Nhận diện rõ hơn tình hình Tuy cơ chế cũng mở một ít khi cho phép thỏa thuận lãi suất đối với những khoản vay tiêu dùng, dư nợ loại này thực ra chiếm tỷ trọng nhỏ. Thực tế, theo lý lẽ của ngân hàng, khi đầu ra bị khống chế chặt, chênh lệch thu hẹp, lợi nhuận suy giảm, buộc họ phải tăng thu phí. Với doanh nghiệp thì ngược lại, từ vài tháng nay họ luôn bị ám ảnh bởi viễn cảnh lãi suất tăng dài dài, ngay cả khi được vay theo lãi suất trần vẫn phải bấm bụng chi thêm nhiều thứ phí không rõ ràng. Trở ngại tiếp theo là đầu vào huy động vốn. Diễn biến gần đây cho thấy vốn trên thị trường đang thực sự khan hiếm. Nếu cứ mãi đuổi theo cơn lốc nâng lãi suất thì thực sự nguy hại, không chắc tăng được nguồn mà còn làm rối thêm tốc độ dịch chuyển vốn từ nơi này qua nơi khác, khuyến khích tâm lý đầu cơ khai thác chênh lệch “giá ngoài, giá trong”.
Ngân hàng thương mại hiện nay chỉ được ấn định lãi suất huy động dựa theo mức trần lãi suất cơ bản, không thể chạy theo “tiếng gọi của đầu ra”, càng không thể “nước lên thuyền lên” được. Thậm chí gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khuyến cáo và dành quyền ấn định trần huy động buộc các ngân hàng chấp hành. Trong điều kiện thị trường vốn có nhiều biến động phức tạp, giá vàng khuynh đảo đã hút một lượng tiền khổng lồ vào dạng cất trữ, các kênh đầu tư bất động sản - chứng khoán còn khát vốn, tâm lý người gửi tiền dao động mạnh... thì cung cầu vốn trở nên mất cân đối không phải là việc khó hiểu. Nguồn vốn tiết kiệm dân cư trước đây vốn được mệnh danh là “hòn đá tảng” trong chiến lược cân đối vốn của các ngân hàng, thì nay cũng không tránh khỏi hiện tượng bất ổn thường xuyên. Bài toán lãi suất đang vấp phải nhiều rối ren, đây là thực tế không thể phủ nhận. Cân bằng giữa rủi ro và lợi ích Xét trên khía cạnh “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, có thể lý giải tình trạng rối ren lãi suất theo hai hướng. Thứ nhất, đối với ngân hàng thương mại, về nguyên lý an toàn mà xét, đầu vào bao giờ cũng là gốc, có vai trò quyết định, là căn cứ để xác định đầu ra. Hay nói khác, đầu ra phải luôn dựa trên chất lượng và tính ổn định của nguồn lực đầu vào. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào nguyên lý này cũng được tôn trọng đầy đủ. Đã có nhiều trường hợp “mặc áo quá đầu”, cho vay vượt tỷ lệ an toàn vốn, dùng vốn liên ngân hàng bù đắp thanh khoản để mở rộng tín dụng, cho vay trung dài hạn ngoài khả năng cân đối vốn ổn định... Rõ ràng đây là những “gót chân Asin”, nếu để kéo dài sẽ gây tổn thương đến tính an toàn hệ thống. Bản thân các ngân hàng thương mại phải thực sự nghiêm túc nhìn lại mình để sớm tự điều chỉnh nếu không sẽ đối diện với nguy cơ bị rút giấy phép hoạt động. Điều này không ai muốn nhưng cũng không thể không làm nếu buộc phải như vậy, không rõ NHNN đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống này chưa? Thứ hai, rủi ro về cân đối vốn hiện nay chính là hậu quả của chính sách “độc canh về tín dụng”, nếu không muốn nói là sai lầm lớn về chiến lược kinh doanh. Có thể xem rủi ro này như là “phép thử có giá trị” đối với năng lực quản trị của bộ máy lãnh đạo ở các ngân hàng. Cơ cấu thu nhập của ngân hàng thương mại nếu không được cải thiện theo hướng tăng cường tỷ trọng thu dịch vụ, không mở rộng được năng lực cung ứng sản phẩm dịch vụ theo hướng đa dạng, hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao... thì tất yếu sẽ không có lối thoát cho tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm nguồn lực vốn đầu tư phát triển vẫn chưa có lựa chọn nào tốt hơn ngoài tín dụng ngân hàng, không chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng mà bản thân doanh nghiệp cũng vấp phải nhiều hạn chế về cơ hội tiếp cận các nguồn vốn phục vụ mở rộng kinh doanh. Trong lúc đó sàn chứng khoán mang tên “chợ cao cấp” chưa được hoàn hảo, đôi khi khó tin cậy vì thiếu vắng khung pháp lý chặt chẽ cũng như bị thao túng quá mức bởi một bộ phận giới đầu cơ, do vậy chưa đạt đến tầm mức trở thành trụ cột tài chính nhằm hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp. Cuối cùng, về vai trò điều hành vĩ mô của NHNN. Hiện nay cơ quan này phải cùng một lúc đảm trách bổn phận thực thi mục tiêu kép “ổn định vĩ mô và duy trì tăng trưởng”. Hai nhiệm vụ này tưởng chừng mâu thuẫn nhau, làm được vế này sẽ ảnh hưởng không nhiều thì ít đến vế kia. Nhưng nhìn toàn cục thì hoàn toàn không phải như vậy, bởi suy cho cùng lợi ích cao nhất của chính sách tiền tệ không có gì khác hơn là bảo đảm tính ổn định và sự phát triển bền vững của đất nước. Điều quan trọng