Hiểu một cách đơn giản, hiệu quả sử dụng lao động ở đây là xem xét mỗi 1 đồng lương được chi ra cho nhân viên thì doanh nghiệp thu sẽ được bao nhiêu đồng doanh thu cho mình.
Trong giai đoạn 2007 – 2015, báo cáo cho biết doanh thu bình quân mà một lao động mang về cho các doanh nghiệp đã tăng khoảng 2,5 lần, từ khoảng 482 triệu đồng năm 2007 lên 1.207 triệu đồng năm 2015.
Tuy nhiên, song song với đó là lương trả cho lao động cũng tăng lên. Vì vậy, hiệu quả sử dụng lao động lại có xu hướng ngược lại khi đã giảm gần 11% . Nếu như năm 2007, hiệu quả này ở mức 17,3 lần thì đến năm 2014 đã rơi xuống chỉ còn 15,4 lần.
Điều đáng nói, trong hơn 7 năm vừa qua, chỉ có duy nhất các doanh nghiệp nhà nướccho thấy hiệu quả sử dụng lao động tăng lên, còn lại các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp FDI đều có xu hướng giảm đi.
Cụ thể, khối các doanh nghiệp nhà nước đã có xu hướng sử dụng lao động được cải thiện mạnh mẽ kể từ năm 2012 khi hiệu quả ở năm này đã ở mức trên 20 lần, cao nhất trong các khu vực doanh nghiệp sau nhiều năm. Kể từ đó đến nay, tuy có giảm vào năm 2013 nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ ngôi quán quân về hiệu quả sử dụng nhân viên của mình.
Có được điều này là do người lao động thuộc khối doanh nghiệp nhà nước đã đạt mức doanh thu bình quân trên số lao động tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các khối khác. Tính trung bình, một lao động làm việc trong khối doanh nghiệp này mang về mức doanh thu năm 2014 (hơn 2 tỷ đồng/ năm) cao gấp 3,63 lần so với mức năm 2007 (hơn 500 triệu đồng/năm).
Mặc dù vậy, hiệu suất sử dụng lao động ở khối DNNN cũng bắt đầu giảm kể từ năm 2009, trùng với thời điểm khi có sự tác động mạnh mẽ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lên nền kinh tế Việt Nam.
Sự suy giảm này tiếp tục tiếp diễn đến năm 2012 trước khi bắt đầu có xu hướng hồi phục nhẹ vào năm 2013, tuy nhiên sau đó lại giảm vào năm 2014.
Cuối cùng, các doanh nghiệp FDI luôn có hiệu quả sử dụng lao động thấp nhất và thậm chí có xu hướng ngày càng giảm đi. Theo báo cáo, sự suy giảm này có lý do là từ các chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ Chính phủ đã liên tục ban hành ra, buộc các doanh nghiệp FDI phải tăng tiền lương cho người lao động.
Tốc độ tăng doanh thu bình quân của các doanh nghiệp không vượt qua được tốc độ tăng tiền lương của người lao động đã khiến cho các doanh nghiệp FDI đứng cuối trong bảng xếp hạng này.
Chất lượng lao động kém là nguyên nhân?
Có lợi thế về chi phí thấp nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế về chất lượng và năng suất lao động (bằng 2/5 lao động Thái Lan, 1/5 lao động Malaysia và 1/15 lao động Singapore) là vấn đề mà lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn đang gặp phải. Từ những nguyên do này, hiệu quả sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có thể bị suy giảm tương ứng.
Còn nhớ tại một cuộc khảo sát nghiên cứu thực hiện bởi Viện Khoa học Lao động và Xã hội và tập đoàn Manpower tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh thành ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã đánh giá chất lượng lao động Việt Nam chỉ nằm trong nhóm 10% thấp nhất khu vực ASEAN.
Khảo sát này cũng đưa ra những con số đáng suy ngẫm rằng có 1/4 số doanh nghiệp cho rằng người lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo, 1/5 số doanh nghiệp cho rằng người lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới và đặc biệt, có tới 1/3 số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đã không tìm được lao động có kỹ năng mà họ cần cho doanh nghiệp của mình.
Gần đây, một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Việc Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khảo sát trên 350 công ty cũng cho kết quả tương tự.
Theo đó, đội ngũ lao động Việt Nam không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn mà còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp, hầu hết các công ty được khảo sát đều không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, đặc biệt là đối với các kỹ sư và các kỹ thuật viên.
Theo: Cafebiz.vn