Sau khi có Luật Đất đai năm 1993, việc chia cấp, giao quyền sử dụng đất ruộng cho hộ nông dân được tiến hành ở nhiều địa phương. Theo luật này, thời hạn sử dụng của loại đất ruộng trồng lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản sẽ kết thúc vào năm 2013, tức 20 năm kể từ khi được giao đất. Vậy sau năm 2013 có chia lại ruộng đất hay không? Đây là vấn đề được nhiều người dân đặc biệt quan tâm và cũng là nội dung được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai hiện hành.
Về đất nông nghiệp, lâu nay đã xảy ra tình trạng nhiều người không cần đất lại cứ “ôm” đất. Trong khi đó, nhiều người cần thì lại không có đất, một số phải đi thuê lại của người khác làm tăng chi phí sản xuất. Vậy tới năm 2013 có chia lại ruộng đất hay không? Nếu có thì chia như thế nào? Đây là câu hỏi lớn đang được đặt ra với nhiều luồng quan điểm khác nhau.
20 năm - nhiều biến động
Theo Nghị định 64/1993, đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, trong đó có đất lúa được giao đồng loạt cho người dân từ năm 1993 và sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2013. Số đất mỗi gia đình được giao căn cứ vào số người có trong nhà (sổ hộ khẩu). Tùy theo quỹ nông nghiệp của từng xã, mỗi suất đất khoảng 1-3 sào.
Kể từ khi giao đất nông nghiệp đồng loạt vào năm 1993 cho đến nay, ở mỗi gia đình với số người mới phát sinh như lấy vợ, lấy chồng, sinh thêm con… đã không được cấp thêm đất. Nhiều gia đình không đủ đất sản xuất đã phải đi thuê, mượn. Trong khi đó, nhiều gia đình khác lại có số người giảm xuống do con cái kết hôn và chuyển đến sinh sống ở nơi khác hoặc có người đã mất. Chưa kể, nhiều người tìm việc làm khác hoặc đã già yếu không làm nông nghiệp nữa nhưng đất của họ vẫn được giữ nguyên. Đất này họ cho thuê, cho mượn hoặc bỏ hoang. Như vậy, có sự bất hợp lý, bất bình đẳng về quyền lợi giữa gia đình có số người tăng lên và gia đình có số người giảm xuống hoặc không tiếp tục làm nông nghiệp.
Mặt khác, 20 năm qua đã có khá nhiều biến động về đất nông nghiệp của người dân. Dễ thấy nhất là một phần đất đai đã được Nhà nước thu hồi cho việc làm đường, nhà máy, khu công nghiệp, nhà ở hoặc người dân đã bán, thay đổi mục đích sử dụng đất.
Người muốn chia lại, người đề nghị giữ nguyên
Chỉ còn không đầy ba năm nữa là đến năm 2013, khi ấy số đất nông nghiệp được giao theo Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64/1993 sẽ hết hạn sử dụng. Vậy đến thời hạn đó thì có chia lại ruộng hay không? Đây là câu hỏi lớn đang đặt ra cho tiến trình sửa đổi Luật Đất đai hiện hành.
Xung quanh câu hỏi này có những ý kiến trái ngược nhau. Có quan điểm cho rằng cần phải chia lại ruộng đất để phù hợp nhu cầu sản xuất của người dân. Ngược lại, cũng có luồng ý kiến cho rằng không nên chia lại ruộng đất. Bởi nếu chia lại sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, nhạy cảm, khó lường.
Kết quả lấy ý kiến của hơn 8.000 hộ dân tại chín tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc do Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN-MT thực hiện, được công bố vào tháng 1-2011 cũng thể hiện hai luồng quan điểm đó với 38% số người được hỏi muốn chia lại đất và 55% số người được hỏi không muốn chia lại mà chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng như hiện nay.
“Tôi thấy nên chia lại đất nông nghiệp vì nhiều người đã chuyển sang nghề khác, không có nhu cầu dùng đất nữa. Nên lấy đất của những người này chia cho những người đang cần ruộng trong cùng một xã. Như vậy mới công bằng và đất được sử dụng có hiệu quả nhất” - bà Trịnh Thị Tình ở thôn An Cư, xã Trầm Lộng, Ứng Hòa (Hà Nội) nêu ý kiến.
Tuy nhiên, ông Lê Trung Hiếu ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, Khoái Châu (Hưng Yên) lại có ý kiến hoàn toàn khác: “Chia lại ruộng, nếu có thêm cũng chả đáng là bao vì quỹ đất của xã chỉ có vậy. Có chia lại thì cũng chả giải quyết được gì”. Cùng quan điểm này, ông Tạ Văn Nhuận ở thôn Yên Khê, xã Việt Hòa, Khoái Châu (Hưng Yên) bộc bạch: “Tôi không muốn “rũ” đất ra để chia lại, không nên có sự xáo trộn nữa. Người dân đã làm quen trên thửa đất của mình. Nên ổn định số ruộng đất đang có ở các hộ gia đình như hiện nay. Nếu người có ruộng mất đi thì con cháu họ sử dụng hoặc cho thuê lại đất đó”.
Theo PLTPHCM