Đối tác chiến lược và cách nhìn sai lệch của doanh nghiệp
Các hình thức trá hình hoặc không rõ ràng cổ đông chiến lược hay cố ý tạo sự nhầm lẫn về hợp tác toàn diện sẽ làm lý lịch của doanh nghiệp thiếu minh bạch... Như thế, các nhà đầu tư chân chính có thể bị mắc bẫy một lần nhưng lần sau sẽ rất cảnh giác và trở nên dị ứng với bất kỳ một dạng nào về hợp tác chiến lược.

Vài năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam rất  tích cực tìm kiếm “nhà đầu tư chiến lược”, nhất là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cộng đồng các nhà đầu tư cũng thường coi những thông tin này như là chỉ báo về tương lai của các doanh nghiệp này và họ cũng coi đó là cơ sở để đầu tư, nắm giữ cổ phiếu. Như vậy, rõ ràng các nhà đầu tư chiến lược sẽ "tạo ra giá trị" cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua, người ta cũng chứng kiến rất nhiều "hợp đồng hợp tác chiến lược" giữa các doanh nghiệp với nhau... nhưng sau đó dường như không có nhiều cải thiện mới từ doanh nghiệp; cộng đồng các nhà đầu tư cũng đã và đang có hoài nghi về vấn đề này. Điều này cho thấy cần có tư duy mới hơn về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong thời gian tới.

Tăng giá trị cho doanh nghiệp đã bị xói mòn

Khi đề cập đến nhà đầu tư chiến lược đối với một doanh nghiêp, theo nghĩa quản trị công ty, thông thường người ta hiểu là một đối tác có mức độ cam kết rất cao đối với doanh nghiệp đó về các mặt quan trọng như vốn, quản trị, quản lý, công nghệ...

Đối tác này tham gia hỗ trợ quá trình cải cách, vực dậy các doanh nghiệp yếu kém về tài chính, quản trị... đồng thời, góp phần “sửa chữa” nhanh chóng những yếu kém của doanh nghiệp đang trong quá trình cơ cấu lại; làm cho doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhà đầu tư chiến lược sẽ  “add value” (gia tăng giá trị) cho doanh nghiệp đã bị xói mòn hết giá trị (như làm ăn thua lỗ, mất uy tín,... ).

Sơ đồ dưới đây có thể mô tả đôi chút về mục tiêu/mục đích của doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Sơ đồ cho thấy, chỉ khi hai bên gặp được nhau (như thỏa hiệp được về mục tiêu) thì việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được thành công.

 

Tại Việt Nam, quá trình thiết lập quan hệ nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thời gian qua có một số điểm đáng quan tâm và có thể là các bất cập sau:

Tiền vốn lấn át mục tiêu công nghệ mới, quản trị mới

Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đáng lẽ cần được coi như một giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp, nhằm đưa quản lý, công nghệ và đi kèm là vốn... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp do vấn đề vốn khó khăn và tầm nhìn chiến lược quản lý hạn chế đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn đối tác chiến lược, và mục tiêu về vốn thường được đặt ra đầu tiên sau đó mới đến các tiêu chí khác.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường không chấp nhận đối tác nước ngoài do giá cố phiếu mà đối tác "ngoại" trả thường thấp hơn thị giá (giá hiện hành). Chẳng hạn, việc lựa chọn đối tác người ngoài của VCB mất quá nhiều năm là một ví dụ điển hình về việc không thảo thuận được về giá.

Sử dụng tiền chưa hợp lý

Một trong những mục tiêu của tìm đối tác chiến lược (nhất là đối tác chiến lược nước ngoài) là cải thiện và hỗ trợ cơ sở vốn của doanh nghiệp trong nước - củng cố tài chính. Việc củng cố tài chính không chỉ đơn thuần được hiểu là tăng thêm số tiền đơn giản mà còn là củng cố kỷ luật tài chính của doanh nghiệp do áp dụng các hệ thống quản trị tài chính quốc tế...

