận dụng đúng Luật Doanh nghiệp trong trường hợp này.
Chúng tôi sẽ đăng tải bài "Từ Hải không chết đứng" sau khi TBKTSG bản in phát hành vào sáng thứ Năm (18-3-2010).
Tòa soạn TBKTSG Online
|