“Không cấm rút niêm yết, nhưng…”
Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Viễn thông Sài Gòn (mã SGT-HOSE) và Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (mã SQC-HNX) đều đã thông qua việc hủy niêm yết cổ phiếu tại các sở giao dịch chứng khoán và ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định thời điểm rút niêm yết, dù đang hoạt động bình thường và có lãi.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), đã có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh các quyết định này.

Phải cân nhắc kỹ

Trong lần trả lời báo chí gần đây, một cổ đông lớn của SGT đã tuyên bố rằng “việc tạm rút niêm yết để tái cấu trúc toàn diện là điều bắt buộc, là sự sống còn và cũng vì tương lai của doanh nghiệp”. Đứng trên góc độ của cơ quan quản lý, ông có ý‎ kiến gì về vấn đề này?

Tôi cho rằng doanh nghiệp vào niêm yết hay hủy niêm yết - dù bắt buộc hay tự nguyện - là câu chuyện bình thường, nếu hiểu rằng bản chất vấn đề là buộc nó phải thế.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường có tổ chức, là sân chơi bình đẳng của doanh nghiệp và công chúng đầu tư, nơi thể hiện tính đại chúng và bộc lộ các hệ lụy xấu, tốt đối với thị trường và cổ đông một cách rõ rệt nhất, nên nếu không vì lý do bản chất nội tại của doanh nghiệp thì việc vào hoặc rút khỏi niêm yết phải cân nhắc kỹ.

Hiện nay, các sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán chưa nhận được văn bản chính thức đề nghị hủy niêm yết của doanh nghiệp, tuy nhiên những gì mà tôi được biết qua báo chí về lý do mà doanh nghiệp dẫn đến xin hủy niêm yết không thực sự thuyết phục. thị trường chứng khoán là sân chơi đại chúng, nơi doanh nghiệp đưa cổ phiếu vào giao dịch và qua đó phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn.

Như vậy phải thấy rằng, doanh nghiệp khi niêm yết kênh huy động vốn trung và dài hạn đã góp phần cho doanh nghiệp tăng trưởng vốn nhanh chóng và mở rộng quy mô hoạt động, thực tế 10 năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã minh chứng rõ rệt điều đó đối với các doanh nghiệp niêm yết.

Vậy doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc kỹ điều gì, thưa ông?

Nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, có thể dẫn đến bị buộc phải hủy niêm yết và cần phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng hợp nhất, sáp nhập, hoặc doanh nghiệp cấu trúc lại và không còn là công ty đại chúng hoặc đang trong quá trình thực hiện thâu tóm và sẽ không còn là công ty đại chúng nữa thì có thể đưa ra lộ trình xin hủy niêm yết, chuyện đấy là bình thường và thông lệ quốc tế chỉ xảy ra như vậy.  

Còn trường hợp một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, vẫn có  lãi như SGT và SQC lại chủ động rút khỏi niêm yết thì nên cân nhắc kỹ đến quyền lợi của cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ. Bởi khi doanh nghiệp là công ty đại chúng và khi lên sàn, hình ảnh, thương hiệu và quảng bá, cơ hội chào bán tăng vốn khác hẳn khi doanh nghiệp còn ở ngoài sàn.

Nếu các doanh nghiệp chỉ sử dụng thị trường chứng khoán để huy động vốn bằng cách chào bán cổ phiếu ra công chúng, sau đó xin hủy bỏ niêm yết và rút khỏi thị trường thì cơ quan quản lý không thể đứng ra bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ.

Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh là khi quyết định hủy niêm yết, doanh nghiệp phải cân nhắc trên ba điểm.

Thứ nhất, dù có hủy niêm yết mà không có cấu trúc lại công ty, thì doanh nghiệp vẫn là đại chúng và vẫn phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo luật định. Thứ hai, hủy niêm yết sẽ rất khó khăn cho các cổ đông nhỏ của công ty trong việc chuyển nhượng, từ đó ảnh hưởng tới thanh khoản của cổ phiếu, đặc biệt là các cổ đông mua cổ phiếu trên thị trường thứ cấp (khi niêm yết) chứ không phải mua khi chào bán lần đầu. Thứ ba, việc hủy niêm yết khi công ty vẫn hoạt động bình thường và có lãi, rõ ràng sẽ có tác động tâm lý không tốt cho các doanh nghiệp khác.

