Đổi mới chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo - Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vừa qua khẳng định.
Khó bay thẳng tới Mỹ vì thiếu phi công… mặt đất
Mặc dù Hiệp định Hàng không Việt - Mỹ đã được ký kết từ cách đây khá lâu (tháng 12/2003), vậy mà cho đến nay Vietnam Airlines vẫn chưa mở được đường bay thẳng tới Mỹ, trong khi đây là thị trường hàng không mà tất cả các hãng bay trên thế giới đều muốn chinh phục. Nguyên nhân khá bất ngờ - như chính Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam Lại Xuân Thanh công nhận: “Cái khó hiện nay đến từ phía Cục chứ không phải do Vietnam Airlines. Chúng tôi chưa đáp ứng được các điều kiện về kỹ thuật mà phía Mỹ đòi hỏi”.
Cụ thể, theo quan chức này, để mở được đường bay thẳng tới Mỹ, phía Mỹ sẽ thực hiện việc đánh giá năng lực của Cục Hàng không Việt Nam, trong đó, năng lực giám sát về an toàn được đặt lên hàng đầu. Vẫn theo ông Thanh, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhân lực. Phía Mỹ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải có ít nhất 2 phi công có kinh nghiệm để làm nhiệm vụ giám sát an toàn. Kẹt nỗi, với cơ chế lương hiện nay ở Cục, việc mời phi công về làm việc là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể! Mặc dù vị Cục trưởng cho biết đã xin được “cơ chế đặc thù” và có được khoản kinh phí để trả cho kỹ sư và phi công đảm nhận công việc giám sát an toàn về làm việc tại Cục, song ông Thanh cũng chỉ có thể “hy vọng chuyến bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam tới Mỹ được thực hiện trong năm 2011”.
Mới có 30% làm việc hiệu quả cao
Không phải đến bây giờ câu chuyện tìm kiếm và giữ chân cán bộ công chức mới được đặt ra, nhưng tình trạng “chảy máu chất xám” ở khu vực này vẫn đang là một thực tế buồn.
Được hỏi về nguồn nhân lực công, nhân sự kiện một chuyên gia đầu ngành của Ngân hàng Nhà nước quyết định rời nhiệm sở về đầu quân cho khu vực tư nhân (và trước đó là một vị Phó Tổng giám đốc thường trực của Đài truyền hình Việt Nam về AVG làm việc), một vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã bày tỏ sự lo lắng sâu sắc. Ông nói thẳng, kể từ năm 1986 trở lại đây, chúng ta đã có vài đợt giảm biên chế hành chính nhưng đều không đạt yêu cầu, lãng phí tiền của. Nguyên nhân là ở chỗ khâu thực hiện đã bị biến tướng, khiến cho người đáng giảm không giảm được, nói nôm na là “bình mới rượu cũ”, trong khi những người giỏi lại ra đi.
Còn ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính của Bộ này thì dẫn lời “lãnh đạo của một số bộ”, theo đó, trong các cơ quan hành chính chỉ có khoảng 30% cán bộ công chức làm việc có hiệu quả cao, khoảng 30% kết quả có mức độ, còn lại là không có sản phẩm gì cả. Theo ông Hòa, chương trình cải cách hành chính đặt ra mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của cán bộ công chức, đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng thực tế thì người dân và doanh nghiệp vẫn phàn nàn về cán bộ công chức khá nhiều. Nhìn chung, cải cách tiền lương và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức là hai mục tiêu “chưa đạt được” trong quá trình cải cách hành chính thời gian qua.
Không thể “dĩ hòa vi quý” nữa!
“Luật Công chức, Viên chức có quy định, công chức, viên chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc, nhưng không mấy thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện vì ngại va chạm, đơn từ; vì muốn giữ sự ổn định một cách hình thức cho đơn vị”, ông nhận Đinh Duy Hòa nhận xét.
Ngược lại, các quy định về điều kiện tuyển dụng công chức vẫn còn bất cập. “Chúng ta đặt tiêu chuẩn cho cán bộ công chức của Việt Nam quá cao so với thế giới. Nhìn về mặt hình thức thì bằng cấp, chứng chỉ tăng lên rất nhiều nhưng chưa tương xứng với chất lượng thực sự phải có”, ông Hòa ưu tư. Mặt khác, quá trình vận dụng những quy định này lại quá cứng nhắc. Nhiều người hẳn còn nhớ câu chuyện dở khóc dở cười ở một cơ quan nhà nước thuộc tỉnh Quảng Bình về một nữ công chức đang làm việc tốt bị cho thôi việc chỉ vì trót… có bằng đại học (trong khi yêu cầu tuyển dụng là người có bằng cao đẳng).
Quan trọng hơn, vấn đề “khổ lắm, biết rồi… cứ phải nói”: lương bổng thấp và môi trường làm việc thiếu sự cạnh tranh bình đẳng không thể giữ chân những người có chí tiến thủ, hăng hái làm việc. Các mối quan hệ thân quen, việc chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp và cả chạy tuổi (!) có tác động rất mạnh mẽ đến các quyết định tuyển dụng công chức. Đó là chưa kể tình trạng có những người giỏi ở lại trong bộ máy công, nhưng vì hai lý do căn bản trên mà cũng chỉ làm việc cầm chừng, chân ngoài dài hơn chân trong. Không có một thống kê nào như vậy, nhưng tỷ lệ chắc chắn là rất lớn.
Nguồn nhân lực tốt từ khu vực công không những “chảy” sang khu vực tư mà có thể còn chảy mạnh ra nước ngoài
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay, quốc gia nào cũng cần có người tài để giúp đưa đất nước nhanh chóng phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế, cả ở khu vực công và tư. Lựa chọn của nhiều quốc gia, kể cả những nước vốn nổi tiếng khắt khe với vấn đề nhập cư như Đức hay vốn đã đông dân nhất thế giới như Trung Quốc, là thu hút nhân tài ngoại. Cơn khát chất xám cồn cào trên toàn cầu đang lúc cao trào và Việt Nam không thể là ngoại lệ. Nguồn nhân lực tốt từ khu vực công không những “chảy” sang khu vực tư mà có thể còn chảy mạnh ra nước ngoài.
Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm cần có một bộ máy công tốt để hoạch định và thực thi chính sách một cách khôn ngoan, giúp đất nước tiếp tục đà tăng trưởng bền vững. Trong khi tiềm lực tài chính của đất nước chưa cho phép “thổi” quỹ lương lên gấp vài lần so với hiện tại thì trước hết, thủ trưởng của từng cơ quan đơn vị phải trực diện với những vấn đề gai góc nhất của tinh giản biên chế, đánh giá năng lực cán bộ mà không thể “dĩ hòa vi quý” nữa!