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt Nam thường có cách tiếp nhận vốn nước ngoài rất đáng chú ý. Có doanh nghiệp rất lớn, kể cả ngân hàng lớn năm 2010 đã tiếp nhận một nguồn vốn rất lớn hàng trăm triệu USD của cổ đông chiến lược nước ngoài (cụ thể là của IFC, thuộc nhóm Nhóm ngân hàng thế giới - WB) nhưng lại sử dụng ngay khoản vốn đó cho mục đích đầu cơ vào bất động sản...

Cho dù nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có đồng ý, nhưng ở góc độ khách quan cho thấy trong điều kiện thiếu vốn cho nhu cầu kinh doanh nhưng doanh nghiệp lại sử dụng vốn cho mục đích đầu cơ hơn là vào kinh doanh chính (core business) của mình là một câu hỏi lớn và phản ánh doanh nghiệp sử dụng vốn chưa hợp lý.

Việc đầu cơ có thể có lãi (về mặt tài chính) song đó là sự may rủi và trên phương diện tổng thể thì điều đó là trái với nguyên tắc về lựa chọn đối tác chiến lược.

Mập mờ đối tác chiến lược

Thông tin đại chúng cho thấy, dường như ngày nào cũng vậy, tại Việt Nam  có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược mới được xác lập và như vậy các yếu kém tại các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được khắc phục (bao gồm cả thiếu vốn).

Song, khảo sát thực tế cho thấy trong thực tế có rất ít những hợp đồng đối tác chiến lược đưa đến các cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp (kể cả hỗ trợ vốn) một cách thực sự... Có nhiều hợp đồng đối tác chiến lược toàn diện được ký chủ yếu để bán được cổ phiếu... vì sau đó người ta không thấy có sự gắn kết nào một cách toàn diện mà lại thấy có khá nhiều giao dịch mang tính trục lợi nhiều hơn...

Nhiều trường hợp, một đối tác chiến lược góp vốn vào doanh nghiệp khác nhưng lại tìm cách thoái vốn (bí mật) ngay sau khi mua được cổ phiếu... Và như vậy các hợp đồng hợp tác chiến lược lại làm hỏng doanh nghiệp (về một số mặt) và làm hỏng thị trường chứng khoán. Vì sau này, doanh nghiệp khó có thể huy động vốn theo những cách thức như thế nữa và mục đích cơ cấu lại doanh nghiệp không đạt được.

Các hình thức trá hình hoặc không rõ ràng cổ đông chiến lược hay cố ý tạo sự nhầm lẫn về hợp tác toàn diện hay cổ đông chiến lược của doanh nghiệp sẽ làm cho lý lịch của doanh nghiệp thiếu minh bạch... Như thế, các nhà đầu tư chân chính có thể bị mắc bẫy một lần nhưng lần sau sẽ rất cảnh giác và trở nên dị ứng với bất kỳ một dạng nào về hợp tác chiến lược...

Rõ ràng, vấn đề lựa chọn đối tác chiến lược đối với doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua còn khá nhiều hạn chế và nhìn chung chưa thành công. Điều này phản ánh hệ thống quản trị doanh nghiệp đang  tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư chiến lược đang bắt đầu trở nên đặc biệt quan trọng đối với quá trình cải cách doanh nghiệp không chỉ là vốn cho đầu tư mà trong đó là công nghệ, thông lệ tốt nhất về quản trị công ty cần được cải thiện mạnh mẽ ở Việt Nam.

Nếu việc lựa chọn cổ đông chiến lược (nhất là nước ngoài) không được cải thiện tốt thì doanh nghiệp trong nước sẽ khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn: "quản lý, quản trị yếu kém - thiếu vốn kinh doanh - hoạt động kém - không có nhà đầu tư mới và cam kết (nhà đầu tư chiến lược) - thiếu vốn...".

Việc thay đổi nhận thức, tư duy lại về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược - coi đó là giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp (chứ không phải là bán doanh nghiệp để lấy tiền...) sẽ giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn bấy lâu nay.

(Nguồn: VEF)


Các tin khác