Nhiệm vụ nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vào cuối tháng 12-2013 với chỉ đạo: “Năm 2014, dứt khoát phải tái cơ cấu DNNN sau khi các đề án đã được phê duyệt xong. Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN không chịu cổ phần hóa (CPH) thì phải thay thế”.
Gánh nợ ngày càng nặng
Theo Bộ Tài chính, khu vực DNNN chiếm 31,41% tổng thu nội địa năm 2012 và trên 32% năm 2013, cao nhất trong 3 khu vực kinh tế và tạo ra khoảng 30% GDP hằng năm. Trong hai năm 2012-2013, trên 80% DNNN vẫn làm ăn có lãi. Tuy nhiên, gánh nặng nợ của các DNNN ngày càng nặng thêm, tạo áp lực tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế, buộc Chính phủ cân nhắc các phương án xóa nợ tiền thuế và tiền phạt khó đòi phát sinh trước năm 2007 cho 4 nhóm DNNN đặc thù theo Thông tư 179/2013/TT-BTC ban hành ngày 2-12-2013.
Năm 2012, chỉ riêng 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỉ đồng, tương đương 62-63 tỉ USD, xấp xỉ 50% GDP cả nước. Hơn nữa, các khoản nợ này bằng 78,9% doanh thu cả năm 2012, vượt 132% vốn chủ sở hữu (1.019.578 tỉ đồng) và chiếm hơn một nửa so với tổng tài sản 2.569.433 tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty này. Trong đó, khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là 402.955 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế; vay nợ nước ngoài là 315.851 tỉ đồng (vay ngắn hạn 70.659 tỉ đồng, dài hạn 245.192 tỉ đồng), trong đó 2/3 là vay ODA và được Chính phủ bảo lãnh. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, song có 48 đơn vị có tỉ lệ này gấp 3 lần trở lên.
Ngành xăng dầu còn bị phàn nàn là ngành độc quyền, cần thay đổi mạnh mẽ
về phương thức quản lý và điều hành Ảnh: TẤN THẠNH
Theo Tổng cục Thống kê, nếu như trước năm 2012, tỉ lệ vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào khu vực DNNN luôn có xu hướng tăng đều qua các năm thì bước sang năm 2013, tỉ trọng này lại có xu hướng giảm mạnh, từ 54,8% năm 2012 xuống còn 48,6% tổng nguồn vốn của DNNN trong 9 tháng đầu năm và dự báo còn giảm tiếp trong những năm tiếp theo. Tổng vốn đầu tư của DNNN 9 tháng đầu năm 2013 vẫn tăng 104,2% so cùng kỳ năm trước. DNNN chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và tăng lên 39,3% chỉ trong 9 tháng đầu năm
2013...
Quyết tâm cải cách rất cao
Để trút bỏ gánh lo từ khối DNNN, việc CPH chính là phương thức khả dụng. Quá trình CPH DNNN được tin là sẽ có đột phá từ năm 2014 này bởi quyết tâm từ cấp cao nhất. Tại diễn đàn “Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam” hồi cuối năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Trong 2 năm 2014-2015, sẽ CPH khoảng 500 DNNN, đặc biệt là sẽ CPH 1 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết các tổng công ty 90. Như vậy, đích sớm nhất tới năm 2020, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu chỉ còn giữ lại khoảng 300 DNNN có 100% vốn nhà nước. Hiện tại, Chính phủ đang xem xét việc cho phép các DNNN trong trường hợp cần thiết có thể thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành với mức giá thấp hơn giá trị mua ban đầu, chịu lỗ trước mắt nhưng sẽ tăng hiệu quả hoạt động sau khi thoái vốn.
Theo nhận định của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, hàng loạt quy chế và phát ngôn của Chính phủ Việt Nam đang và sẽ tạo một nền tảng pháp lý để đẩy nhanh cải cách DNNN, như buộc DNNN phải công bố thông tin minh bạch hơn, phải nộp ngân sách với cổ tức cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn nhà nước, gắn lương - thưởng của các lãnh đạo DNNN với hiệu quả kinh doanh của DN và yêu cầu DNNN phải thoái vốn ngoài ngành. Nếu những nhóm giải pháp này cùng được áp dụng đồng bộ trong năm nay thì chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực cho cải cách DNNN.
Ì ạch tái cơ cấu
Quá trình tái cơ cấu DNNN được khởi động từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước với nhiều bước thăng trầm và trở thành một trong 3 trọng tâm đột phá tái cơ cấu kinh tế hiện nay theo tinh thần Hội nghị lần thứ 3 (tháng 10-2011), lần 6 (10-2012) và lần 8 (10-2013) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Về tổng thể, quá trình tái cơ cấu DNNN còn chậm, nặng về lượng hơn là chất, chưa có nhiều đột phá trong cơ chế hoạt động và quản lý nên hiệu lực và hiệu quả thấp, thậm chí ngày càng trở thành nhân tố kiềm chế đổi mới và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Theo Ban Đổi mới DNNN, tổng số DNNN đã được CPH từ năm 1992 đến nay đã đạt gần 4.000, bình quân 1 năm được 181,5 DN. Tính đến cuối năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt gần 100% đề án sắp xếp, đổi mới DN của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015 (tổng cộng 101 đề án). Mặc dù ngày 21-5-2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lùi CPH 76 DN sau năm 2015 song trong 9 tháng đầu năm 2013, đã có 41 DNNN tiến hành thành công CPH (năm 2012 chỉ CPH được 12 DNNN). Đến nay, số DNNN 100% vốn nhà nước giảm từ 5.655 DN hồi năm 2001 còn 1.254 DN và gần 50% số địa phương không còn DNNN kinh doanh thuần túy.
Hiện đã có 7 tập đoàn và tổng công ty thực hiện tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên; 4 tập đoàn và tổng công ty thực hiện tái cơ cấu về tài chính, thoái vốn.
Theo: nld.com.vn