Thứ hai, vấn đề về giấy phép đối với ngành nghề có điều kiện và mã ngành kinh doanh. Luật DN 2005 đã ghi nhận nguyên tắc xóa đi giấy phép “con” tại Khoản 5 Điều 7 với nội dung: “Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.
Quy định này đã hạn chế tình trạng các bộ, ngành đưa ra những loại giấy phép chuyên ngành, làm mất đi quyền tự do kinh doanh của DN. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm áp dụng, hiệu quả của quy định trên đã dần dần giảm bớt với một loạt các quy định mới gọi là " giấy phép chuyên ngành". Tôi lấy ví dụ: bên ngành chứng khoán có giấy phép hoạt động môi giới, hoạt động lưu ký, hoạt động bảo lãnh phát hành; bên ngành bảo hiểm có giấy phép thành lập và hoạt động DN bảo hiểm... Bên cạnh giấy phép con, các quy định về mã ngành kinh doanh cũng chưa đầy đủ; việc áp mã số trên thực tế rất khó khăn; nhiều ngành, nghề đăng ký không có trong danh mục.
Thứ ba, về thời hạn góp vốn khi thành lập DN. Điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP Hướng dẫn Luật DN quy định thời hạn góp vốn của cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua trong Cty cổ phần là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, trong khi thời hạn góp vốn đối với thành viên của Cty TNHH lại là trong vòng 36 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Việc quy định thời hạn góp vốn quá dài như trên dẫn đến việc nhiều Cty TNHH không trung thực trong việc góp vốn bằng cách "khai khống", "khai ảo" vốn điều lệ, lợi dụng kẽ hở này để tham gia các dự án giá trị lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ tư, về phạm vi người được tặng cho phần vốn góp. Khoản 5 Điều 45 Luật DN quy định: "Thành viên có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại Cty cho người khác”. "Trường hợp người được tặng cho là người có cùng huyết thống đến thế hệ thứ ba thì họ đương nhiên là thành viên của Cty …". Tôi không rõ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế nào dẫn đến quy định trên. Việc chỉ sử dụng căn cứ "huyết thống" để xác định phạm vi người được tặng không hợp lý khi pháp luật thừa nhận nguyên tắc bình đẳng giữa cha, mẹ, con nuôi.
Theo:dddn.com.vn