Cơ hội cho nhà thầu nội
 

“Có trường hợp đơn giá 1m3 vật liệu làm cầu được nhà thầu Nhật Bản tính với giá 1.000 USD nhưng lại thuê lại thầu phụ VN với giá 100 USD…” - một giáo sư Nhật Bản chuyên nguyên cứu về VN đã phàn nàn như vậy khi viết trên báo Nhật Bản nói về hiệu quả vốn ODA tại VN.


Theo tổng kết của Bộ Xây dựng, hàng năm có khoảng 150 lượt nhà thầu nước ngoài vào VN thực hiện các công trình xây dựng, trong đó chỉ có khoảng 10% số nhà thầu thực hiện các gói thầu có vốn nhà nước theo hình thức đấu thầu quốc tế, mà chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay ( ODA ). Như vậy, còn khoảng 90% số nhà thầu nước ngoài vào VN để thực hiện các công trình vốn FDI và các công trình không phải vốn nhà nước chưa được Luật Đấu thầu điều chỉnh.

“Hàng rào” linh hoạt

Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Xây dựng , việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài là thông lệ quốc tế, thể hiện chủ quyền quốc gia của nước chủ nhà đối với hoạt động kinh doanh của pháp nhân nước ngoài. Mặc dù mỗi nước có những quy định khác nhau nhưng đều có quy định chung là khi nhà thầu nước ngoài vào hoạt động xây dựng hoặc tư vấn xây dựng ở các nước này đều phải đăng ký để được xét cấp giấy phép hoặc chứng nhận thầu.

Nhiều quốc gia lân cận đã áp dụng chính sách cấp phép cho nhà thầu ngoại rất linh hoạt. Ví dụ Malaysia hay Philipines cấp giấy phép cho từng trường hợp nhận thầu. Còn Trung Quốc và Indonesia cấp phép theo thời hạn và bắt buộc phải lập văn phòng đại diện để thực hiện kinh doanh tại nước họ. Đối với Singapore việc cấp phép được thực hiện cho từng hợp đồng hoặc cấp có thời hạn cho chi nhánh. Còn Thái Lan có quy định không cho phép nhà thầu nước ngoài vào thiết kế kiến trúc và thầu xây dựng tại nước họ, trừ các trường hợp trong hiệp định vay vốn có quy định phải đấu thầu quốc tế đối với những công việc xây dựng mà trong nước không có khả năng thực hiện được.

Liên kết nhà thầu nội

 

Các nhà thầu trong nước cần liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bổ trợ cho nhau khi tham gia vào “đấu trường” quốc tế.

Những ví dụ phần trên đã cho thấy, thông lệ quốc tế và khu vực cũng hướng đến việc hạn chế nhà thầu nước ngoài, đồng nghĩa với việc tạo nhiều cơ hội hơn cho nhà thầu trong nước. Tuy nhiên, các nhà thầu nội cần không ngừng nâng cao năng lực của mình.

Theo ông Dương Văn Cận - Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu, mấu chốt khiến nhà thầu nội dễ thua là do tư tưởng thích “gọn nhẹ” của chủ đầu tư. Giao bài thầu, hồ sơ minh bạch, nhưng chỉ cần một điều kiện nhỏ không nương tay, nhà thầu nội cũng khó lòng thắng được. Ví dụ, toàn bộ dự án hệ thống đường ống cấp nước của TP HCM trước kia, chỉ có một dòng là nhà thầu phải có kinh nghiệm làm đường ống phi 200, trong khi nhà thầu VN chưa có.

LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN nhận xét, thực tế cho thấy, nhà thầu VN đã dần khẳng định được thương hiệu và công nghệ của mình trong các lĩnh vực như: thủy điện, ngầm, cầu, lắp máy… và có thể vươn xa hơn nữa trong những gói thầu quốc tế. Bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay chính là điều kiện tốt để các nhà thầu tái cơ cấu, tập trung mũi nhọn để có thể cạnh tranh, thắng thầu với các nhà thầu nước ngoài vốn có tiềm lực lớn mạnh. Và khi cần thiết, các nhà thầu trong nước cần liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bổ trợ cho nhau khi tham gia vào “đấu trường” quốc tế. Đây mới là mục tiêu các nhà thầu nội cần hướng tới.

Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 244 km, tổng đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA. Phần lớn tuyến đường do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu), gồm Tập đoàn Posco, Keangnam, Doosan. Gói thầu còn lại do Cty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) và nhà thầu Vinaconex (Việt Nam) thực hiện. Dự kiến toàn tuyến cao tốc này sẽ được thông xe vào tháng 6/2014 - chậm 2 tháng so với tiến độ đề ra ban đầu, dù Bộ GTVT đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu ngoại trong quá trình thực hiện.


                                                                                                                      Theo: dddn.com.vn
 


Các tin khác