Cách chức lãnh đạo DNNN chần chừ cổ phần hóa
Thủ tướng yêu cầu thực hiện quyết liệt cổ phần hóa 432 DNNN, trong đó ủng hộ giải pháp Bộ trưởng GTVT làm đó là cách chức lãnh đạo DNNN nếu chần chừ thực hiện.
Nhiều vấn đề xung quanh cổ phần hóa DNNN được nêu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN của Chính phủ ngày 18/2. 
DNNN, cổ phần hóa, đầu tư, Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện quyết liệt cổ phần hóa 432 DNNN. Ảnh: Ngọc Thắng.
 

 Trong 3 năm qua, tổng số DN cổ phần hóa mới đạt 99/531 DN (trong đó riêng ngành giao thông chiếm 54 DN, có những Bộ chưa cổ phần hóa được DN nào như Bộ VHTT&DL). Tốc độ thể hiện qua con số cổ phần hóa thành công khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu triển khai còn chậm. Ông thúc giục hết năm 2015 các bộ ngành, cơ quan Nhà nước phải cổ phần xong 432 DN còn lại. 

Danh sách cổ phần hóa sẽ không chỉ dừng ở 531 DN. Thủ tướng giao các bộ ngành, song song làm quyết liệt cổ phần hóa phải đồng thời rà soát để bổ sung thêm theo hướng giảm mạnh hơn nữa DNNN giữ cổ phần chi phối, hoặc có vốn 100%, giảm bớt tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ.

"Lĩnh vực nào không cần chi phối mà anh cứ giữ thì ai muốn vào, anh quyết định hết người ta ngại. Cần rà soát để mạnh dạn cổ phần hóa. Hiệu quả quan trọng nhất là tạo động lực. Đa sở hữu tạo nên động lực" - Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng nhấn mạnh cổ phần hóa là 'con đường duy nhất', làm đồng bộ các lĩnh vực để các DNNN làm đúng vai trò hiệu quả hơn. Nhấn mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quyết liệt chỉ đạo của Bộ trưởng, trưởng ngành như 'giải pháp quyết định'.

Dẫn kết quả Bộ GTVT làm trong ba năm qua, Thủ tướng ủng hộ giải pháp Bộ này áp dụng đó là cách chức lãnh đạo DNNN không thông, chần chừ thực hiện. Những người không làm được chuyển sang làm nhiệm vụ khác. "Nhưng đừng có đề bạt cao hơn' - Thủ tướng nhắc khéo. 

DNNN, cổ phần hóa, đầu tư, Thủ tướng
 
Bán bao nhiêu, giữ bao nhiêu?

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà phản ánh những bất cập cơ chế tiền lương trong DNNN. 4 DN công ích ở TPHCM bị phát hiện sử dụng lao động khống như khai dùng 100 lao động nhưng thực chất là 50 để ăn chênh lệch, ký hợp đồng thời vụ 3 tháng hay dưới 3 tháng không có BHXH, thay vì hợp đồng 1-2 năm hay dài hạn, lương cao bất thường.

Hay những công ty như vệ sinh môi trường, một DN công ích có nhiệm vụ vệ sinh môi trường nhưng công việc này chiếm tỷ lệ không cao mà chủ yếu hoạt động kinh doanh khác. Ông Hà kiến nghị không cần giữ những DN như vậy, kể cả thoát nước theo diện DNNN bởi xã hội, hay các DN tư nhân có thể làm hiệu quả hơn, rẻ hơn, không phải quản lý, tốn kém bố trí cán bộ.

Trong khi đó, những DNNN nhóm kinh doanh có những nơi lương lãnh đạo kiêm nhiệm rất cao, sử dụng sai quỹ lương. Ông Hà cho hay, dù áp quy định lương cơ bản 1,5 triệu đồng/người/tháng nhưng có DN, sở ngành không hứng thú, cho rằng áp như vậy lương công nhân thấp. Nên có những DN áp dụng mức 2 triệu đồng đến khi bị thu hồi mấy trăm tỉ 'kêu rất dữ'.

Trong khi đó, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) kiến nghị Chính phủ nên quy định tỉ lệ cổ phần hóa cụ thể từng doanh nghiệp. Đề án cổ phần hóa DNNN nên cụ thể thêm chi tiết trong quy định bán cho ai, có bán cho nước ngoài không, bán cho nước ngoài thì bao nhiêu %, thông qua phương thức gì để đảm bảo không làm 'hỏng' DN.

Ông Tuất kiến nghị lưu tâm huy động cổ phần hóa từ nguồn đầu tư nội địa bởi tiền nhàn rỗi trong dân nằm ở dạng cất gối thông qua tích trữ vàng, tiền ngoại tệ rất lớn. Hút được nguồn vốn này không chỉ làm cho đồng nội tệ mạnh hơn, cũng là phương cách để tránh lệ thuộc quá lớn vào nguồn đầu tư nước ngoài.

Dẫn ra nhiều thương hiệu Việt bị thôn tính, biến mất vĩnh viễn trên thị trường khi cổ phần hóa như Tribeco, Dạso, ông cho rằng giữ được những thương hiệu mạnh trong tay những người Việt cũng là cách xây dựng một quốc gia mạnh, một nền kinh tế mạnh.

Không thoái vốn bằng mọi giá

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nêu một tâm lý có thực, bao trùm mọi tập đoàn, tổng công ty đó là 'sợ' thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Từ yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận tiện nên các DN muốn 'bảo toàn vốn' hơn là thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách. Khó khăn nữa là tìm đối tác trong lúc thị trường ảm đạm, thế giới kinh tế khủng hoảng khiến các DN lúng túng, gần như tìm đối tác để bán không có, mà hạn định thoái vốn thì cận kề.

Ông cũng cho rằng các quy định thoái vốn còn phân tán, chưa bao quát hết sự đa dạng các loại vốn cần thoái và không. Xử lý tình trạng sở hữu chéo chưa có chuyển biến mạnh cũng là áp lực khiến cho vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa khả thi và chưa có hiệu quả.

Chủ tịch BIDV đặt câu hỏi về 'ứng xử' trước thực trạng nếu DN đầu tư thua lỗ hoặc có DN đầu tư ngoài ngành hiệu qủa? 'Nhiệm vụ là phải thoái, nhưng không phải thoái bằng bất cứ giá nào. Còn việc thoái dưới giá trị sổ sách, thoái dưới mệnh giá nhưng trên nguyên tắc phải bù đắp được dự phòng thì tôi đồng ý nhưng phải có lộ trình rõ ràng' - ông Hà kiến nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình Chính phủ không ép DN phải thoái vốn bằng mọi giá. Những khoản đầu tư có cơ hội, hoặc sẽ có cơ hội thì chưa vội thoái nhưng tinh thần chung phải làm lành mạnh hóa tài chính của DN đầu tư ra ngoài ngành để DN tập trung vào đầu tư lĩnh vực chính.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, các DNNN phải tập trung dồn sức làm việc chính, vốn đầu tư ngoài ngành có thể chuyển cho SCIC bán dần thu hồi vốn cho Nhà nước. Việc thoái vốn phải 'cương quyết' làm bởi thực tế đã cho thấy những bất cập. Nhưng 'rút lui' cũng phải có trật trự, hiệu quả chứ không để xảy ra tình trạng 'toán loạn'.
                                                                                                                            Theo: vietnamnet.vn


Các tin khác