chính là nghệ thuật xử lý bài toán lãi suất sao cho thực sự linh hoạt, chọn đúng ưu tiên theo từng thời điểm, có khả năng làm chủ được tình hình, không vì lợi ích riêng rẽ cục bộ nào đó mà hy sinh lợi ích đại cục. Từ đây có thể hiểu được những nan giải, phức tạp mà NHNN đang phải đương đầu. Điều hành lãi suất: Lạt mềm buộc chặt Trước hết cần làm rõ thêm những tranh luận khá gay gắt liên quan đến vai trò lãi suất cơ bản. Phần lớn ý kiến dư luận đề nghị nên sớm quay trở lại cơ chế điều hành theo lãi suất thỏa thuận nhằm tháo gỡ bế tắc cung cầu vốn hiện nay. Đề xuất này đúng nhưng chưa phải lúc do những yếu tố vĩ mô chưa thực sự chín muồi để cơ chế này vận hành hoàn hảo. Trong bối cảnh người đi vay gần như không có sự lựa chọn cho riêng mình, thậm chí “được vay là quý lắm rồi”, thì người gửi tiền lại được trao quá nhiều cơ hội để mặc cả với ngân hàng. Sự bất tương thích này khiến thị trường bị lệch pha, nếu nôn nóng áp dụng ngay cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ như “đổ thêm dầu vào lửa”, đẩy tình hình theo chiều hướng xấu hơn. Cần nhìn lại quá khứ một chút, có thể nói hậu quả liên tiếp từ “Cú sốc tiền tệ 2008” với cơn lốc tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm 21%/năm, cộng thêm các biện pháp “Giải cứu kinh tế 2009” mang tính tình thế với nhiều hệ lụy sau khủng hoảng đã gần như phá vỡ mọi thành quả của cơ chế lãi suất thỏa thuận đã đạt được từ nhiều năm trước đây. Để lập lại tình hình bình thường quả thực không đơn giản, cần có độ chín về thời gian. Lối ra hợp lý lúc này là chọn phương án “Lạt mềm buộc chặt”, trong đó phải xác định đúng vai trò của từng chủ thể có liên quan trực tiếp đến “Ẩn số bài toán lãi suất ”, bao gồm: NHNN - doanh nghiệp - tổ chức tín dụng. Trước hết, NHNN cần phải tiếp tục cầm trịch chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất cơ bản, nhưng cần sử dụng “sức mạnh vật chất” nhiều hơn thay vì “sức mạnh hành chính”. Nghĩa là phải tối đa hóa hiệu quả các công cụ điều hành như thị trường mở, chiết khấu, tái cấp vốn... nhằm đáp ứng tính thanh khoản thông suốt cho nền kinh tế. Cũng cần lưu ý rằng bảo vệ tính thanh khoản không chỉ tối cần thiết đối với hệ thống tài chính - ngân hàng mà còn là tiền đề củng cố lòng tin xã hội vào sức mạnh của đồng tiền quốc gia. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho luồng tiền luân chuyển bình thường, hướng hoạt động huy động vốn đi vào ổn định lâu dài chứ không thể mãi chạy đua tăng lãi suất. Làm sao để mọi người dân và doanh nghiệp không phải lo toan phấp phỏng khi muốn “chọn mặt gửi tiền” vào ngân hàng, không “đứng núi này trông núi nọ” vì phải rượt đuổi theo sự cám dỗ của lãi suất? Có một thực tế, NHNN không thể nào quán xuyến hết mọi ngóc ngách, và cũng không nên “cầm tay chỉ việc” đối với ngân hàng thương mại, bởi hơn ai hết họ biết phải ứng xử như thế nào đối với tín hiệu thị trường, với khách hàng. Trong trường hợp cần thực hiện định hướng ưu tiên hoặc hạn chế đối với những ngành nghề, lĩnh vực có tính chất nhạy cảm thì hoàn toàn có khả năng sử dụng công cụ vĩ mô kết hợp và các định chế tài chính do Nhà nước chi phối để đảm bảo mục tiêu này. Ví dụ muốn hạn chế đầu cơ bất động sản, chứng khoán chỉ cần sử dụng công cụ thuế hoặc quy định mức trích lập rủi ro cao hơn mức bình thường. Tất nhiên khi đã có biên độ lãi suất thì tất cả các ngân hàng thương mại phải tuân thủ “luật chơi”, không được phép vận dụng thu phí tùy tiện, ngoại trừ danh mục phí dịch vụ được NHNN chấp thuận và phải niêm yết công khai minh bạch tại trụ sở giao dịch. Đề nghị sớm đoạn tuyệt cơ chế lãi suất thỏa thuận vừa khập khiễng, vừa mang tính nửa vời như hiện nay. Thay vào đó nên áp dụng biên độ trong điều hành lãi suất cơ bản, vừa xóa bỏ “cơ chế hai giá”, vừa cho phép các ngân hàng thương mại chủ động vận dụng lãi suất cho vay tùy theo mức độ tín nhiệm và nguy cơ rủi ro đối với từng loại hình khách hàng nhưng vẫn không thoát ly khỏi tầm kiểm soát chung. Lãi suất đầu ra có kèm biên độ không những tạo thuận lợi để ngân hàng yên tâm phục vụ khách hàng, mà còn hướng đến mục tiêu dài hơi hơn là bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự “tấn công tự phát” của vấn nạn tín dụng đen, lãi suất cao, hoặc các kiểu phí tổn phi chính thức khác. Bên cạnh đó, lãi suất huy động trước mắt vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, không cho phép thoát ly quá xa một cách vô lý so với chỉ số CPI, tuy nhiên nên cho phép mở biên độ phù hợp đối với huy động kỳ hạn dài từ một năm trở lên nhằm khuyến khích tăng độ ổn định nguồn vốn.