Tái cấu trúc tài chính: cơ hội nào cho doanh nghiệp?
Những bất ổn từ chỉ số vĩ mô
Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam thì “tăng trưởng vĩ mô của Việt Nam cao lên nhưng bất ổn cũng tăng và lạm phát không được kiềm chế”. Theo đó, các con số thực hiện chỉ số vĩ mô của năm 2010 là: GDP tăng trưởng 6,78% và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) lên đến 11,75%.
Gần đây, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam vẫn chưa hề ngừng lại. Bằng chứng là, theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MBHS), chỉ số CPI tháng 4 cao hơn tháng 3 ở mức 3,32%. Không chỉ có thế, theo dự đoán của Bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tháng 5 CPI sẽ tiếp tục tăng ở mức 2-2,5% so với tháng 4.

Cũng theo báo cáo trên, những dấu hiệu vĩ mô vẫn chưa sáng sủa như kỳ vọng. Theo đó, Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,3 tỷ đô la Mỹ và giảm 1,97% so với tháng 3. Lạm phát lũy kế 12 tháng tại thời điểm tháng 4/2011 là 17,51%, cũng là mức rất cao so với cùng thời điểm các năm gần đây và chỉ thấp hơn một chút so với cùng thời điểm năm 2008. Lạm phát từ đầu năm 2011 đến nay là 9,64%, vượt xa mục tiêu 7% cho cả năm của Chính phủ.

Đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ theo hướng thắt chặt nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát như siết chặt tín dụng, tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu... Tuy nhiên, các biện pháp này dường như vẫn chưa đủ liều đối với tình hình lạm phát. Do vậy, từ ngày 1/5/2011, NHNN tiếp tục tăng lãi suất tái cấp vốn lên 14%/năm và lãi suất chiết khấu lên 13%/năm. Việc tăng 2 loại lãi suất này khiến các ngân hàng trong nước khó tiếp cận nguồn vốn từ NHNN hơn, hoặc phải tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí cao hơn, do đó đẩy mặt bằng lãi suất tăng, trong đó có lãi suất cho vay.

Doanh nghiệp và các điểm yếu của quản trị tài chính
Theo Thạc sỹ Hồ Bảo Luân, “Tái cấu trúc tài chính là việc quan trọng giống như đường đi đến trái tim của doanh nghiệp vậy”. Theo đó, trước khi triển khai công việc này phải phân tích, rà soát lại tình hình thực trạng của doanh nghiệp; xác định lại nguồn vốn; xác định các chỉ tiêu đo lường quen thuộc như KPI (Key Performance Indicator, chỉ số đánh giá thực hiện công việc), KRI (Key Risk Indicator, chỉ số quản trị rủi ro)…

Và sau cùng là kiểm soát chất lượng tài chính của doanh nghiệp.

Trong kinh nghiệm tư vấn, huấn luyện của mình, ông Luân cho rằng: “Nền tảng tài chính của các doanh nghiệp còn sơ khai. Đôi khi, họ nhìn nhận trong két sắc còn bao nhiêu tiền là lợi nhuận và cũng không biết lợi nhuận đến từ đâu? Đôi khi chính người thân sử dụng nguồn tiền để đầu tư vào các lĩnh vực khác mà họ cũng không hề biết.” Đó là một thực tế.

Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn tái cấu trúc lại tài chính của mình cần phải nhìn ra những điểm yếu cố hữu trong công tác quản trị tài chính như: Thông tin về tài chính bị cung cấp trễ; tài khoản tăng nhanh hoặc sụt giảm quá nhanh so với tốc độ doanh thu; tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn tỷ lệ lạm phát; các khoản chênh lệch không được giải thích thỏa đáng; dòng tiền kinh doanh bị âm; không giải quyết được nợ đến hạn…

Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy rằng, doanh nghiệp đang lâm vào một tình trạng hỗn loạn về mặt quản lý và cần ngay một “liệu pháp” để trị dứt điểm căn bệnh quản trị yếu kém về tài chính.

Phương pháp tái cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp
Trước hết, cần xác định được cấu trúc vốn của doanh nghiệp. Sau khi nhìn thấy được cơ cấu vốn thì bước tiếp theo, theo ông Luân, cần tối ưu hóa vốn cố định của doanh nghiệp. Theo đó, cần huy động vốn từ cán bộ, nhân viên bằng các đợt phát hành cổ phiếu nội bộ. Và điều quan trọng là tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng qua việc trả nợ đúng hạn để nhận được nguồn vốn vay trong tình hình khó khăn.

Trên thực tế, khá nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã đưa ra những chính sách linh hoạt để tái cấu trúc tài chính. Chẳng hạn, khi khủng hoảng vào năm 2008 thì bản thân Tập đoàn City Group đã bán đi Công ty dịch vụ Công nghệ City (thuộc City Group) với giá 127 triệu đô la Mỹ để tăng nguồn vốn của mình lên. Không chỉ có thế, họ còn huy động thông qua các nhà đầu tư như việc nhượng 1% cổ phần cho Carlos Slim để tăng quỹ tiền mặt.

Cũng theo ông Luân, việc tăng cường chính sách thu công nợ, giải quyết hàng tồn kho (với doanh nghiệp thương mại và sản xuất)… cũng là những vấn đề cần lưu tâm.

Bên cạnh những phương pháp cần thiết trên thì cần các biện pháp rốt ráo để nâng cao hiệu suất, năng lực tài chính như: lập quỹ dự phòng khi kinh doanh có lãi; đầu tư vào các dự án sinh lợi nhanh; tối ưu hóa năng suất, máy móc; thực hiện quản lý theo kiểu “thu đủ, chi đúng”; nâng cao năng lực của đội ngũ kinh doanh; rút ngắn quy trình sản xuất… cũng giúp tái cấu trúc lại năng lực tài chính cho doanh nghiệp.

Trong khủng hoảng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp là cần thiết. Và một trong những việc cần làm là tái cấu trúc tài chính. “Nó sẽ mang lại một sinh khí mới giúp cơ thể doanh nghiệp khỏe mạnh trở lại để đương đầu với những khó khăn sắp tới”, ông Luân chia sẻ thêm.

 

www.saga.vn


Các tin khác