Phụ thuộc vào ý kiến của cổ đông nhỏ

Theo quy định, một doanh nghiệp tự nguyện xin rút khỏi niêm yết, sẽ phải thực hiện những thủ tục gì?

Trường hợp huỷ niêm yết tự nguyện, doanh nghiệp niêm yết phải có đơn đề nghị huỷ bỏ niêm yết, có nghị quyết đại hội cổ đông đồng ý và cơ quan quản lý sẽ xem xét.  

Trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một số công ty bị hủy niêm yết bắt buộc, còn đối với hủy niêm yết tự  nguyện thì có lẽ đây là lần đầu tiên.

Vì vậy, dưới góc độ quản lý buộc sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán phải xem xét một cách thận trọng, không những vừa bảo đảm tính tự quyết của doanh nghiệp, mà còn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ.

Khi xem xét hồ sơ tự nguyện rút khỏi niêm yết, Ủy ban Chứng khoán sẽ quan tâm đến điều gì nhất?

Theo tôi, việc cơ quan quản lý‎ xem xét doanh nghiệp xin hủy bỏ niêm yết tự nguyện sẽ dựa trên quy định pháp lý và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, việc xem xét hủy bỏ niêm yết cần dựa trên ‎ý kiến của các cổ đông nhỏ, thông thường phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông nhỏ chấp thuận, sau khi đã loại trừ ‎ kiến của cổ đông lớn.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung mới đây quy định, công ty đại chúng chào bán chứng khoán ra công chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường tập trung trong vòng một năm, và như vậy Chính phủ cũng sẽ phải quy định số năm công ty phải niêm yết trên sàn khi là công ty đại chúng để tránh việc doanh nghiệp vào niêm yết để đối phó, sau đó vài tháng chủ động xin hủy bỏ niêm yết.

Mặt khác, quy định pháp l‎ý về công bố thông tin tới đây cũng sẽ thay đổi theo hướng doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố thông tin không phải dựa vào đối tượng là công ty niêm yết hay không niêm yết, mà dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng (số cổ đông) của doanh nghiệp để xác định nghĩa vụ công bố thông tin nhiều hay ít.

Lý do xin rút khỏi niêm yết của SGT là do giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn giá trị thật nhiều lần. Ông có lo ngại rằng, một làn sóng các doanh nghiệp khác cũng theo chân SGT để xin rút niêm yết vì lý do trên không?

Góc độ vào niêm yết hoặc hủy niêm yết đều là những việc không đơn giản vì chắc chắn sẽ có tác động tới nhà đầu tư, các cổ đông và từ đó ảnh hưởng tới cả thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ, không thể thích thì vào, không thích thì hủy niêm yết, vì rất nhiều hệ lụy xảy ra khi doanh nghiệp chủ động hủy niêm yết mà không vì lý‎ do tài chính của doanh nghiệp.

Theo tôi, lúc này có thể thị trường chứng khoán đang khó khăn, giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường không phản ánh đúng giá trị sổ sách của công ty, đó là thực trạng chung mà các doanh nghiệp niêm yết hiện nay trên thị trường đang gặp phải và chuyện đó cũng bình thường như các thị trường chứng khoán khác.

Thử hình dung xem, thị trường chứng khoán sẽ biến động ra sao, nếu các doanh nghiệp khác cũng theo SGT và SQC vì khó khăn và cùng xin rút niêm yết hết, rồi sau đó khi thị trường hồi phục, tất cả đồng loạt nộp hồ sơ niêm yết trở lại?

Theo tôi, thị trường chứng khoán là thị trường có tổ chức, không thể để doanh nghiệp vào - ra một cách tự do.

Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không cấm doanh nghiệp rút niêm yết, nhưng việc rút niêm yết phải theo quy trình và quy định của pháp luật và ngoài trách nhiệm của các cổ đông nói chung, thì phải xem xét đặc biệt đến thái độ của cổ đông nhỏ, và trong trường hợp này đây là yếu tố quyết định.

Theo vneconomy.com.vn

Các tin khác